Không may mắn như nhiều người, người khuyết tật khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi cả về thể chất lẫn trí tuệ. Nhiều mảnh đời mặc cảm, thấy mình như bị bỏ lại phía sau, thế nhưng cuộc sống của họ đã thay đổi nhờ có người phụ nữ tên Đoàn Thị Hoa.
Cô Đoàn Thị Hoa – người thành lập Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa
Xuất phát từ tình thương và sự cảm thông, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa ra đời vào năm 2007 tại xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Hà Nội do cô Đoàn Thị Hoa sáng lập. Mọi người xung quanh vẫn hay trêu đùa gọi cô là “giám đốc” nhưng cô lại luôn nói mình chỉ là một người mẹ bình thường, có trách nhiệm chăm sóc, cưu mang cho đàn con nhỏ mà thôi.
Người khuyết tật làm nghề thủ công ở Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa
Về cơ duyên thành lập trung tâm, cô Hoa chia sẻ: “Năm 2005, tôi được đi theo hội Chữ thập đỏ vào miền Nam thiện nguyện. Có một em bé khuyết tật nói với tôi, muốn có cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Sau đó, về miền Bắc tôi trăn trở mãi, cuối cùng quyết định xin các lãnh đạo xã mở một cơ sở đào tạo nghề nho nhỏ cho người khuyết tật.”
Giờ đây, Trung tâm dạy nghề Quỳnh Hoa đã có gần 30 bạn trẻ khuyết tật tìm đến theo học và nội trú. Những đôi bàn tay thoăn thoắt, tỉ mỉ, say sưa cắt dán, lắp ghép những con giống, những bức tranh vô cùng khéo léo, không ai nghĩ các em là những người có khiếm khuyết. Mỗi người một cảnh, các em gặp nhau ở một mái nhà đầy ắp tình thương yêu vô bờ.
Sản phẩm của các em nhỏ khuyết tật
Chị Lan Hương, học viên của trung tâm chia sẻ: “Em coi đây như là ngôi nhà thứ 2 của em, mọi người ở đây tốt như là anh chị em ruột của em.”
Nhận được tình yêu thương của cô, các anh chị em trong trung tâm đều gọi cô một tiếng: “U Hoa”. Anh Trần Văn Đại, bị liệt cả 2 chân sinh sống và học tập tại trung tâm bày tỏ: “U Hoa cũng như người mẹ thứ 2 của anh vậy, u là một người vô cùng đặc biệt và sống rất giàu tình cảm.”
Sau 13 năm hoạt động, trung tâm đã đón nhận tất cả hơn 500 học viên. Trải qua nhiều khó khăn và thử thách, từng có lúc muốn buông xuôi nhưng cô Hoa lại nghĩ: “Vẫn thấy các con tội nghiệp lắm! Rồi nó nghỉ thì về nhà nó làm gì? Cuộc sống đang vui tươi, chẳng lẽ để nó về nhà lại tiếp tục sống lủi thủi một mình?” Chính vì thế, cô luôn cố gắng duy trì trung tâm dạy nghề của mình dù cho có vất vả đến đâu.
Các em đã dần trưởng thành, hòa nhập cộng đồng một cách chủ động, tích cực hơn.
Cứ thế, ngày qua ngày, các em dần trưởng thành, đã tự tin vượt qua chính mình để có được cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn, hòa nhập cộng đồng một cách chủ động, tích cực hơn. Ngoài có cho mình nghề nghiệp để trang trải cuộc sống thì còn có những học viên đã nên duyên vợ chồng, họ có một cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn về mặt tinh thần. Còn đối với các em nhỏ, các em đã có cho mình một ngôi nhà đủ đầy, có “mẹ”, có các anh chị em và tình yêu thương của tất cả mọi người ở trung tâm.
PV
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/u-hoa-nguoi-phu-nu-nang-long-voi-nguoi-khuyet-tat-a3106.html