Luật tục nghiêm khắc phạt kẻ phản bội
Giữa những cơn mưa lạnh của tháng 6 trên cao nguyên Di Linh, già làng K'Tiếu (67 tuổi, ngụ làng Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn mình trần, xắn quần vào rừng hái măng. Già làng K'Tiếu lại là vốn quý của làng Duệ khi nắm giữ hầu như nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa của dân tộc K'ho bản địa.
Trong ngôi nhà khang trang của mình, già Tiếu vẫn giữ lại bộ chum, chóe hai vật dụng được xem là linh vật của người K'ho cùng bộ cồng chiêng thuộc hàng bảo vật. Ông nói, đó là linh hồn, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nên phải giữ gìn.Tuy nhiên, đó chỉ là những giá trị văn hóa mà người khác dễ dàng nhận biết khi đến nhà ông. Được trò chuyện cùng ông, người ta mới như khẽ chạm vào vô vàn nét đẹp văn hóa phi vật thể khác thể hiện qua những luật tục đặc biệt đến kỳ lạ của người K'ho. Phạt vạ là một luật tục như thế.
Già Tiếu nói: "Từ ngàn xưa, người K'ho rất nghiêm khắc trong vấn đề hôn nhân gia đình. Nói như bây giờ là chúng tôi chỉ chấp nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Do đó, ngoại tình là tội rất nặng và người ngoại tình phải chịu rất nhiều hình phạt hà khắc. Người vướng tội ngoại tình dù là nam hay nữ, dù là người có công hay dân thường đều cũng sẽ bị dân làng coi rẻ, khinh miệt, thậm chí xa lánh".
Theo già làng K'Tiếu, tội ngoại tình nặng đến nỗi, ngày xưa, kẻ phạm tội phải trả giá bằng những hình phạt kinh hoàng. Nhiều người cao tuổi của làng Duệ xác nhận, chuyện kẻ quyến rũ người chồng hay vợ người khác có thể bị giết chết, quăng xác xuống suối. Hiện nay, những hình phạt tàn nhẫn trên không còn nhưng tục phạt vạ vẫn là cán cân công lý trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình của người K'ho.
Già làng K'Tiếu nói: "Theo luật từ ngàn xưa để lại, trai gái “ăn ngủ” với người đã có chồng, vợ là điều ô uế, mang đến xui rủi cho bản thân mình và cả dân làng. Vậy nên, người vi phạm luật này đều bị coi khinh, xa lánh. Tôi còn nhớ vị già làng trước thời của tôi xử phạt tội thông dâm, ngoại tình rất nghiêm. Người nào vi phạm ngoài việc bị phạt theo tục lệ còn suốt đời không được đặt chân đến nhà của già làng, không được già làng bảo vệ, chấp nhận".
Cũng theo già làng K'Tiếu, để mang tính răn đe, tục phạt vạ đối với người ngoại tình, thông dâm đánh mạnh vào kinh tế của kẻ phạm tội. Cụ thể, người ngoại tình bị bắt quả tang phải lo nộp vạ cho người bị phản bội một khoản rất lớn có khi lên đến 14 con trâu (tùy vào sự thỏa thuận nhưng không dưới 12 con trâu). Ngoài việc bồi thường danh dự cho vợ hoặc chồng của người kia còn phải bồi thường cho chính vợ hoặc chồng mình vì những đêm đi ngủ với người khác ở bên ngoài.
"Hình phạt dành cho người vi phạm chuyện hôn nhân của người K'ho nghiêm khắc lắm. Nếu chồng ngoại tình thì người chồng phải nộp vạ cho chính vợ mình 6 con trâu, 1 ché rượu, 2 con vịt và 1 con gà mái. Khi người vợ ăn nằm với một người đàn ông đã có gia đình thì phải nộp cho chồng 6 con trâu và 1 ché rượu. Đồng thời, họ cũng phải bồi thường tương tự cho nạn nhân là vợ hoặc chồng của tình nhân", già làng K'Tiếu nói thêm.
“Đi thêm bước nữa” cũng phải nộp phạt
Ngoài việc xử phạt một cách nghiêm khắc với những hình phạt nhắm vào kinh tế, người phạm tội ngoại tình còn đối mặt với bản án tâm linh đầy ám ảnh. Bởi, theo cách nhìn nhận của người K'ho trước đây, người đã lập gia đình mà vẫn quan hệ yêu đương, giường chiếu với kẻ khác là điềm xui rủi, ô uế cho cả dân làng đi trái với ý muốn của thần linh. Do đó, khi bị phát hiện, kẻ phạm tội buộc phải làm lễ cúng xin thần linh bỏ qua tội lỗi của mình. Lễ cúng này phải được chính già làng đầy quyền uy, uy tín đứng ra tổ chức.
Già làng K'Tiếu thông tin: "Vì ngoại tình là tội lớn, điều dân làng kiêng kỵ nên khi bị phát hiện, họ phải được cúng để giải xui rủi, tránh khỏi tai ương. Đầu tiên là cúng xin cho bản thân người đó và gia đình không bị xui rủi, tai ương sau đó là xin cho cả buôn làng đó. Bởi, tội này không chỉ khiến người phạm phải và gia đình mình gặp điều xui rủi mà sẽ khiến cả buôn làng bị thần linh quở trách. Do đó, người phạm tội phải đem đến cho già làng một con dê để già làng thực hiện nghi lễ cầu xin thần linh xóa tội, để dân làng không gặp tai ương".
Tuy nhiên, bản án vẫn chưa kết thúc với kẻ trăng hoa bởi họ có thể tiếp tục nếm trải những hình phạt bất thành văn khác. Bởi, khi trót lỡ vướng tội, họ mặc nhiên bị xem là người không còn nằm trong cộng đồng, đi ngược với ý chí thần linh, trở thành con ma, con quỷ. Và, dĩ nhiên, con ma, con quỷ sẽ bị dân làng xa lánh, chối bỏ. Già làng K'Tiếu khẳng định: "Ngày trước, người phạm tội ngoại tình bị phạt nặng lắm. Sau khi bị phạt vạ, bị người làng ghẻ lạnh, thậm chí họ còn bị cộng đồng tẩy chay, xa lánh. Bất kể nam hay nữ, nếu phạm tội này có thể bị cấm đến giếng làng múc nước, không được đi làm nương, phát rẫy, tham gia lễ hội,....".
Người cao tuổi K’ho tại huyện Di Linh vẫn còn nhớ các đời già làng trước phạt vạ K’S. và Molom N. vì tội ngoại tình đến có con riêng. K’S. phải trả nộp cho nhà vợ mình 6 con trâu và 2 ché rượu, 2 con vịt, 2 con gà. Ngoài ra, anh này cũng phải nộp cho nhà chồng “nhân tình” của mình 6 con trâu đực, ché, gà vịt. Vì gia đình nghèo khó, không đủ khả năng trả nợ, K’S. suốt đời làm thuê trong sự ghẻ lạnh, khinh miệt của dân làng.Trong câu chuyện về luật tục phạt vạ kẻ ngoại tình, thông dâm, PV được nghe nhiều về những hình thức xử phạt vô cùng hà khắc. Một trong những điều khoản hà khắc này là việc người vợ nếu muốn đi bước nữa sau khi chồng chết cũng phải nộp phạt.
Theo già làng K’Tiếu, khi chồng mất, phụ nữ K’ho muốn bắt chồng mới phải nộp vạ cho nhà chồng thứ hai. Mục đích của việc nộp vạ này là để “xin lỗi” nhà chồng thứ hai này vì họ chấp nhận cho con trai mình lấy vợ thừa. Tuy nhiên, đâu đó giữa những điều luật khắt khe, người ta vẫn thấy sự nhân văn trong việc xử phạt tội ngoại tình, người phụ nữ đi thêm bước nữa. Theo đó, luật hôn nhân khởi thủy của người K’ho cho phép giữa hai gia đình có người bị phát hiện ngoại tình với nhau tự thỏa thuận việc nộp phạt. “Nếu người đã có vợ ngoại tình với một người phụ nữ đã có chồng thì tùy hai gia đình tự thỏa thuận, thương lượng chuyện nộp phạt. Họ sẽ thống nhất với nhau phương pháp, hình thức nộp phạt. Song, trước khi tiến hành thương lượng, hai gia đình nhất định phải cúng một con dê để làm lễ cúng xin thần linh”, già K’Tiếu nói.
Hiếm có tình trạng ly hôn
Già làng K’Tiếu cho biết, trước đây, cộng đồng người K’ho hiếm khi xảy ra tình trạng ly hôn bởi hôn nhân của dân tộc này được bảo vệ bằng nhiều luật tục. Khi đôi vợ chồng có dấu hiệu tan vỡ, hai bên gia đình, dòng họ sẽ tìm cách khuyên ngăn, hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ tổ chức một buổi họp, với sự tham gia của hai vợ chồng, hai bên gia đình nội ngoại và già làng. Sau ly hôn, gia đình nhà trai buộc phải trả lại số lễ vật mà trước đó đã thách cưới nhà gái.
H.N-N.L
Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nhung-dieu-khoan-ha-khac-trong-tuc-phat-va-toi-ngoai-tinh-cua-nguoi-k-ho-a3829.html