Điều đáng nói, là những khu đất thuộc các dự án khác nhau đó đã tồn tại hơn một thập kỷ nay, thế nhưng chưa hề thấy động tĩnh gì về việc thu hồi.
Dự án 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng, Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Dự án nằm ở vị trí “kim cương” hơn 10 năm vẫn chỉ quây tôn và cây dại mọc đầy
Tháng 11/2004, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi 4.072,9m2 đất tại số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng để xây dựng khu trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư. Trong diện tích trên, có hơn 3.600m2 của Xí nghiệp nhựa Hà Nội và hơn 300m2 đất ở của 17 hộ dân.
Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T (doanh nghiệp được giới thiệu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là đơn vị được giao đất từ năm 2011, tại quyết định giao đất dự án có chức năng là Trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư tại chỗ.
Do quá trình triển khai giải phóng mặt bằng các hộ dân đã lựa chọn phương án nhận đền bù bằng tiền không nhận nhà tái định cư nên ngày 24/4/2012 thành phố đồng ý chủ trương cho công ty T&T được chuyển mục đích sử dụng đất từ chức năng Trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang chức năng Trung tâm thương mại, Văn phòng và nhà ở bán.
Ngày 9/1/2015, Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc với chiều cao 8 tầng và 6 tầng hầm. Ngày 11/5/2015 UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 13/11/2015, UBND Thành phố ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, năm 2018, nhiều báo chí đăng tải việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, khu đất vàng 22 – 24 Hàng Bài thực chất là xây khách sạn chứ chẳng phải xây chung cư.
Và cho đến giờ, sau 10 năm được giao đất, khu đất vàng này vẫn nằm im, chung cư, tổ hợp văn phòng hay khách sạn gì thì không ai rõ, nhưng hoang hóa, cỏ mọc thì cả thành phố đã rõ rồi.
Khu đất vàng 94 Lò Đúc
Dưới sức ép về việc thiếu trường tiểu học, mẫu giáo ở quận Hai Bà Trưng, ngày 31/7/2013, UBND thành phố Hà Nội có thông báo số 220/TB-UBND về việc thu hồi một phần diện tích đất để xây dựng trường học tại Khu đất nhà máy rượu Hà Nội - 94 Lò Đúc, giao UBND quận Hai Bà Trưng chủ động liên hệ với các ngành để được hướng dẫn kịp thời thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường học tại ô đất số 9 (tại khu đất số 94 phố Lò Đúc của công ty Cổ phần cồn, rượu Hà Nội).
Theo đó, ô đất tại Nhà máy Rượu Hà Nội số 94 phố Lò Đúc, diện tích dành để xây dựng trường là hơn 3.500 m2 và để phục vụ tách cấp cho Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.
Tuy bị thu hồi từ 2013, nhưng gần chục năm trời, khu đất vàng này vẫn quây tôn và để không. Vào đầu tháng 8/2017, có thông tin, tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nắm giữ xong khu đất đắc địa tại 94 Lò Đúc (Hà Nội) và chuẩn bị xây dựng 2 toà cao ốc cao 33 - 35 tầng. Theo các thông tin quảng cáo xuất hiện trên internet, dự án được khởi công năm 2018 và dự kiến bàn giao năm 2019, do chủ đầu tư Tân Hoàng Minh triển khai.
Thực hư ra sao không ai biết, thế nhưng đất vàng vẫn để không cho cỏ mọc, trong khi trường thiếu vẫn thiếu, còn đất cứ theo đó mà từ từ mọc lên những chung cư.
Dự án được triển khai làm tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị… B9 Nam Trung Yên, Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group).
Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao lô đất B9 khu đô thị Nam Trung Yên với tổng diện tích 18.328m2 cho TD Group làm dự án. Sau đó, TD Group liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) lập ra Công ty Cổ phần Handico - Thùy Dương.
Tuy nhiên, tháng 8/2015, Handico bất ngờ xin rút khỏi liên doanh và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Cũng trong tháng 8/2015, UBND Thành phố Hà Nội đã ra 3 quyết định chấp thuận chủ trương cho TD Group làm chủ đầu tư.
Nhưng không cần các quyết định cùng dự án quy mô hoành tráng cỡ nào, B9 Nam Trung Yên bao năm qua vẫn nổi tiếng theo cách riêng của nó. Cả một khoảng đất trống bị chia năm sẻ bảy cho các sân bóng, bãi trông giữ xe, bãi tập xe… đã có thời, B9 Nam Trung Yên được coi là một bãi trông giữ xe không phép khổng lồ.
Và đến giờ, sau khi làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, truyền thông, B9 Nam Trung Yên vẫn “hiên ngang” tồn tại.
Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) nằm tại vị trí đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), do Cty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt làm chủ đầu tư.
Lô đất vàng hơn 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: Báo Nhà đầu tư
Theo quyết định 8506/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 29/12/2005, về việc phê duyệt giá tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 tại đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho đơn vị Bảo hiểm Nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.
Năm 2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình Tháp Tài chính Quốc tế tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng. Theo đó, phạm vi ranh giới của dự án, phía Tây Nam giáp siêu thị Big C, phía Đông Nam giáp đường Trần Duy Hưng, phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám, phía còn lại giáp đường nội bộ và khu nhà Vimeco. Diện tích lô đất nghiên cứu quy hoạch 13.159m2, với một công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.
Sau nhiều những chất vấn, những bao biện, và lời khẳng định như đinh đóng cột của đại diện Chủ đầu tư, đến nay, đã cuối năm 2020, dự án này vẫn án binh bất động!
Thời gian qua, mặc dù Hà Nội đã rà soát và phát “lệnh” thu hồi các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ. Tuy nhiên nhiều dự án với các vị trí đắc địa thì vẫn chưa thấy nhắc đến. Việc để tồn tại những dự án chậm triển khai hoặc bỏ hoang không những gây lãng phí mà còn khiến bộ mặt của Thủ đô thêm nhếch nhác.
Và lý do tại sao những dự án đó vẫn chưa thu hồi, thiết nghĩ câu hỏi này không chỉ dành riêng cho Thủ đô Hà Nội!
Theo kết quả giám sát tại kỳ họp thứ 9 (9/7/2019) của HĐND TP. Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, tại 8 quận, huyện có tới 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa và chưa có biện pháp khắc phục. Nếu tính tất cả các quận, huyện, thị xã còn lại, trên địa bàn Hà Nội có tới trên 380 dự án chậm triển khai.
Trong đó, địa phương có nhiều dự án bỏ hoang nhất là huyện Hoài Đức với 51 dự án, tiếp đến là Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)…
Còn nhiều dự án hủy hoặc châm triển khai sẽ tiếp tục được đề cập trong tuyến bài về Quy hoạch đô thị của Thời báo Văn học Nghệ thuật.
Căn cứ điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.
Minh Dương
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/diem-mat-nhung-du-an-tren-dat-vang-bi-bo-hoang-o-ha-noi-a3371.html