Giấy chứng nhận an toàn, có cũng như không
Theo khảo sát, bánh Trung thu “nhà làm” rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, màu sắc cho tới giá cả. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng 100 gram có giá từ 15.000 - 50.000 đồng/chiếc, bánh có trọng lượng 150-200 gram có giá dao động từ 25.000 - 80.000 đồng/chiếc tùy loại nhân và người bán.
Để thu hút khách hàng, nhiều shop online nhận làm bánh Trung thu theo hình thù, trọng lượng, loại nhân yêu cầu của khách. Nhân bánh cũng được biến tấu, sáng tạo hơn những năm trước theo nhu cầu của người dùng.
Ngoài những loại phổ biến (thập cẩm, đậu xanh, trà xanh, đậu đỏ, hạt sen), thị trường còn có những loại nhân độc đáo như: cốm dừa, sữa dừa, khoai lang tím, tiramisu, cà phê, socola… Chủng loại bánh cũng không còn giới hạn với bánh nướng hay bánh dẻo mà có thêm bánh Trung thu rau câu, bánh dành cho người ăn kiêng với những nguyên liệu chứa ít năng lượng.
Kết quả kiểm nghiệm mà người bán công bố chỉ có giá trị trên mẫu thử, không khẳng định toàn bộ lô hàng là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Như trên trang thương mại điện tử Lazada, một gian hàng giới thiệu bánh Trung thu thập cẩm gà quay lạp xưởng 4 trứng. Với trọng lượng 600 gram, được rao bán với giá 100 nghìn đồng (giá gốc là 120 nghìn đồng). Tuy nhiên, hệ thống của sàn thương mại điện tử xếp mặt hàng này vào nhóm No brand (không có thương hiệu).
Ngoài hình chụp sản phẩm, chủ gian hàng còn công bố một bản kết quả thử nghiệm nhằm khẳng định bánh Trung thu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả được thực hiện bởi công ty TNHH Phân tích kiểm nghiệm Việt Tín (trụ sở tại TP.HCM) cấp cho hộ kinh doanh Vạn Long có địa chỉ ở tỉnh Long An. Theo đó, mẫu bánh Trung thu được gửi đến ngày 29/7, trả kết quả 5/8 là không phát hiện các bào tử nấm men, nấm mốc hay E.coli, hàm lượng chì.
Trong vai một người có nhu cầu, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã liên hệ với công ty Việt Tín. Nhân viên Trần Thị Kiều Băng gửi báo giá cho dịch vụ kiểm nghiệm bánh Trung thu là hơn 3 triệu đồng. Tuy nói là “kiểm nghiệm chỉ chịu trách nhiệm trên mẫu thử chứ không tính theo lô được” nhưng người này vẫn cho rằng “có giấy là khách hàng yên tâm rồi”.
Khi PV tìm hiểu một số địa chỉ quảng cáo bánh Trung thu nhà làm tại TP.HCM, người bán cũng lấp lửng về giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. “Đúng là phải công bố tiêu chuẩn chất lượng nhưng bên chị cam kết uy tín. Năm nay đã bán mấy trăm cái rồi, không có ai nói gì hết”, một người tên Phương, cơ sở ở quận Bình Thạnh, TP.HCM phân trần.
Bánh “nhà làm” có được đem bán không?
Trao đổi với PV, đại diện ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nhận định, bánh Trung thu là một sản phẩm được chế biến từ đa dạng các loại thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn, chẳng hạn như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại.
Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy.... làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Để sản xuất và kinh doanh bánh Trung thu, đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm, hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các Giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
Bánh trung thu "nhà làm" phải có giấy phép sản xuất, công bố chất lượng mới được kinh doanh.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nói: “Nếu như phát hiện được bánh Trung thu không có nhãn mác nguồn gốc lưu hành trên thị trường thì tất cả sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và xử phạt rất nặng chứ không loay hoay thử nghiệm chứa chất này chất kia nữa. Vì tất cả những mặt hàng không được kiểm tra kiểm soát thì không được đưa ra thị trường. Đặc biệt, bánh nhà làm thì để ở nhà ăn, muốn buôn bán phải có giấy phép đúng quy định”.
Để chọn được bánh ngon, an toàn và dinh dưỡng, người dùng cần chú ý nhiều tiêu chí. Trước hết là đánh giá phần nhìn, bánh phải được đóng gói cẩn thận, bọc kín, không có màu sắc khác thường hay mùi khác lạ. Bao bì đóng gói không bị rách, hay dập nát.
“Bên cạnh đó là thời hạn sử dụng. Bánh trung thu thường có hạn sử dụng khoảng 50-75 ngày, tùy nhà sản xuất. Cho nên việc chọn bánh có thương hiệu quen thuộc, đã được bảo chứng, cũng như trên bao bì cần có đầy đủ thông tin về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu … là rất quan trọng”, bà Phong Lan chỉ ra.
Ăn bánh trung thu đúng cách
Đầu bếp Trần Thị Hiền Minh, Chủ nhiệm câu lạc bộ hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn chia sẻ: “Quy trình làm bánh trung thu vẫn theo khuôn mẫu của bánh truyền thống. Độ ngon của bánh được quyết định ở khâu nấu nước đường, phải đạt độ đậm đặc nhất định thì bánh mới có độ dẻo. Không nhất thiết phải sử dụng phụ gia như baking soda để bánh được mềm và xốp”.
Về quy đình sản xuất, các công ty lớn có máy móc để vừa chống oxi hóa, vừa diệt khuẩn khi đóng gói. Còn nếu làm bánh trong gia đình thì không phải ai cũng hiểu được điều này nên bánh dễ bị mốc.
Nếu quan sát thấy bánh không còn màu sắc như bình thường, cắt ra thấy phần nhân bên trong biến màu, có độ nhớt tức là bánh đã bị mốc, không thể sử dụng được.
“Thông thường, trên hộp bánh có ghi nhiệt độ tốt nhất để bảo quản nhưng hầu như ít người quan tâm. Khí hậu ở Việt Nam rất khó để bảo quản bánh ở 11 độ C. Vì vậy, bánh sau khi mua về, cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi đã cắt ra là ăn ngay, dù để trong tủ lạnh cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn chéo với các thức ăn khác”, đầu bếp Hiền Minh khuyến cáo.
Hà Nhân
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/banh-trung-thu-nha-lam-mua-bang-niem-tin-a4237.html