Bài 3: Hành trình tìm con trong nước mắt
Nước mắt chảy xuôi
Một ngày, chị Tuyền,quê ở Ấp Phú Hữu, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đến gặp đội hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Bình Dương), tìm giúp con gái tên Phan Thị Kim C. (SN 2004) bỏ nhà đi ngày 27/7/2019. Theo chị Mai cho biết, vì chị suốt ngày đi làm trong công ty, C. nhà một mình không ai quan tâm, quản lý. Ở nhà C. được mẹ cho sử dụng điện thoại smartphone và việcC. hàng ngày tiếp xúc, và các mối quan hệ khác củaC. không ai nắm được.
Khoảng hơn một tuần trước khi C. bỏ nhà đi, chị và chồng có la mắng con một số chuyện. Từ đóC.lầm lỳ không nói chuyện, sau đó ít ngày thì bỏ đi. Chị Mai khóc nói: “Giờ gia đình chỉ mong tìm lại được con, con ở đâu biết tin thì về với ba mẹ, mọi người sẽ không la mắng đánh đòn con đâu”.
Trường hợp khác, bé Lâm Ngọc H., SN 2005, quê huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bỏ nhà đi vào tháng 7/2019, hiện gia đình cũng đang nhờ cơ quan chức năng, đội hiệp sĩ hỗ trợ tìm giúp con gái mình. Theo ba bé H. cho biết, gia đình từ Cà Mau lên huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) làm thuê. Cháu là bé gái rất xinh, dễ thương và hình như đã có bạn trai, vì nhiều lúc thấy cô bé nhắn tin gọi điện cho ai đó.
Một thời gian thấy H. có biểu hiện buồn chán và hay than thở trên mạng xã hội chuyện tình yêu, tình cảm, nhưng ba mẹ cũng không hỏi gì. Sau đó H. thường tụ tập cùng nhóm bạn trạc tuổi rồi bỏ nhà đi đâu không rõ. Anh Nghiêm, ba cháu H. tâm tư: “Tất cả cũng vì ba mẹ không quan tâm để ý nó, xã hội phức tạp, trên mạng có nhiều thứ khiến cháu nó cứ học theo rồi đua đòi. Rồi chuyện yêu đương tuổi mới lớn nữa. Cũng tại gia đình cho nó nghỉ học sớm rồi lên đây sống thoải mái, không ai quản lý nên vậy”.
Có một điểm chung, các trường hợp trẻ bỏ nhà đi đếu do thiếu sự quan tâm, quản lý từ phía gia đình, người thân. Có thể, cha mẹ các em đi làm ăn xa bỏ các em lại sống ở quê hoặc bản thân các em được ba mẹ cho theo cùng lên nơi làm việc (các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM). Tại đây, do người lớn đi làm, hàng ngày các em ở nhà trọ một mình không có ai quan tâm để ý. Thêm vào đó việc sử dụng mạng xã hội, từ đó trẻ tiếp xúc, làm quen kết bạn, yêu đương sớm và hậu quả chúng ta đều đã biết.
Nguyễn Thị Bích N., 2006, quê phường Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, vừa bước vào nghỉ hè 2019 đã cùng bạn học khác giới bỏ đi biệt tăm. Hiện tại, gia đình bé N. đã đến gặp đội hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải để nhờ tìm con. Nguyên nhân theo mẹ bé N. cho biết, N. ở nhà tại Cần Thơ cùng một em gái nữa. Vì có nhà bà ngoại ở cạnh nên anh chị gửi 2 bé nhờ ngoại chăm sóc, rồi lên Bình Dương làm thuê được gần một năm nay.
Công việc nặng nhọc nên nhiều lúc về đến phòng trọ anh chị ăn uống qua loa rồi đi nghỉ. Việc thường xuyên quan tâm đến các con ở quê phần nào chểnh mảng và thiếu sót. Hơn nữa, bà ngoại đã cao tuổi, chuyện bọn trẻ học hành hay quan hệ bạn bè ngoại cũng không biết.Sau khi N. bỏ đi, em gái N. tiết lộ: “Chị N. có người yêu dẫn đi du lịch”, thì gia đình mới hay.
Cần sự quan tâm từ phía gia đình và xã hội
Để có thêm thông tin về vấn đề này, PV đã liên hệ với Công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đây là một trong những địa phương đang “nóng” về hoạt động cà phê “nhạy cảm” và hiệp sĩ cũng từng giải cứu không ít trường hợp ở đây.
Ông Trịnh Anh Việt,Đội trưởng đội CSĐT về TTXH cho hay: “Tất cả những hoạt động có dấu hiệu phạm tội và phạm tội về mại dâm, kích dục, các hoạt động tình dục khác trên địa bàn huyện, cơ quan công an đều nắm rõ. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra xử lý những hoạt động này. Bên cạnh đó, với những tin báo cho hay có những tiếp viên là trẻ em vị thành niên bị lừa bán vào làm công việc tiếp viên ở quán cà phê nhạy cảm, chúng tôi đều cho cảnh sát hình sự, trinh sát điều tra kỹ, chắc chắn để xử lý”.
Ông Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Nhơn Trạch đã ra quân trên 20 lượt, kiểm tra hơn 50 quán cà phê, phát hiện 9 cơ sở vi phạm có hoạt động mua bán dâm và các hoạt động tình dục khác. Gần đây nhất, trong tháng 7/2019, đã phát hiện 3 cơ sở có hoạt động mại dâm, kích dục. Công an đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị xử phạt hành chính và thu hồi giấy phép kinh doanh những cơ sở này.
Theo ông Việt, những cô gái bị “dụ” bán vào đây có quê ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên. Tuy nhiên, rất khó xử lý những trường hợp này vì không tìm được đối tượng dẫn dắt, đưa, bán những cô gái này vào đây. Riêng với chủ quán (người sử dụng lao động), chỉ yêu cầu phải có hợp đồng lao động cho nhân viên và có CMND của họ để chắc chắn họ đủ tuổi lao động.
Nói về nguyên nhân và tác hại của việc các bạn trẻ bỏ nhà đi, PGS.TS Trương Văn Vỹ, giảng viên khoa Xã hội học tội phạm, trường đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng: “Trẻ bỏ nhà đi có 2 nguyên nhân chủ quan và khách quan sau. Về phía khách quan, có thể do các em bị dụ dỗ lôi kéo, các trường hợp này xảy ra rất phổ biến hiện nay. Tuổi các em chưa thể nhận thức được hết, trong khi những đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nên các em dễ dàng sập bẫy”.
Còn về phía chủ quan, đó là từ phía gia đình các em có “vấn đề” như bất hòa, người lớn sống không hạnh phúc, cha mẹ cãi nhau, ly hôn, ly thân. Từ đó các em không được quan tâm về tình cảm đầy đủ, phần nào các em cảm thấy chán, ghét cuộc sống hiện tại nên muốn thay đổi”, GS Vỹ cho hay.
Ông Vỹ nêu thêm nguyên nhân nữa, đó là độ tuổi các em có những thay đổi, chuyển biến về tâm lý, giới tính. Đặc biệt, tình trạng trẻ dậy thì sớm diễn ra ngày càng tăng, do đó các em cũng phát sinh tình cảm yêu đương khác giới sớm, thậm chí cả quan hệ tình dục sớm. Đây là nguyên nhân lôi cuốn, tác động để các em bỏ đi.
Giải pháp cho việc này, theo ông Vỹ cần có chế tài, luật hình sự xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lừa đảo, buôn bán người. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là yếu tố gia đình, bố mẹ người thân phải gắn bó yêu thương, dành tình cảm quan tâm, giáo dục các em. Về phía các em, cần có ý thức tự bảo vệ mình và cần chia sẻ hỏi han người lớn khi có vấn đề gì đó.
Theo ông Vỹ, nhà trường có thể mở các buổi giáo dục, hoạt động ngoại khóa, dặn dò hướng dẫn các em trước mỗi kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, quan trọng nhất vấn là ý thức của các em và vai trò gia đình trong việc quản lý giáo dục các em.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư - hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho rằng, quan trọng nhất phải làsự quan tâm giáo dục từ phía phụ huynh các cháu. Độ tuổi các em bước vào học lớp 6 thì tâm sinh lý các em đã thay đổi, từ đó phải giáo dục giới tính cho các em. Môi trường sống, giao tiếp cũng ảnh hưởng quan trọng đến các em, bởi ảnh hưởng của bạn bè rất lớn. Có thể một em rất ngoan, giỏi, đi theo bạn (người bạn đó cũng tốt) nhưng vì bạn của bạn không tốt nên chơi chung rồi ảnh hưởng, rủ rê.
Một điều rất lo ngại đó vấn đề các em sử dụng điện thoại smartphone và các thiết bị điện tử chơi mạng xã hội Facebook, Zalo quá sớm. Cha mẹ vì chiều con hoặc vì lý do nào đó, đã cho các em sử dụng điện thoại thông minh. Từ đó, các em tiếp thu những thông tin không tốt, những sản phẩm đồi trụy. Ngoài ra các em thông qua mạng xã hội kết bạn làm quen yêu đương, rồi bị rủ rê…
Yếu tố gia đình là quan trọng nhất
Luật sư Nữ nhấn mạnh, yếu tố môi trường gia đình là quan trọng nhất. Bậc làm cha mẹ phải quan tâm, để ý con cái nhất là trong thời điểm các bé có chuyển biến về tâm sinh lý. Đồng thời, nên quản lý chặt việc các em sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại.
“Theo tôi nếu cần để liên lạc thì mua cho các em cái điện thoại “cục gạch” (không phải smartphone) là được. Tuổi các em sử dụng điện thoại thông minh kết bạn, rồi yêu đương rồi bỏ nhà đi và bao chuyện đau lòng khác cũng từ đó mà ra không ít”, luật sư Nữ nói.
Hoàng Việt