Cho vay không cần gặp mặt rồi khủng bố
Theo văn bản của bộ Công an, cục Cảnh sát hình sự vừa phối hợp, chỉ đạo phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM điều tra vụ án Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng phạm thực hiện tại nhiều tỉnh thành.
Trong vụ án này, những kẻ cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 1.600 %/năm. Tất cả giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay “tín dụng đen”, cần được tập trung ngăn chặn trong thời gian tới.
Cũng theo bộ Công an, một số người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng Vaytocdo, Moreloan, VD online vừa bị lực lượng công an triệt phá. Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình.
Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.
Mô hình cho vay ngang hàng vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên ứng dụng. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.
Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của công ty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả, thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ. Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại “khủng bố” cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền phải chuyển tiền trả nợ cho chúng.
Từ tháng 4/2019 đến khi bị cơ quan công an xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua ba ứng dụng nói trên với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Chính vì thế, bộ Công an cảnh báo đến người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện này, cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng Internet.
Rủi ro bất ổn xã hội ngày càng tăng cao
Theo các chuyên gia tài chính, mô hình mà bộ Công an đề cấp chính là hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) nhằm kết nối người vay vốn trực tiếp với người cho vay thông qua nền tảng Internet. Mô hình hoạt động này đang phát triển nhanh chóng tại một số quốc gia khác. Còn tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước và được hệ thống pháp lý thừa nhận.
Đánh giá về vấn đề, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, do pháp luật chưa có quy định về hoạt động liên quan đến cho vay trực tuyến nên người dân thực hiện giao dịch vay qua app là hết sức rủi ro. Có rất nhiều kẽ hở trong giao dịch vay tiền qua app hiện nay mà rủi ro về phía người vay. Người đi vay trực tuyến còn gặp rủi ro khi chưa rõ lãi suất thực tế là bao nhiêu.
Đã có nhiều nạn nhân bị khủng bố sau khi vay tiền trực tuyến.
“Ngoài tình huống người vay không trả được nợ do lãi suất quá cao, thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại người vay có thể bị sử dụng tùy tiện. Đã có không ít trường hợp người dùng khiếu nại họ không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ. Có trường hợp không vay nợ nhưng vẫn bị sử dụng hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội với lời lẽ khiếm nhã gây áp lực trả nợ”, vị tiến sĩ cho hay.
Còn tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho biết: “Nhìn chung thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam được dư luận đánh giá không tích cực. Bên cạnh những công ty tuân thủ pháp luật và có đạo đức kinh doanh thì vẫn có những công ty biến tướng thuộc loại “tín dụng đen”. Dưới danh hiệu là P2P Lending nhưng thực chất là huy động vốn hay cho vay với lãi suất cắt cổ mang tính lừa đảo. Nhiều công ty loại này tìm cách thu hồi nợ với những hành động của xã hội đen, tác hại đến an ninh trật tự và đưa nhiều người vào đường cùng để chiếm đoạt tài sản”.
Ở khía cạnh của người cho vay, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, trường đại học Tài chính – Marketing nhận xét, cho vay qua sàn ẩn chứa rủi ro rất lớn. Như người cho vay có thể mất hết vốn hoặc một phần nếu người vay không trả được nợ vì những lý do khách quan hoặc cố tình vay để lừa đảo. Trong khi chủ sàn không có trách nhiệm hoàn trả tiền mà chỉ có nhiệm vụ thu hồi, đòi nợ thay cho người cho vay nhưng nếu chủ sàn không đòi được, người cho vay sẽ mất cả "chì lẫn chài". Dù trên thực tế, một số chủ sàn có hợp tác với các công ty bảo hiểm cho khoản vay hoặc tạo lập một quỹ đề phòng bất trắc nhưng không có gì bảo đảm người cho vay sẽ được hoàn trả tiền khi người vay không trả được nợ.
“Một rủi ro khác đặt ra là chủ sàn P2P Lending có thể mập mờ trong vai trò trung gian, hoạt động như một tổ chức huy động vốn rồi cho vay, thông đồng với người vay lập hồ sơ giả để mời gọi khách hàng bằng những thông tin thổi phồng. Sau đó, các đối tượng xấu có thể sử dụng tiền của người cho vay vào các mục đích khác, ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức để đầu tư vào cho vay ngang hàng nhằm hưởng chênh lệch... Tất cả những khả năng này đều có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh hành lang pháp lý P2P Lending chưa rõ ràng, hiểu biết của người cho vay còn hạn chế”, ông Thuận nêu quan điểm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quang Tín, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay chưa có khung pháp lý đối với P2P Lending. Do đó, nếu trong thời gian tới, nhà nước cấm hoặc hạn chế hoạt động này, quyền lợi của người cho vay có thể bị ảnh hưởng vì chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chủ sàn với người cho vay và người vay.
Cần cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện Trưởng viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất, cần xây dựng một hành lang pháp lý thử nghiệm cho lĩnh vực cho vay ngang hàng và đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, cần có cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng với các công ty; quy định các điều kiện đối với người tham gia cho vay và người đi vay; đưa ra các giới hạn để quản lý rủi ro. Ví dụ như hạn mức tín dụng, loại hình cho vay, không cho vay quay vòng quá 2 lần đối với một khách, trần lãi suất và phí,...
Thêm vào đó, ông Hòe khuyến cáo đối với nhà đầu tư và khách hàng vay, cần tìm hiểu rõ hoạt động của sàn cho vay ngang hàng, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay. Trong đó, đối với người vay cần đọc kỹ hợp đồng, nhất là yếu tố lãi suất, cách tính lãi, phí ngoài, phí trả trước hạn, gia hạn. Đối với nhà đầu tư, không gửi vốn vào các công ty cho vay ngang hàng dưới dạng gọi vốn cộng đồng vì đây là hành vi trái luật nên có thể bị mất tiền và không được bảo vệ.
Hà Nhân
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/bo-cong-an-canh-bao-rui-ro-khi-vay-truc-tuyen-lai-suat-cat-co-a4802.html