1. "Tinh thần cầu thủ HAGL ức chế, không còn tập trung. Từ đó, Hà Nội tung ra những đường phản công. Đội Hà Nội rất mạnh trong việc cướp bóng triển khai tấn công nhanh.
Họ xứng đáng giành chiến thắng. Còn về trọng tài, chúng tôi xác định vào cuộc chơi trong sân ức chế nhưng vẫn phải tuân thủ theo trọng tài vì họ điều hành trận đấu".
Đó là phát biểu của HLV Nguyễn Văn Đàn sau trận đấu với Hà Nội FC.
Trước đó, lãnh đạo đội bóng phố Núi cũng biết được thông tin trận đấu HAGL và Hà Nội FC đổi trọng tài. Trọng tài FIFA Ngô Duy Lân bất ngờ được thay bằng ông Hoàng Thanh Bình (Hải Phòng) để điều khiển trận đấu được dự đoán nóng bỏng và căng thẳng nhất vòng 2.
Hệ quả cầu thủ HAGL phản ứng trọng tài sau tình huống Quang Nho ngã trong vòng cấm. Đây là thời điểm đội chủ nhà đang bị dẫn 0-1, nếu hưởng 11m thì kết quả trận đấu có thể về vạch xuất phát. Nhưng trọng tài bất ngờ nhận định Quang Nho ăn vạ nên phạt thẻ vàng.
Khán giả sân Pleiku cũng nhiều lần la ó trọng tài vì có các lần cắt còi mà theo họ, là mang lại lợi thế cho đội khách, còn cầu thủ HAGL bị ức chế.
Rõ ràng, sự thay đổi trọng tài đã mang đến điều không hay khi ông Bình bị chính người hâm mộ phản ứng.
Không phải bây giờ câu chuyện HAGL gặp Hà Nội thì "ám ảnh" trọng tài. Năm 2018, HAGL bị đá văng khỏi Cúp quốc gia sau khi hòa Hà Nội FC 1-1 ở trận lượt về. Đáng nói, hai lần trọng tài bắt việt vị đều sai, thậm chí sai khó tin để "cướp" đi cơ hội ghi bàn mười mươi của Văn Toàn trước khung thành đội bóng Thủ đô.
2. Thực tế, không chỉ có HAGL mà một đội bóng khác là TPHCM cũng ngao ngán trọng tài trong các lần gặp Hà Nội FC. Họ sợ đến mức gọi điện trực tiếp yêu cầu Trưởng ban trọng tài VFF - Dương Văn Hiền hãy cử trọng tài giỏi điều khiển trận lượt đi V.League 2020.
Vì sao xảy ra chuyện lạ lùng như thế, đến lãnh đạo CLB phải gọi điện để yêu cầu cử trọng tài giỏi điều hành?
Câu trả lời là họ sợ bị o ép, bị thiên vị, bị ức chế, vì mỗi lần gặp Hà Nội FC thì TPHCM thường xuyên rơi vào cảnh thua thiệt bởi các quyết định của trọng tài.
Kết cục, TPHCM mất trắng quả phạt đền trong thời điểm trận đấu đang hòa 0-0. Hai lần bóng chạm tay cầu thủ đội khách, cầu thủ TPHCM đều vây trọng tài đòi phạt đền, đáp lại cầu thủ nào phản ứng mạnh mẽ sẽ "ăn" thẻ vàng. Ức chế, đá trong tâm lý không tốt, TPHCM thua 3 bàn trong hiệp 2.
Đáng nói là TPHCM cũng như HAGL, sân nhà hay sân khách đều thua thiệt, ức chế bởi tiếng còi của trọng tài. Và họ thắc mắc, phản ứng thì câu trả lời quen thuộc được đưa ra: Đó là nhận định của trọng tài. Nhưng nghịch lý khó hiểu là mỗi lần nhận định thì phần lợi đều thuộc về đội bóng của bầu Hiển?
3. Nếu xảy 1 đến 2 lần thì người hâm mộ, lãnh đạo CLB và cầu thủ có thể chấp nhận chuyện sai sót, hay lỗi nhận định của trọng tài. Nhưng chuyện cứ lặp đi lặp lại thì cần phải nhìn sòng phẳng. Tại sao những đội bóng như TPHCM, HAGL đá với Hà Nội FC thì thường thua thiệt vì tiếng còi của các trọng tài?
Ví dụ mùa này, TPHCM và HAGL đều đá trên sân nhà với Hà Nội FC, đều cùng bị ức chế vì trọng tài, trong có những tình huống họ cho rằng xứng đáng được hưởng 11m thì trọng tài đều nhận định có lợi cho đội khách.
Một trận đấu giữa hai đội bóng mạnh, chỉ cần một quyết định của trọng tài có thể khiến mọi thứ thay đổi. Điển hình là phạt đền hay không, bởi điều này dẫn đến bàn thắng. Một pha thoát xuống đối mặt thủ môn không việt vị, nhưng trọng tài cắt còi thì coi như "cướp" đi một cơ hội mười mươi để cầu thủ ghi bàn... Thế nên, trọng tài được gọi là "vua sân cỏ", là người có thể quyết định thành bại cả trận đấu.
Chẳng lẽ bóng đá Việt Nam bất lực trước những tiếng chửi, phản ứng trên khán đài của khán giả dành cho trọng tài? Vì đó là dấu hiệu của sự mất niềm tin, nó cũng giống câu chuyện CLB TPHCM yêu cầu thay Trưởng ban trọng tài, hay bầu Đức từng ngán ngẩm nói "5 đánh 1".
Đừng để bóng đá Việt Nam có thêm định kiến khác kiểu như đá bóng có "vua bảo kê"!
Văn Nhân
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/ky-la-tu-tphcm-den-hagl-da-voi-ha-noi-deu-gap-bat-loi-vi-trong-tai-a4844.html