Nghệ nhân gần 90 tuổi kể hé lộ bí quyết làm hương trầm khiến nhà văn lừng danh Nguyễn Tuân cũng phải “ngả mũ”

Phố cổ Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa ngà năm văn hiến, là nơi sinh sống phát triển, kinh doanh, buôn bán của biết bao thế hệ. Nó chứa đựngtrong mình nhiều câu chuyện hay về những làng nghề truyền thống của người Tràng An. Số nhà 26 phố Đồng Xuân, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương. Người ta đến đây mua vì chất lượng của hương trầm, nhưng cũng vì lý do số nhà 26 này là “chứng nhân” lịch sử của một thời kỳ hào hùng trong lịch sử dân tộc

Nghệ nhân duy nhất làm hương trầm trong lòng phố cổ

Trên gác 2 của căn nhà nằm ngay sát chợ Đồng Xuân, ông Mai Lộc tiếp chúng tôi với một nụ cười hiền hậu. Ông bảo, chỉ 6 tháng nữa là ông bước vào tuổi 90. Tuy đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng người nghệ nhân già này vẫn còn rất minh mẫn. Ông bảo, nhà ông hiện tại là gia đình duy nhất làm hương trầm ở phố cổ, còn những gia đình khác đã chuyển đổi sang kinh doanh nghề hiện đại hơn. Để giữ được “cái nghề xưa cũ” này cũng là một câu chuyện dài.

Với 60 năm trong nghề gia truyền làm hương trầm, ông kể cho chúng tôi nghe về truyền thống hơn 100 năm của gia đình mình. Mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Đọi, người làng Dốc Lã, Kim Động, Hưng Yên, nơi được xem là cái nôi sản sinh ra nghề làm hương. Năm 1911, khi ấy cụ Đọi mới 9 tuổi, theo cha đem nghề làm hương ra Hà Nội. Ngày ấy, Hà Nội có 7 nhà chuyên sản xuất và bán hương cho toàn miền Bắc với những cái tên như: Vạn Lợi, Đông An Dương, Tân Mỹ Thành, Quảng Thái, Vạn Anh, Hoàng Phát… Cửa hiệu Tân Mỹ Thành của nhà ông là lâu đời hơn cả. Ông bảo, ban đầu ông ngoại và mẹ ông làm hương ở phố Lý Nam Đế, sau khoảng 5-7 năm thì chuyển về phố Đồng Xuân ở, từ đó đến nay, gia đình 4 đời đã ở nơi Kẻ chợ này rồi. Sau này, khi cụ Đọi mất, mặc dù đã theo nghiệp dạy học được 30 năm, ông Mai Lộc vẫn quyết tâm tiếp tục nghề cha mẹ để lại.

Ông Mai Lộc đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn.

Ông Mai Lộc tâm sự: “Nếu kể về nghề làm hương truyền thống, thì gia đình tôi có 4 đời liên tục làm nghề cho đến bây giờ là các con tôi đang kế tục sự nghiệp của ông cha. Nghề làm hương cũng có nhiều gian nan lắm, nghề làm hương có hai loại, hương nén và hương vòng. Bây giờ nhiều gia đình ở phố cổ không làm hương mà đi lấy hương về bán hoặc mua nguyên liệu về “cân kẹo”. (một loại hương làm thủ công nhưng có chất lượngương kém – PV). Để làm thành một nén hương, họ chỉ cần 3 thứ: Keo dính, nhựa trám và hồi. Nhưng việc làm hương nhà tôi thứ phức tạp hơn nhiều, trong mỗi nén hương nhà tôi có tới vài chục vị thuốc Bắc, thảo mộc. Đó là sự pha trộn giữa rất nhiều dược liệu như: đại hoàng, xuyên khung, đan bì, cam thảo, mộc hương, hắc hương, nhục đậu, tế tân… Và điều quan trọng hơn, sự pha chế này phải tuân theo một công thức nhất định, một tỷ lệ nhất định. Nếu muốn có được một nén hương thơm, ngào ngạt mà không gây hắc khi thắp, thì người làm nghề phải thật tinh tế và cẩn thận”.

Ông khoe với phóng viên miếng gỗ trầm thật.

“Nghề làm hương cũng phải tâm linh, vì thế người làm hương cũng phải có tâm, có đức và lương thiện. Đã làm nghề phải có lãi, nhưng quan điểm của gia đình tôi là lãi và chữ tín phải đi với nhau. Không phải chỉ chăm chăm nghĩ đến lãi, thì nghề sẽ không bền lâu. Nhiều người hỏi tôi: Ông có bí quyết gì mà làm giữ nghề truyền thống này lâu vậy? Tôi bảo không có bí quyết gì cả, chúng tôi làm bền lâu như vậy là sự thiện lương, tử tế, không gian dối. Chúng tôi không dùng mánh khoé làm nghề. Gia đình tôi thường làm hương loại 1 và loại 2 để bán quanh năm, vì khách đến đây mua thường chọn loại tốt. Nhưng gần Tết thì chúng tôi thường làm thêm một loại nữa là hương đặc biệt để phục vụ Tết. Thường là từ tháng 10 âm, chúng tôi đã chuẩn bị nguyên liệu, bắt tay vào làm hương đặc biệt, bán trong vòng hai tháng cuối năm.

Nhà tôi làm hương đặc biệt có số lượng nhất định, vì nguyên liệu cầu kỳ, kỹ càng hơn nhiều, nhưng bán từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12 là hết rồi, người nào đến chậm hỏi mua là không có, năm nào cũng vậy, nhưng chúng tôi không làm ồ ạt, làm vừa phải để chọn được những nguyên liệu tốt nhất. Chỗ này là một kẽ hở, nếu tham lam thì “sẽ kiếm” ở chỗ này: Nếu khách cần hương đặc biệt mà hết nguyên liệu rồi, nếu tham thì lấy nguyên liệu của hương loại 1 và 2 làm cũng được, vì khách hàng tin mình, họ khó phân biệt được đâu là nguyên liệu dùng cho hương đặc biệt và hai loại kia, và rất chênh tiền, lãi cao. Nhưng chúng tôi nhất quyết không làm như vậy, vì lương tâm không cho phép” – Ông Mai Lộc tâm sự.

Những “bí mật nhà nghề” và những ký ức về thời xa vắng…

Theo ông trước năm 1946, việc làm hương khá thuận lợi bởi nguồn nguyên liệu sẵn có. Cũng vào thời điểm đó, trầm hung - thứ nguyên liệu cần thiết và quan trọng cho quá trình sản xuất hương có rất nhiều chứ không phải là những nguyên liệu trầm pha chế như ngày nay. Từ sau năm 1946 trở lại đây, nguyên liệu thiếu nên đòi hỏi các gia đình làm hương phải tìm tòi, pha chế làm sao cho nén hương có chất lượng. Ông bảo: “Tuy gia đình chúng tôi kinh doanh nhưng tôi vẫn dạy con cháu giữ đúng chữ “tâm”. Nhờ thế mà sản phẩm của gia đình chúng tôi được nhiều người đón nhận và tin dùng. Có gia đình cách Hà Nội 70 cây số, nhưng Tết nào cũng nhờ con gái ở Hà Nội mua hương trầm về dùng. Có cụ già quê mãi tận Ba Vì nhưng mỗi năm hai bận vẫn đều đặn vượt hơn 40 cây số đến cửa hiệu mua hương.

Hương nhà ông được làm rất công phu và tỉ mỉ.

Ông Lộc cho biết, người dùng tinh ý sẽ biết hương nào là hương trầm, hương nào có dùng chất hóa học. Dùng hương trầm sẽ làm cả không gian ấm cúng, có mùi đậm, còn hương dùng hồi, quế và chất hóa học sẽ có mùi hắc, khi dùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ông còn chia sẻ cách “thưởng” hương: thắp hương xong, để mặc cho mùi thơm của hương đến với mỗi người một cách tự nhiên, kỵ nhất là việc ngồi gần và cố hít hà cho được mùi hương.

Ông tâm sự, gia đình ông kinh doanh bằng sự tử tế, thiện lương.

Hương nhà ông Lộc thường làm từ nhiều loại thảo mộc.

Người nghệ nhân gần 90 tuổi cho hay: “Những nhà làm hương lâu đời giữ chữ tín thường hay chú ý đến sức khoẻ của người dùng hương. Hương hoá chất thường làm được cong tàn, khách hàng đến mua hương thường bảo tôi: Ông bán cho tôi loại hương cong tàn, nhưng khách hàng không biết rằng, hương cong tàn là hương dùng hoá chất rất nhiều và rất độc, nhiều người quan niệm nhìn thấy hương cong tàn nhiều thì nhìn rất “lộc” và đẹp nhưng đó là vì họ chưa hiểu về cách làm hương hiện nay. Ở Hà Nội và các thành phố lớn chật chội, không có không gian thoáng mà thắp những loại hương nhiều khói hoá chất ấy sẽ cảm thấy rất mệt, khó thở. Bởi trong đó có Axit sunfuric được phơi khô, se vào nén hương nên khi đốt hương, rất nguy hiểm. Gia đình tôi thường khuyên khách hàng nên mua hương có chất lượng tốt để đảm bảo sức khoẻ ”.

Ngôi nhà của ông được gắn biển là cơ quan phát hành sách báo của Đảng Cộng sản Đông Dương và báo chí tiến bộ từ năm 1936-1939.

Ông Mai Lộc kể lại, người Hà Nội thường rất sành trong việc lựa chọn đồ và việc mua hương cũng vậy. Đã có nhiều người nổi tiếng rất thích dùng hương nhà ông. Nhà văn Nguyễn Tuân, một người được coi là sắc sảo, sành sỏi bậc thầy của mọi thú ăn chơi trên đời. Lúc sinh thời nhà ông ở tại phố Hàng Buồm nhưng vẫn thường sang phố Đồng Xuân mua hương nhà ông Lộc. “Một lần tôi đang bán hàng, có một bà xách cái giỏ đến và bảo: Ông bán cho tôi 5 thẻ hương loại 1, nếu không đúng loại này, về tôi bị mắng đấy. Rồi bà ấy kể, bà là hàng xóm nhà văn Nguyễn Tuân, do có việc bận nên nhà văn nhờ bà sang đây mua hương nhưng dặn đi dặn lại phải mua đúng hương loại 1 không về… bị mắng. Ông Lộc còn cho biết, cô con gái của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn thường xuyên dùng hương nhà ông mấy chục năm nay.

Ông chia sẻ, nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời thường mua hương nhà ông để thắp.

Bên cạnh việc chia sẻ về nghề gia truyền của gia đình, ông Mai Lộc còn tự hào kể cho tôi nghe về ngôi nhà lịch sử của mình. Nơi đây đã từng là hiệu sách của Đảng cộng sản Đông Dương - là nơi họp quân sự bí mật của các lãnh đạo cao cấp. “Năm 1936, gia đình tôi chuyển sang 36 Đồng Xuân kinh doanh và nhà này để cho một người thuê, đó là một bà cụ bán hàng nước và bà có mở một hiệu sách, nhưng thực chất đây là nơi làm việc của một số cán bộ cách mạng hồi bấy giờ. Nhà rộng và sâu gần 40m, có nhiều phòng làm nơi họp của nhiều chiến sĩ cách mạng từ năm 1936-1939. Thời kỳ đồng chí Trần Duy Hưng còn làm chủ tịch thành phố Hà Nội, ông đã cho gắn biển lên số nhà 26 phố Đồng Xuân thành di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội. Thỉnh thoảng, gia đình tôi lại được tiếp các vị khách đến thăm nơi hoạt động bí mật ngày xưa. Chúng tôi tự hào vì góp một phần nhỏ vào công cuộc cách mạng của dân tộc" - Ông hạnh phúc chia sẻ.

Lạc Thành

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nghe-nhan-gan-90-tuoi-ke-he-lo-bi-quyet-lam-huong-tram-khien-nha-van-lung-danh-nguyen-tuan-cung-phai-nga-mu-a3127.html