Chiêu trò đơn giản của cán bộ sở Nội vụ “dởm” khiến nhiều người mất tiền tỷ

Vì tin những lời đường mật của Mạc Thị Lệ Quyên, 20 người đã nộp tiền nhờ người đàn bà này xin việc. Thậm chí, có những người chưa hề gặp Quyên nhưng vẫn tin tưởng bỏ ra số tiền lớn để chạy việc.

Hàng chục người mắc bẫy cán bộ "dởm"

Mạc Thị Lệ Quyên (36 tuổi), quê xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tàn tật và được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Không có công việc ổn định nhưng Quyên vẫn “nổ” mình làm việc ở sở Nội vụ tỉnh Nghệ An và quen biết các lãnh đạo ở các sở Giáo dục, sở Y tế. “Nữ quái” nổ mình có khả năng xin việc vào các bệnh viện, trường học và một số đơn vị khác trên địa bàn.

Khi người cần tìm việc đồng ý, Quyên yêu cầu đưa tiền và hẹn thời gian nhận quyết định đi làm. Hết thời gian cam kết, Quyên liên tục đưa ra các lý do trì hoãn. Để "con mồi" tin tưởng, Quyên lên mạng tìm kiêm mẫu văn bản có chữ ký của đơn vị tuyển dụng, tự chèn danh sách người cần xin việc rồi photo đưa cho họ.

Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, không thấy các quyết định tuyển dụng như Quyên hứa hẹn, các bị hại hỏi thì người phụ nữ này bịa đủ lí do để trì hoãn. Sau đó, Quyên đưa cho những người có nhu cầu xin việc quyết định tuyển dụng hoặc thông báo tiếp nhận vào các cơ quan, đơn vị, trường học.

Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại phiên tòa.

Cụ thể, anh L.V.T (28 tuổi), trú tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An qua người thân quen biết Quyên. Qua tiếp xúc, nói chuyện, Quyên cho biết mình có thể xin cho Thân vào làm việc tại tổ Vận hành điện – thủy điện bản Ang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Sau khi thủy điện vận hành 3 – 6 tháng thì sẽ có quyết định đi làm và hết chi phí 130 triệu đồng. Ngày 27/8/2015, gia đình T. đã giao 130 triệu đồng cùng bộ hồ sơ xin việc mang tên T. Năm 2016, thủy điện bản Ang đi vào vận hành nhưng Quyên không thực hiện xin việc cho T.

Anh T. yêu cầu Quyên trả tiền thì Quyên nói thủy điện bản Ang không tuyển dụng lao động nên sẽ xin cho T. vào tổ vận hành điện – thủy điện Xoỏng Con, huyện Tương Dương và cam kết 3 tháng sau T. sẽ có quyết định đi làm. Hết thời gian cam kết, nhiều lần gia đình anh T. hỏi quyết định đi làm. Biết không thể tiếp tục lừa dối, Quyên đã thừa nhận mình không xin được việc cho T. Số tiền Quyên chiếm đoạt của gia đình anh T. 130 triệu đồng.

Tương tự như anh T., nghe tin Mạc Thị Lệ Quyên có thể xin việc vô biên chế, chị Vi Thị D., trú tại huyện Quỳ Châu đặt vấn đề nhờ Quyên giúp cho cô con gái vào biên chế giáo dục huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Quyên ra giá 160 triệu với cam kết 2 tháng sau con gái chị D. sẽ nhân được quyết định biên chế vào một trường học trên địa bàn huyện.

Nhiều lần thúc giục, hơn 1 năm sau, chị D. được Quyên đưa cho một thông báo tiếp nhận kèm danh sách bổ sung các trường hợp về giảng dạy tại Quỳ Châu của sở GD&ĐT Nghệ An có tên con gái. Tuy nhiên, khi con gái chị D. đến trường học kia để nhận công tác thì mới ngã ngửa khi nhà trường thông báo không nhận được bất kỳ quyết định nào của cơ quan chức năng về tiếp nhận giáo viên có tên như trên.

Mất tiền oan

Với thủ đoạn trên, Mạc Thị Lệ Quyên lừa đảo, chiếm đoạt của 20 bị hại với tổng số tiền là hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó bị hại bị lừa ít tiền nhất là 60 triệu đồng, người nhiều nhất 330 triệu đồng. Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm hình sự đối với Mạc Thị Quyên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên tòa, bị cáo Quyên cho biết, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được đã tiêu xài cá nhân. Một số bị hại yêu cầu bị cáo phải nói rõ khoản tiền đó đã tiêu vào việc gì nhưng Quyên không trả lời. Bị cáo cũng thừa nhận không làm việc ở sở Nội vụ tỉnh Nghệ An. Được biết, Quyên đã khắc phục cho một số bị hại mỗi người từ 10 – 30 triệu đồng.

Nhiều bị hại đề nghị HĐXX xét xử Quyên nghiêm minh.

Những người tìm đến Quyên chạy việc chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn. Con ra trường, không có công việc ổn định nên vay mượn tiền để nhờ Quyên “chạy” việc. Bây giờ số tiền Quyên chiếm đoạt không thể trả được họ đang phải còng lưng trả cả tiền gốc và lãi. Khi được hỏi vì sao nhìn người phụ nữ tàn tật như vậy mà có thể tin người đó công tác ở sở nội vụ? Một bị hại cho biết họ chưa từng gặp mặt Quyên mà chỉ liên lạc qua điện thoại và chuyển tiền qua thẻ. “Không biết tiền đến bao giờ cho đòi được. Tôi chạy cho con vào thủy điện để làm việc. Mất 130 triệu mà con phải con phải đi phụ hồ. Mong pháp luật xử bị cáo nghiêm minh”, ông Q., một bị hại trong vụ án cho biết.

Các bị hại yêu cầu bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và yêu cầu HĐXX xử nghiêm minh, đúng với quy định của pháp luật.

Xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Mạc Thị Lệ Quyên 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về phần dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Hành vi sử dụng con dấu, chữ ký của cơ quan chức năng chèn vào các thông báo tiếp nhận, quyết định tuyển dụng, danh sách... của Quyên là nhằm làm cho bị hại tin tưởng để giao tiền. Do vậy, không có căn cứ xử lý Mạc Thị Lệ Quyên về tội Sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức.

Hà Hằng

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/chieu-tro-don-gian-cua-can-bo-so-noi-vu-dom-khien-nhieu-nguoi-mat-tien-ty-a4379.html