Thông tin với PV, bà Mai Lan Hương, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho hay, trong ngày 12/10, bệnh viện tiếp nhận 5 trẻ có độ tuổi từ 2 đến 7 tháng tuổi thuộc xã Chiềng Xôm và phường Chiềng An (TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) sau khi tiêm vắc- xin 5 trong 1 (mũi 1 – 2 – 3) tại trạm y tế xã, phường.
Theo bà Hương, có 1 trường hợp sốc phản vệ độ 4 mức độ nặng, 2 trẻ sốc phản vệ độ 3 và 2 trẻ có phản ứng sốt cao sau tiêm chủng. Riêng đối với trường hợp sốc phản vệ độ 4 sau cấp cứu 4 tiếng cháu bé đã tử vong, 4 trường hợp còn lại được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Hiện tại, cả 4 trẻ đang được theo dõi tích cực tại khoa Nhi của bệnh viện và điều trị theo phác đồ của bộ Y tế. Cụ thể:
Bệnh nhi L.Q.K, sinh tháng 7/2020 trú tại bản Phứa Cón, phường Chiềng An, TP. Sơn La. Cháu K. được tiêm vắc-xin ở trạm y tế lúc 9h cùng ngày nhập viện hồi 12h58 ngày 12/10.
Bệnh nhi L.T.T.H. sinh tháng 3/2020, trú tại bản Tông, phường Chiềng Xôm, TP. Sơn La. Khoảng 10h30 sáng cùng ngày trẻ tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 mũi 3 và nhập viện hồi 12h4 phút, ngày 12/10.
Bệnh nhi L.M.Đ., sinh tháng 6/2020, trú tại bản Tông xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La. Khoảng 10h30 ngày 12/10 trẻ tiêm phòng mũi 2, vắc-xin 5 trong 1 tại trạm y tế xã Chiềng Xôm. Nhập viện hồi 22h8 phút ngày 12/10.
Bệnh nhi T.A.D., sinh tháng 8/2020, trú tại tổ 3, phường Chiềng An, TP. Sơn La. Khoảng 9h ngày 12/10 trẻ tiêm phòng mũi 1, vắc - xin 5 trong 1 tại trạm y tế xã Chiềng An. Nhập viện hồi 18h29 ngày 12/10.
Liên quan đến bệnh nhi P.G.H. tử vong, lãnh đạo bệnh viện cho biết bệnh nhi nhập viện vào 13h ngày 12/10.
Vào 10h ngày 12/10, bệnh nhi H. được tiêm phòng mũi 1, vắc-xin 5 trong 1 tại trạm Y tế xã Chiềng Xôm. Sau tiêm khoảng 2,5 giờ cháu xuất hiện tím tái, thở nhanh, gia đình đưa bé trở lại trạm Y tế xã Chiềng Xôm và được tiêm 1 mũi Adrenalin, sau đó đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cấp cứu.
Khi vào viện trẻ li bì, tím tái toàn thân, chân tay lạnh, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, không tự thở, ngừng tim, không xuất huyết dưới da. Chẩn đoán phản vệ độ IV nghi sau tiêm phòng mũi 1 vắc- xin 5 trong 1.
Đã được hồi sức tích cực xử trí theo hướng dẫn cấp cứu phản vệ của bộ Y tế. Đặt nội khí quản, thở máy, cấp cứu ngừng tuần hoàn, bệnh nhân tử vong hồi 16h cùng ngày. Chẩn đoán tử vong, phản vệ độ IV không hồi phục nghi sau tiêm phòng mũi 1 và uống OPV lần 1.
Được biết, 4 bệnh nhi nêu trên đang được theo dõi điều trị tích cực tại khoa Nhi của bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Có ba bé đang nằm tại phòng cấp cứu, một bé được chuyển về phòng điều trị bình thường.
Bà Mai Lan Hương cũng đưa ra khuyến cáo: “Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại nhà, xem tinh thần của trẻ có li bì hay tỉnh táo, có bú được hay không, đồng thời theo dõi thân nhiệt, màu sắc da và niêm mạc, tay chân trẻ có hồng hào, có ấm hay không… Nếu thấy trẻ có biểu hiện khác thường, cần gọi ngay đến cán bộ y tế nơi trẻ trực tiếp tiêm. Sau đó, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí tiếp”.
Rà soát nhanh quy trình tiêm chủng, quản lý vắc-xin
“Liên quan đến trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B tại Vĩnh Phúc, hiện tôi chỉ đang nhận được báo cáo nhanh, theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng phải có hội đồng tư vấn chuyên môn, sở Y tế chủ trì họp. Còn ca trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 ở Sơn La, theo tôi được biết một, hai ngày tới thu đủ hồ sơ sẽ họp. Về quy trình tiêm chủng, quản lý vắc-xin chúng tôi đã rà soát nhanh, đúng quy định và đảm bảo an toàn tiêm chủng, tất cả các trường hợp khác ở cùng điểm tiêm chủng đó đều không có vấn đề gì. Hiện, phải chờ hội đồng chuyên môn thì mới có thể biết trẻ tử vong do nguyên nhân gì”, PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay.
Đừng vì lo lắng thái quá mà không tiêm phòng cho trẻ
“Cho tới hiện nay, gần như các các sau khi tiêm vắc-xin có vấn đề đều được khảo sát lại, thậm chí mổ tử thi cho thấy là sự trùng hợp chứ không phải do vắc-xin. Vì vậy, với những ca trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin cần phải khảo sát, kiểm tra lại. Nếu không tiêm vắc-xin thì trẻ cũng có khả năng tử vong do tim bẩm sinh, nhiễm trùng sơ sinh, bị dị tật… khi tiêm vắc-xin vào thì có thể là sự trùng hợp. Bên cạnh đó, về ca bệnh ở Vĩnh Phúc, nghi ngờ tình trạng thiếu men chuyển hoá dẫn đến trẻ tử vong của bác sĩ là có căn cứ. Có khả năng vừa sinh ra bú mẹ xong cũng dẫn đến tử vong. Một số trường hợp không chuyển hoá được chất mà trẻ bắt đầu ăn qua đường ruột, làm cho trẻ không thở được và tử vong rất nhanh. Thiếu men chuyển hoá sẽ ảnh hưởng đến bộ não, ảnh hưởng đến tim mạch… Còn nữa, khi bắt đầu tiêm vắc-xin cho trẻ ở trong bệnh viện, các bác sĩ đã kiểm tra kỹ, nhưng có một số trường hợp bệnh lý chuyển hoá khi trẻ bú, hay trẻ ăn vài bữa mới biết được. Số ca bất thường sau khi tiêm vắc-xin rất nhỏ lẻ, nếu chỉ vì những ca như vậy mà phụ huynh không tiêm vắc-xin cho con thì sẽ rất nguy hiểm, sau này bị bệnh không thể chữa được”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Thanh Lam
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/vu-tre-tu-vong-sau-tiem-vac-xin-5-trong-1-them-4-benh-nhi-soc-phan-ve-a4764.html