Ngược đại ngàn đến Mô Rai
Đã từ lâu chúng tôi được nghe rất nhiều người truyền tai, sâu bên trong những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn có một tộc người bám trụ sinh sống từ rất lâu đời. Đó là tộc người Rơ Măm, một trong 5 đồng bào dân tộc thiểu số ít người nhất cả nước hiện nay. Bà con người đồng bào Rơ Măm hiện đang sinh sống tại làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), cư dân khá khiêm tốn chỉ vỏn vẹn 160 hộ với 460 nhân khẩu. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đồng bào người Rơ Măm vẫn trân quý lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của riêng mình. Những mái nhà rông cao vút được người dân coi như linh hồn của buôn làng. Ngoài ra, là tộc người cổ sống từ lâu trong rừng sâu nên bà con Rơ Măm thường có nhiều món ẩm thực rất độc đáo, khác thường.
Từ TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) chúng tôi vượt quãng đường gần 200 km tìm đến làng Le. Làng Le đơn sơ, giản dị nằm khép mình dưới chân núi Chư Mo Rai. Giữa trưa, mặt trời đứng bóng, nhiệt độ tăng cao, ánh nắng chói chang như muốn thiêu rụi mọi thứ. Trong sân làng đám trẻ con mình trần, chân đất vô tư nô đùa.
Trò chuyện với chúng tôi, ông A Thái, Trưởng làng Le phấn khởi nói: "Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp mà cuộc sống của người dân làng mình bây giờ cũng đỡ vất vả nhiều rồi. Làng có 160 hộ với 460 nhân khẩu không còn cảnh đói kém, chạy ăn từng bữa như ngày xưa đâu. Nay được hỗ trợ của Nhà nước về cây giống, nông cụ, vật tư, phân bón, được tập huấn kiến thức để áp dụng khoa học, kỹ thuật nên nhiều gia đình đã chuyển sang trồng cao su, điều, cà phê đem lại thu nhập cao. Đám trẻ con được đến trường học hành, người làng đau ốm được đưa đến bệnh viện để chữa trị, không mê muội cúng bái như ngày xưa".
Ngược về ký ức, Trưởng làng A Thái chia sẻ: "Ngày xưa cuộc sống của người làng mình khổ lắm, nhiều nhà không có gạo ăn. Khu vực làng mình đang ở ngày xưa bốn bề là núi rừng hoang vu, rậm rạp. Người làng theo tập quán sống bằng nghề săn bắt, hái lượm dựa vào rừng là chủ yếu. Thời đó rừng núi bủa vây, người làng mình sống biệt lập không giao du với xã hội bên ngoài như ngày nay đâu. Đường xá không có, các cán bộ đi đến được làng mình phải đi bộ mất nhiều ngày mới vào được làng. Mình nghe cha ông kể lại ngày xưa, người Rơ Măm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập ở những nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi, một trận dịch khủng khiếp đã xóa sạch các làng, chỉ còn lại một làng duy nhất là làng Le ngày nay”.
Nguyên sơ nét văn hóa đặc sắc
Theo Trưởng làng A Thái, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng cư dân làng Le vẫn luôn quan niệm phải bảo tồn và phát triển nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào người Rơ Măm. Đồng bào người Rơ Măm từ bao đời nay vẫn xem nơi yên nghỉ cuối cùng của các vị tiền nhân là vùng đất thiêng. Hay như tên gọi dân dã của người bản địa đây là khu “làng ma”.
Nét độc đáo của “làng ma” là sự góp mặt của quần thể tượng nhà mồ đa dạng. Dạo một vòng quanh làng “ma” chúng tôi ngỡ như lạc vào thế giới vô hình. Những tượng gỗ, với đường nét hoa văn được đục đẽo, gọt dũa một cách công phu, tỉ mỉ. Mỗi bức tượng biểu thị cho cung bậc cảm xúc khác nhau của người đã khuất. Và sự trùng hợp duy nhất ở đây là gần như tất cả các pho tượng độc đáo này đều được tạo nên bởi bàn tay của người nghệ nhân tài hoa là già A Ren.
Đôi mắt rực sáng, già A Ren kể: "Với người Rơ Măm bao đời nay quan niệm rằng khi người quá cố thủ tục chôn cất buộc phải có các pho tượng đục đẽo thủ công chôn xung quanh nhà mồ. Mục đích để cho linh hồn người chết không bị cô đơn lạc lõng ở thế giới bên kia.
Già A Ren chia sẻ: “Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh, là cả một quá trình gian nan vất vả của người thợ. Tuy nhiên, làm sao để những pho tượng chống chọi được với nắng gió khắc nghiệt của đại ngàn trong thời gian dài thì không phải người thợ nào cũng biết. Già A Ren tiết lộ: “Muốn có một tượng gỗ đơn giải nhất, người thợ lành nghề cũng phải mất khoảng 3 ngày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ quý, thân mềm nhưng mối mọt không ăn được. Người thợ phải đích thân lên tận rừng sâu tuyển chọn.Tuy nhiên, công đoạn khó khăn, quyết định vẫn là chi tiết miêu tả nét mặt, biểu cảm phù hợp với người đã khuất. Để làm được điều này là cả một quá trình, đòi hỏi người thợ phải nắm bắt rõ tâm tư, tình cảm của người thân đang sống”.
Trong dịp này không chỉ được khám phá nét văn hóa đặc sắc, mà chúng tôi còn được trải nghiệm món ăn vô cùng độc lạ của người Rơ Măm. Vừa tự tay làm món gỏi chiêu đãi chúng tôi anh Khải (cư dân làng Le) vừa hướng dẫn tỉ mỉ: “Từ xa xưa, người dân Rơ Măm đã sống trong rừng sâu, ít dùng lửa. Khi bắt cá suối, bà con thường lọc thịt và băm nhuyễn ra để dễ ăn và hạn chế mùi tanh. Sau đó, họ bắt vài tổ kiến vàng thả vào cá đã băm nhuyễn để kiến tiết ra chất axit làm chín cá. Khoảng 30 phút sau, bóp đều kiến vàng và cá, rồi dùng ít rau rừng để cuốn. Bà con gọi đây là món Plat (gỏi kiến vàng), còn trộn thêm thính gạo vào gỏi thì gọi là món Trót IagLia”.
Quả thật, món gỏi kiến vàng có hương vị rất lạ miệng. Lúc thưởng thức sẽ thấy vừa có vị ngọt và thơm của cá suối hòa với vị chua chua của kiến. Để ngon miệng hơn, bà con người Rơ Măm thường dùng những lá rừng như: lá sung, lá lộc vừng, lá xoài non… ăn kèm, giúp món ăn đỡ ngán, hấp dẫn hơn. Món ăn này có giá trị dinh dưỡng rất cao và được bà con thường làm trong các dịp lễ Tết hoặc tiếp khách quý đến thăm.
Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Rơ Măm
Ông A Việt, Chủ tịch hội Nông dân xã Mô Rai cho biết: “Để tìm lại bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Rơ Măm, từ đề án Bảo tồn 7 nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2017, ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã nỗ lực mở các lớp truyền dạy nghề cho người làng Rơ Măm. Lớp học được mở ra với kỳ vọng giúp đồng bào Rơ Măm ở làng Le khôi phục lại nghề truyền thống của mình. Từ đó tạo “cú hích” để bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
Hồ Nam
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/bi-an-toc-nguoi-an-goi-kien-song-duoi-chan-nui-chu-mom-ray-huyen-thoai-a4098.html