Nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng của Tetra Pak tại KCN Việt Nam-Singapore II-A tỉnh Bình Dương
Tetra Pak – DN tích cực đóng góp cho phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon
Ngày 18/6/2020, Tetra Pak - Nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thụy Điển hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đóng gói và chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới một lần nữa tái khẳng định ưu tiên chiến lược của Công ty trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam với mục tiêu không phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2050, sau khi hoàn thành mục tiêu trung hạn là không phát thải carbon từ các hoạt động vận hành của Công ty vào năm 2030. Công ty cũng đặt mục tiêu giảm lượng khí thải theo tiêu chuẩn giảm nhiệt độ toàn cầu 1,5°C cho các phạm vi đánh giá 1, 2 và 3 trong sáng kiến các mục tiêu dựa trên nghiên cứu khoa học (Science Based Targets (SBT)).
Trước đó, ngày 03/7/2019, tại KCN Việt Nam- Singapore II-A, tỉnh Bình Dương, Tetra Pak đã chính thức đưa Nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng của Công ty đi vào hoạt động.
Được biết, hơn 12 năm qua, Tetra Pak đã làm việc với nhiều đối tác, địa phương của Việt Nam thông qua nhiều chương trình, dự án, sáng kiến để thúc đẩy việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng tại Việt Nam. Điều đó đã khẳng định những đóng góp tích cực của Tetra Pak trong việc thực hiện cam kết đồng hành cùng sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như hiện thực hoá tầm nhìn kiến tạo tương lai ngành thực phẩm và đồ uống trong khu vực của Công ty.
Tetra Pak hướng tới mục tiêu là tất cả các vỏ hộp giấy Tetra Pak cung cấp tại thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, hiện tại Công ty đã bắt tay với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và bao bì để thành lập một liên mình công nghiệp thúc đẩy công tác thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng.
Ông Lars Holmquist - Phó Chủ tịch điều hành phụ trách Giải pháp đóng gói và Hoạt động thương mại Tetra Pak cho biết: “Chúng tôi không ngừng thực hiện các mục tiêu về khí hậu, kể từ mục tiêu đầu tiên được đặt ra vào năm 2002, một mục tiêu khác vào năm 2005 và chúng tôi đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu của năm 2020”.
Đặc biệt, ông Lars Holmquist cũng thông tin, năm 2017, Tetra Pak là công ty đầu tiên trong ngành thực phẩm và đồ uống có các mục tiêu giảm tác động khí hậu tuân theo sáng kiến SBT. Gần đây, Tetra Pak đã tham gia Liên minh Phục hồi Kinh tế Xanh tại Châu Âu (European Alliance for Green Recovery) –Tổ chức đầu tiên của châu Âu về huy động các giải pháp đầu tư xanh sau khủng hoảng.
Tại Việt Nam, Tetra Pak được biết đến là một doanh nghiêp tích cực đóng góp cho phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon. Nhà máy của Công ty tại KCN Việt Nam- Singapore II-A, tỉnh Bình Dương là một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ LEED Vàng – phiên bản 4, là phiên bản khắt khe nhất về môi trường được công nhận toàn cầu. Trung bình mỗi năm nhà máy có thể tiết kiệm 36% năng lượng tiêu thụ và tái sử dụng 17,6 triệu lít nước. Ngoài ra, gần như 100% vỏ hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại thị trường Việt Nam đều được dán nhãn chứng nhận bảo vệ rừng FSC. Công ty cũng là một trong các thành viên sáng lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam PRO với tầm nhìn toàn bộ bao bì do các thành viên trong Liên minh cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.
Hiện nay, Tetra Pak cũng đang tích cực hợp tác với các hội, nhóm cộng đồng vì môi trường tại Việt Nam để thiết lập và mở rộng các điểm thu gom công cộng, giúp người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp sữa đến thu gom phục vụ tái chế. Hiện tại, Công ty có hơn 30 điểm thu gom công cộng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác.
Tiếp tục hiện thực hóa cam kết không phát thải khí nhà kính
Để hiện thực hóa cam kết không phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành vào năm 2030 và hoàn thành không phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2050, Tetra Pak khẳng định sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chính, cụ thể:
Một là, giảm phát thải từ năng lượng thông qua việc bảo tồn năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng, lắp đặt hệ thống quang điện mặt trời và chọn mua năng lượng tái tạo.
Kể từ năm 2011, Tetra Pak đã đầu tư hơn 16 triệu Euro để cải thiện hiệu suất năng lượng, nhờ đó giảm mức tiêu thụ năng lượng tới 23%. Đến nay, Công ty đã lắp đặt khoảng 2,7 megawatt pin mặt trời (khoảng 8000 tấm), cung cấp điện ít phát thải carbon, đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành.
Là thành viên của sáng kiến dùng năng lượng tái tạo (RE100), Tetra Pak đã tăng tỉ lệ điện tái tạo từ 20% trong năm 2014 lên 69% năm 2019, và đang trên đường đạt mục tiêu 80% vào năm 2020. Hành trình này bao gồm việc lắp đặt các tấm pin mặt trời sử dụng cho các hoạt động vận hành và mua chứng chỉ năng lượng tái tạo. Tetra Pak là một trong những công ty đầu tiên thực hiện điều này tại các nước như Thái Lan và Nam Phi.
Hai là, hợp tác với các nhà cung cấp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị để giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Tetra Pak hợp tác với các nhà cung cấp để cắt giảm lượng phát thải carbon trong khâu sản xuất và phân phối vào năm 2030, bao gồm việc đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng và tăng sử dụng vật liệu tái tạo và tái chế. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon.
Ba là, đẩy nhanh công tác phát triển danh mục thiết bị và vỏ hộp giấy đựng đồ uống ít phát thải carbon và giúp khách hàng đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bước nhảy vọt trong mức đầu tư cho đổi mới bền vững đang giúp Công ty hiện thực hóa tham vọng tạo ra vỏ hộp giấy có thể tái chế hoàn toàn được làm từ vật liệu tái tạo hoặc tái chế cũng như cung cấp các dây chuyền chế biến và đóng gói với lượng phát thải carbon tối thiểu.
Bốn là, phát triển chuỗi giá trị tái chế bền vững thông qua việc hợp tác với khách hàng, các công ty quản lý chất thải, tái chế, chính quyền địa phương, các hiệp hội trong ngành và các nhà cung cấp thiết bị. Tầm nhìn của Tetra Pak là thu gom và tái chế tất cả vỏ hộp giấy đựng đồ uống của Công ty và không vỏ hộp nào phải chuyển đến bãi rác hoặc trở thành rác.
Ông Lars Holmquist nhấn mạnh: “Cho đến nay Tetra Pak đã giảm 12 triệu tấn khí thải nhà kính. Chúng tôi tin rằng năng lực xây dựng lộ trình theo kỳ vọng của xã hội và khoa học, động lực đổi mới và phương thức hợp tác xuyên suốt chuỗi giá trị sẽ giúp chúng tôi đi đúng hướng để đạt được tham vọng mới”.
Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả của nhà đầu tư thứ cấp KCN Tetra Pak trong công tác bảo vệ và phát triển bền vững tại Việt Nam đã góp phần tích cực giúp Việt Nam nhanh chóng thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội bền vững gắn chặt với xây dựng môi trường sống tự nhiên hài hòa, thân thiện với con người; giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường; quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo được...
Hy vọng những kết quả bước đầu của Tetra Pak trong hoạt động kinh doanh bền vững tại Việt Nam (mục tiêu kinh doanh không chỉ là đem lợi nhuận đơn thuần mà là tạo ra các tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp) sẽ có tác động lan tỏa tích cực tinh thần trách nhiệm và triết lý kinh doanh bền vững- có đạo đức và có trách nhiệm với cộng đồng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các KCN nói riêng./.
Nguyễn Hằng
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/tetra-pak-thuc-day-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-a3265.html