Giấc mơ dang dở của người “ghét lửa” từng cưa vỏ thuốc bồi đại bác làm bình chữa cháy

Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí chế tạo máy nhưng ông lại có niềm đam mê đặc biệt với công việc “trị hỏa”. Kiến thức từ ghế nhà trường cùng kinh nghiệm sống đều được ông dồn hết vào việc chế tạo các thiết bị phục vụ việc chữa cháy.

Sau thời cưa vỏ đựng thuốc bồi đạn đại bác làm bình chữa cháy, ông cho ra đời xe chữa cháy mini chuyên trị các vụ hỏa hoạn trong hẻm nhỏ. Khi phải lên bàn mổ cột sống sau nhiều năm cặm cụi chế tạo, ông tạm dang dở giấc mơ canô chữa cháy cho các cánh rừng miền Tây.

Trận hỏa hoạn định mệnh

Gặp gỡ PV trong buổi chiều mưa nặng hạt, ông Nguyễn Quang An (SN 1962, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) không còn sự linh hoạt vốn có của một kỹ sư nổi tiếng. Thế nhưng, nhiệt huyết trong khát vọng sáng tạo các thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong ông vẫn tràn đầy. Ông đến với công việc chế tạo thiết bị chữa cháy sau một trận hỏa hoạn định mệnh. “Đó là một buổi chiều đầu năm 1975. Tôi trở về nhà và chứng kiến cảnh khu vực nhà tôi ở bị lửa thiêu rụi. Nhà cửa, vật dụng… tan hoang, ngổn ngang trong đống tro tàn”, ông An mở đầu câu chuyện.

Ông Nguyễn Quang An bên chiếc xe cứu hỏa mini chuyên trị các vụ cháy trong hẻm nhỏ.

Thời điểm đó, nhà ông ở phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Những năm đầu 1975, khu vực này là nơi trữ xăng, dầu. Một ngày tháng Giêng năm 1975, kho xăng dầu tại đây phát nổ tạo thành trận hỏa hoạn kinh hoàng. Xăng, dầu trôi theo kênh rạch trong khu vực khiến trận hỏa hoạn lan rộng, thiêu rụi nhiều nhà dân từ phường 2 đến phường 1 của quận Bình Thạnh. Ông nhớ lại: “Sáng hôm đó, tôi đang đi học. Trên trường, tôi nghe đài phát thanh phát bản tin có cháy lớn ở khu vực nhà tôi. Thế nhưng, khi tôi hỏi người bạn ở cùng xóm đến lớp trễ về vụ cháy, người này nói không biết gì. Tôi an tâm học tiếp”.

“Chiều về, vừa đến đầu đường dẫn vào khu nhà tôi, tôi thấy xe chữa cháy đỗ ngổn ngang, ống nước la liệt, xếp thành từng dãy kéo vào trong hẻm. Tôi chết lặng, lòng rối bời nghĩ đến những điều xấu nhất. Rất may, trận hỏa hoạn bị chặn đứng trước khi lan đến nhà tôi. Từ vụ hỏa hoạn kinh hoàng này, tôi luôn trăn trở những câu hỏi: phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp lúc bấy giờ như thế nào, còn thiếu những gì… Năm 1982, ba tôi về hưu, ông mở xưởng cơ khí cho tôi làm việc. Nhớ đến trận hỏa hoạn ngày xưa, tôi giât mình nghĩ đến hậu quả kinh hoàng nếu ngọn lửa không được khống chế, cháy lan sang nhà tôi. Tôi quyết định mày mò tìm cách chế tạo dụng cụ chữa cháy”, ông An kể thêm.

Cũng theo ông, thời điểm này, bọt chữa cháy đã thịnh hành nhưng thiết bị, dụng cụ để để chứa loại bọt này lại cực hiếm. Nhận thấy “lỗ hổng” trên, ông lao vào nghiên cứu, mày mò. Bất ngờ, ông nhìn thấy vỏ chứa thuốc bồi đạn đại bác 155 ly trong đống phế liệu trước nhà. Ý tưởng sử dụng phế liệu chiến tranh để làm bình chứa bọt chữa cháy hình thành.

“Thời điểm đó, loại vỏ này rất nhiều. Chúng được cuốn bằng tôn dày 1,2 ly và có nắp đậy. Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi nhận thấy loại vỏ này rất phù hợp cho việc đựng bọt chữa cháy. Nó có lớp sơn bên trong mà chúng tôi hay gọi vui là “sơn nhà binh” vô cùng chất lượng. Chúng có thể chống sự hủy hoại, ăn mòn của hóa chất đến cả chục năm. Hoàn tất, tôi đem sản phẩm đến phòng Cảnh sát PCCC T.HCM để các lãnh đạo tại đây đánh giá, kiểm tra chất lượng và được đánh giá rất cao. Ngay sau đó, đơn vị này đã ký hợp đồng đặt hàng với tôi 5000 vỏ bình chữa cháy được “chế” từ vỏ thuốc bồi đạn đại bác”, ông kể.

Giấc mơ dang dở

Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là sản phẩm chiếm nhiều tâm tư nhất của ông. Hàng ngày phải luồn, lách qua những con hẻm nhỏ, sâu hun hút tại TP.HCM, ông chợt nhận ra rằng, khi hỏa hoạn bùng lên bên trong các con hẻm, phương tiện chữa cháy hiện hữu khó có thể tiếp cận. Ý tưởng chế tạo xe chữa chánh mini, chuyên trị hỏa hoạn tại các con hẻm nhỏ bắt đầu manh nha trong tâm trí ông. Nghĩ là làm, một mình ông lên ý tưởng, thiết kế rồi mày mò cưa, hàn, chế, độ biến chiếc xe Honda 2 bánh thành 3 bánh.

Cận cảnh chiếc xe cứu hỏa mini do ông An chế tạo.

Trên xe, ông để động cơ có thể để bơm, hút nước, phía sau là hộp ống dẫn nước tối đa 60m cùng một túi đựng nước có sức chứa 150 lít. Phía trước, chiếc xe được ông trang bị thêm 4 bình chữa cháy mini. Các bình này sẽ được người vận hành sử dụng khi tiếp cận đám cháy trong lúc chưa kịp nối ống, lấy nước từ trụ cung cấp nước. “Cõng” tất cả những thiết bị ấy trên mình nhưng chiếc xe trông vẫn gọn gàng, vững chãi, hoàn toàn có thể chui lọt các hẻm chỉ rộng 1m.

Tính cơ động, hiệu quả của loại xe chữa cháy mini 3 bánh nhanh chóng được cơ quan chức năng TP.HCM chấp nhận. Từ năm 2001 đến nay, ông được lãnh đạo nhiều phường, quận tại TP.HCM đặt hàng loại phương tiện chữa cháy đặc biệt này. Trong đó, hầu hết các phường của quận Bình Tân và quận 11 (TP.HCM) đều đặt hàng, trang bị xe 3 bánh chữa cháy trong công tác PCCC tại địa phương. Theo ông, xe chữa cháy mini của ông cũng đã có mặt tại TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau và một số địa phương tại Campuchia…

Vừa hoàn tất đứa con tinh thần sau nhiều thời gian thai nghén, dòng suy nghĩ của ông vươn xa hơn về phía những cánh rừng U minh. Ông nói, hàng năm, ông vẫn nghe tin các cánh rừng tại U Minh thượng, U Minh xảy ra cháy. Trong khi đó, lực lượng tuần tra rừng lại mỏng và chủ yếu là đi bộ. Nếu phát hiện cháy, lực lượng này cũng chỉ sử dụng các dụng cụ thô sơ để khống chế, dập lửa. Phương tiện chữa cháy hiện đại tiếp cận điểm cháy lâu, chậm khiến việc chữa cháy khó khăn hơn.

“Tôi nghĩ, các rừng này đều có, được đào những mương, rạch ngăn cháy lan. Tôi nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc canô để đi tuần tra rừng và can thiệp lúc ban đầu nếu phát hiện cháy rừng. Nghĩa là, khi mới phát hiện cháy, lực lượng tuần tra có phương tiện, máy bơm tại chỗ để khống chế đám cháy ngay. Canô này nhỏ gọn, có thể lưu thông trên cạn, bùn lầy và dưới nước. Bởi, nếu điểm cháy xảy ra ở khu vực triều cường thấp, nước cạn thì tàu, canô chạy bằng chân vịt khó tiếp cận được. Để đáp ứng các yêu cầu trên, tôi kết hợp loại bánh lồng của xe máy cày và động cơ chân vịt”, ông kể.

Thực tế, ý tưởng trên đã được ông hiện thực hóa. Chiếc canô vỏ bằng composit, phía sau có cái guồng giống như máy cày, bên trên có động cơ để bơm nước chữa cháy đã được lắp ráp, thử nghiệm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sản phẩm này vẫn chưa thể hoàn thiện. Đến nay, ông lâm bạo bệnh, phải lên bàn mổ khiến việc tiếp tục điều chỉnh, hoàn tất ý tưởng của mình gặp trở ngại. Khát vọng vẫn luôn thúc giục nhưng sức khỏe không cho phép, ông ngậm ngùi gửi gắm ước mơ của mình cho một người cùng chung chí hướng tiếp tục hoàn thiện. Ông hy vọng, một ngày không xa, canô chữa cháy sẽ lẻn lỏi, bảo vệ những cánh rừng U minh trước nạn cháy rừng.

Ca nô chữa cháy đã được hạ thủy một lần

Ông Nguyễn Quang An cho biết, chiếc ca nô chữa cháy trước đó đã được ông lắp ráp, vận hành thử nghiệm và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ông không thể tiếp tục hoàn tất ý tưởng của mình. Ông đã chuyển ước mơ dang dở của mình cho ông Phạm Đình Thọ, Giảng viên trường cao đẳng GTVT Trung ương VI, TP.HCM. Ông Thọ cho biết, trước đó, chiếc ca nô đã được hạ thủy một lần và hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, ca nô vẫn còn nhiều hạn chế cần phải điều chỉnh. Việc này sẽ được ông thực hiện trong thời gian tới.

NGỌC LÀI

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/giac-mo-dang-do-cua-nguoi-ghet-lua-tung-cua-vo-thuoc-boi-dai-bac-lam-binh-chua-chay-a3117.html