Người họa sĩ miệt mài tôn kính Bác Hồ qua từng nét vẽ

Dù chưa được đào tạo qua bất cứ một trường lớp nào về hội họa thế nhưng họa sĩ Trần Hòa Bình đã vẽ hơn 600 bức tranh về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng nhận giải kỷ lục “vẽ tranh truyền thần về Bác Hồ”.

Tình yêu hội họa từ truyền thống gia đình

Nghề vẽ truyền thần ngỡ như ngày càng bị chìm lấp trước kỹ thuật đồ họa và xử lý ảnh của công nghệ vi tính đang phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, vẫn còn đó những họa sĩ kiên trì với nghề mà họ đã theo đuổi hàng chục năm trời, như các họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên, Trần Thịnh ở Hà Nội, Công Thanh ở cố đô Huế, Minh Đức ở Quy Nhơn, Lê Vũ ở Khánh Hòa, Trần Lầu ở Quảng Nam, Lương Văn Điệp ở TP. Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, họa sĩ Trần Hòa Bình, người rất được biết tiếng ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là người chuyên vẽ truyền thần chân dung Bác Hồ bằng chất liệu sơn dầu suốt mấy chục năm qua. Họa sĩ Trần Hòa Bình có niềm tin thật kỳ lạ vào nghề vẽ truyền thần. Theo anh, nghề này không bao giờ mất vì đó là "đặc sản" của hội họa Việt Nam. Hiện ba con trai của anh cũng đang hành nghề vẽ truyền thần và chép tranh ở Hà Nội. Vậy là gia đình anh có tới ba đời đều sinh sống bằng nghề vẽ truyền thần...

Nhà của họa sĩ Trần Hòa Bình nằm ngay mặt đường phố Phát Diệm tuy khiêm tốn về diện tích (rộng khoảng 10m2) nhưng khá có tiếng ở trong và ngoài tỉnh. Ngay từ khi mới lên 8 tuổi, Trần Hòa Bình đã yêu thích vẽ tranh và đam mê nghệ thuật. Hàng ngày, mỗi tối khi bố vẽ tranh xong, ông thường nhặt nhạnh giấy và mực màu cũ, bỏ đi để tập vẽ. Ban đầu, những nét vẽ của ông nguệch ngoạc, không thành hình và trông rất khó coi. Không nản chí, ông vẫn kiên trì tập vẽ tranh và có thể vẽ ở bất cứ thời điểm nào, đặc biệt ông rất yêu thích những bức tranh về Bác Hồ. Trong nhiều chân dung được xem bố vẽ, Trần Hòa Bình thực sự thấy xúc động khi chứng kiến những nét vẽ tài hoa của bố khi thể hiện chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình ảnh Bác Hồ sống động, sinh động qua tranh vẽ của họa sĩ Trần Hòa Bình.Hình ảnh Bác Hồ sống động, sinh động qua tranh vẽ của họa sĩ Trần Hòa Bình.

Khi bước vào tuổi 16, Trần Hòa Bình đã vẽ truyền bức chân dung Bác Hồ đầu tiên trong đời mình. Tác phẩm này là món quà tặng UBND thị trấn Phát Diệm trong hội nghị tổng kết năm và được người xem trầm trồ thán phục. Cho đến nay họa sĩ Trần Hòa Bình vẫn không thể quên được cảm xúc vui sướng trong lòng, mặc dù kỷ niệm đó đã cách đây hơn 40 năm.

Trong thời gian tiếp theo, Trần Hòa Bình còn học thêm về lịch sử hội họa cổ điển, vẽ nhiều bức theo mẫu tranh thời kỳ Phục Hưng và dòng tranh nhà thờ, để luyện thêm về kỹ thuật sơn dầu, màu sắc hội họa và bố cục. Chính quá trình rèn luyện này đã được họa sĩ Trần Hòa Bình vận dụng vào vẽ truyền ảnh miêu tả nhân vật và đặc biệt là chân dung Bác Hồ.

Trăn trở để nâng niu hình ảnh về Bác Hồ

Bản thân họa sĩ Trần Hòa Bình xuất thân trong gia đình nông dân, kinh tế khó khăn, trong khi ông có tới 4 người con đang tuổi ăn học. Nhiều lần ý nghĩ về gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” khiến ông không thể cầm bút vẽ. Đã có lần ông nghĩ đến chuyện tạm nghỉ nghề vẽ tranh để làm kinh tế, vậy nhưng niềm đam mê nghệ thuật đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn ban ngày ông đi làm thợ xây tối về lại tiếp tục công việc vẽ tranh. Có hôm, ông thức cả đêm để vẽ tranh Bác Hồ cho hoàn thiện, nhìn lại bức tranh sơn dầu vẽ Bác Hồ đang làm việc, một niềm tin, sức sống mới lại bừng sáng trong ông, xua tan đi mọi mệt nhọc.

Họa sĩ Trần Hòa Bình được ông cụ thân sinh là họa sĩ Nam Phong truyền nghề từ nhỏ.  Năm 1994, khi bố  mất, họa sĩ Trần Hòa Bình được kế thừa căn phòng tranh cổ kính truyền thống của gia đình. Bố ông còn thừa kế lại cho ông kho tàng ảnh tư liệu quý báu và cả những tấm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là vốn quý báu để ông theo đuổi niềm đam mê hội họa cùng những ý tưởng mới, đẹp về hình ảnh Bác Hồ.

Họa sĩ Trần Hòa Bình tỉ mỉ từng nét vẽ để thể hiện lòng tôn kính với Bác Hồ.

Họa sĩ Trần Hòa Bình kể: “Có lần bố tôi trằn trọc suốt đêm vì đã vẽ bức ảnh Bác Hồ chưa được như ý. Nét vẽ còn hơi cứng, chưa thật tự nhiên. Tất cả chỉ bởi một chi tiết rất nhỏ. Đột nhiên, ông cụ bật dậy nói với tôi, dù chi tiết nhỏ, như sợi râu của Bác thôi, cũng phải vẽ sao cho không chỉ giống mà còn phải ẩn chứa cả tấm lòng nhân ái bao la của Người”.

Rồi từ đó, ông cầm tay và chỉ bảo cho Trần Hòa Bình cách thể hiện từng nét vẽ cùng cách xử lý độ tương phản về ánh sáng và màu sắc để làm bật lên cái thần thái của chân dung Bác Hồ. Đó là vầng trán cao, khoáng đạt  của Người; là đôi mắt tràn đầy tình yêu thương với cuộc sống; là chòm râu của "ông Tiên" đối với các cháu thiếu nhi cả nước. Và trên tất cả, là nụ cười hồn hậu, đầy bao dung của vị lãnh tụ vĩ đại...

Đã thuộc từng chi tiết trên gương mặt Bác trong quá trình làm nghề suốt mấy chục năm qua, khi được hỏi về chi tiết khó nhất, họa sĩ Trần Hòa Bình đáp: “Đó là ở bộ râu và nụ cười ấm áp ẩn trên khóe miệng Bác. Ngoài ánh sáng từ đôi mắt, còn để tạo nên cái thần thái của chân dung Bác phải vẽ được nét đẹp nhất ở khóe miệng tươi và chòm râu mềm mại của Người”.

“Khi vẽ chân dung Người, vẽ đến chi tiết nào là tôi lại nhớ đến những câu chuyện về Bác. Như khi vẽ chòm râu là hình dung ra cảnh Bác đang vui chơi với các cháu thiếu nhi, vẽ đôi mắt sáng của Người là hình dung ra lúc Bác đang suy nghĩ về việc đất nước... Trong nhiều bức chân dung về Bác, tôi cảm thấy có cảm hứng nhất với bức chân dung Bác đang ngồi trên ghế trong chuyến sang thăm và làm việc tại Nga. Đây cũng là bức chân dung được nhiều người yêu thích. Nhiều cơ quan, công sở và khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đã tìm đến để đặt vẽ chân dung Bác Hồ. Thậm chí, có việt kiều ở Pháp còn nhờ người nhà đặt 5 bức chân dung về Bác ở các tư thế, hình ảnh khác nhau để đem sang Pháp treo”, họa sĩ Trần Hòa Bình cho hay.

Nhiều người, kể cả các họa sĩ trong nghề đều thán phục và cho rằng họa sĩ Trần Hòa Bình là người đã lập ra kỷ lục mới về số lượng tranh về Bác nhưng bản thân ông lại có suy nghĩa khác. “Hình ảnh của Bác luôn là tấm gương sáng soi đường để tôi làm được nhiều việc có ý nghĩa trong cuộc sống, đặc biệt là cho tôi cảm hứng sáng tạo để mỗi tác phẩm được vẽ nên đều xuất phát từ tình cảm kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao như trời biển của vị cha già dân tộc”, họa sĩ Trần Hòa Bình chia sẻ.

Hà Nhân

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nguoi-hoa-si-miet-mai-ton-kinh-bac-ho-qua-tung-net-ve-a4692.html