Bội đôi vũ khí thiêng
Trong nỗi lo âu ché cổ của dân tộc rơi vào tay lái buôn đồ cổ, bất giác già làng K'Tiếu nhớ đến chiếc xà gạc thiêng liêng của mình. Ông nói, vật dụng linh thiêng này cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất như những chiếu ché cổ kia. Ông may mắn còn giữ lại được thứ vũ khí gắn liền với nhiều văn hóa tâm linh của người K'ho giữa cơn bão truy lùng xà gạc cổ của giới buôn đồ cổ. Già Tiếu nói, trong đời sống tâm linh của người K'ho, xà gạc quý lắm. Nó là vật dụng nối kết giữa con người với Yàng (thần linh - PV).
Theo già làng K'Tiếu, đầu tiên, giá trị của chiếc xà gạc xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn của nó trong việc sản xuất kinh tế. "Xưa kia, để phát triển kinh tế gia đình, người K'ho cần có chiếc xà gạc. Xà gạc giúp người dân trong buôn làng phát nương làm rẫy, chặt gỗ dựng nhà. Xà gạc cũng giúp người dân bảo vệ gia đình trước thú dữ, để tự vệ trong các cuộc xung đột,... Có thể nói, chiếc xà gạc gắn bó với người sở hữu đến hết đời, trở thành vật dụng không thể thiếu và vô cùng thân thuộc", già làng K'Tiếu tiết lộ.
Chiếc xà gạc thiêng liêng của gia đình ông K’Broh.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, trong văn hóa tâm linh của người K'ho, xà gạc có vai trò, vị trí nhất định. Ông K'Broh (giáo viên về hưu, ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, ngoài mang ý nghĩa trong sản xuất, xà gạc được người dân K'ho gọi là linh vật. Bởi, loại vật dụng này xuất hiện hầu hết trong các lễ cúng. Ông K'Broh nói: "Trong đời sống người K'ho có 2 loại xà gạc là xà gạc sản xuất và xà gạc để cúng. Xà gạc để cúng được rèn, chế tác tinh xảo hơn và chỉ xuất hiện trong các lễ cúng. Chúng được xem là một vật thiêng, chỉ để trên bàn thờ, không rời khỏi nhà, không sử dụng làm việc khác".
"Khi thực hiện bất kỳ lễ cúng nào, già làng cũng cầm, giơ cao chiếc xà gạc về phía trước như để trò chuyện với các Yàng. Đặc biệt, tại các lễ hiến sinh, già làng, người cúng lấy máu của con vật bôi vào lưỡi xà gạc như một hình thức cúng, tế khấn mời Yàng về chứng giám. Sau lễ cúng, xà gạc này được đặt trên bàn thờ, gia chủ phải bảo quản, giữ gìn nó như một linh vật của gia đình, dòng họ. Xà gạc để cúng Yàng, gia đình nào cũng phải có và họ không đi mua mà tự rèn lấy”, ông K’Broh cho biết thêm.
Trong khi đó, ngọn giáo nhọn lại bí ẩn hơn và gần như không mấy ai còn thấy chúng xuất hiện ngoài đời thực ở thời điểm này. Theo già làng K’Tiếu, ngọn giáo cũng xuất hiện từ lâu, gắn liền với các nghi lễ cổ xưa của người K’ho. Hiện nay, theo thời gian, giáo nhọn đã không còn mấy ai lưu giữ.
Theo tìm hiểu của PV, tại huyện Di Linh, hầu như chỉ còn già làng K’Tiếu là biết và lưu giữ được cây giáo thiêng này. Quan sát thực tế, cây giáo thiêng của người K’ho có cán bằng gỗ dài chuốt tròn khoảng 2m. Bên trên, giáo được gắn lưỡi bằng kim loại nhọn được rèn cứng, thuôn, nhọn.
Biến mất theo thời gian
Già làng K’Tiếu cho biết, sở dĩ cây giáo ít xuất hiện và ít được người dân biết đến hơn xà gạc vì loại vật dụng này khá cổ xưa. Hơn thế, giáo hầu như chỉ có mặt trong một vài hủ tục lạc hậu và các lễ cúng quy mô. Tuy nhiên, ông khẳng định, ngọn giáo xuất hiện trong đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người K’ho từ lâu. “Tôi đã tìm hiểu, loại sắt mà người xưa dùng để rèn mũi giáo không giống như sắt rèn cuốc bây giờ. Tuổi thọ cây giáo này cũng ngoài trăm năm bởi nó được ông cha tôi để lại. Nó cũng đã trải qua không biết bao nhiêu lễ ăn trâu (lễ đâm trâu - PV). Tuy nhiên, đến khi tôi 67 tuổi, nó vẫn sắc, nhọn, không sứt mẻ, yếu, mục”, già làng K’Tiếu cho hay.
Trong khi đó, các vị cao niên K’ho trong làng Duệ cho rằng, giáo nhọn chỉ tồn tại trong gia đình uy tín, có sức mạnh, tiếng nói trong cộng đồng. Bởi, giáo nhọn thường có mặt trong lễ ăn trâu mà lễ này chỉ được tổ chức bởi các già làng. Giáo gồm 2 phần. Thân giáo bằng gỗ quý, đen như mun, cứng chắc. Càng sử dụng, thân giáo càng đen bóng, thẳng tắp. Trong khi đó, mũi giáo được rèn từ quặng sắt là những hạt nhỏ màu xám. Người ta nung thứ quặng này bằng than và tôi luyện nên một loại sắt cứng, bền. Để đạt độ nhọn, thon gọn cần thiết, thợ rèn phải đem mũi giáo ra suối mài trên các phiến đá cho đến khi mũi giáo thành hình, bén, nhọn mới tra vào cán. Đáng nói hơn, thứ sắt làm giáo không han gỉ, không đọng máu.
Ngoài xà gạc cúng linh thiêng, già làng K’Tiếu là người cuối cùng còn lưu giữ được ngọn giáo thiêng bí ẩn.
Già làng K’Tiếu quả quyết, dù đã rất lâu không được sử dụng, lau chùi, mài dũa nhưng ngọn giáo của gia đình ông vẫn bén, nhọn, không rỉ sét, cong vênh. Ông cũng phỏng đoán, mục đích hình thành giáo có thể xuất phát từ nhu cầu tự vệ của người K’ho xưa. Bởi, sống nơi rừng thiêng, với một ngọn giáo trong tay, người con của đại ngàn mới có thể chống cự với thú dữ. Về sau, ngọn giáo nhọn dần trở thành vật dụng linh thiêng khi có mặt trong lễ đâm trâu, vũ khí trong các hủ tục trừ tà, đuổi ma của người K’ho xưa.
Về thông tin này, già làng K’Tiếu chia sẻ: “Xưa kia, người ta dùng mũi giáo để “điều tra” ma quỷ. Nghĩa là khi nghi ngờ ai đó có ma quỷ theo, người ta dùng ngọn giáo nhọn chọc vào người. Người ta cũng đặt giáo ở nơi nghi có con ma rừng, ma núi quấy phá. Ngày nay, mấy hủ tục này không còn. Giáo nhọn chỉ còn được sử dụng trong lễ ăn trâu. Trong lễ này, người ta dùng ngọn giáo chọc vào thân trâu”.
Cũng như ché cổ, hiện nay, xà gạc cúng và giáo thiêng dần biến mất khỏi buôn làng để trở thành vật trang trí ở những biệt thự, khu trưng bày. Các già làng cho biết, đã có thời điểm, giới buôn cổ vật lùng sục các buôn làng để tìm mua xà gạc, giáo thiêng, ché cổ, cồng chiêng. Trong cơn giông tố ấy, không ít gia đình K’ho đã bị đồng tiền khuất phục, bán đi những vật phẩm từng là vật thiêng của dân tộc mình.
Ông K’Broh chia sẻ: “Ngày nay, xà gạc quý không còn mấy cái nữa. Một là người K’ho bây giờ không rèn nữa nên xà gạc cúng càng quý hiếm. Vậy nên, xà gạc còn lại trong cộng đồng người K’ho chúng tôi đều là xà gạc cổ, tuổi đời ngoài trăm năm. Thế nhưng, chính từ chỗ quý hiếm ấy, xà gạc cúng luôn được giới buôn cổ vật, sưu tầm “thèm muốn”. Họ sẵn sàng bỏ thật nhiều tiền để mua lại vì biết có thể bán với giá đắt gấp nhiều lần cho khách hàng giàu có làm vật trang trí”.
Sống để cúng, chết mang theo
Già làng K’Tiếu cho hay, ông không bao giờ muốn mình và con cháu là nạn nhân trong vòng xoáy “chảy máu” xà gạc, ché cổ khỏi làng. “Giờ theo đạo rồi, theo cuộc sống văn minh rồi không còn cúng như trước nữa. Nhưng, xà gạc, ché cổ là vật ông bà, tổ tiên để lại tôi quyết không bán đâu. Sống thì cứ để cúng, nếu tôi chết, con cháu không chịu giữ thì sẽ chôn theo chứ nhất định không bán”, ông quả quyết.
Ngọc Lài
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/muc-so-thi-bo-doi-vu-khi-linh-thieng-song-de-cung-chet-mang-theo-cua-nguoi-k-ho-a4458.html