Nhiều di tích đang “kêu cứu” vì bị hư hỏng…
Mới đây, dư luận xôn xao khi đình - chùa Lũ Yên (xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang đứng trước nguy cơ có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhiều người xót xa bởi công trình này được ví như như một pho sử quý, từng được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng Di tích năm 2006. Người dân sống quanh di tích cho biết: Kể từ khi được xếp hạng, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, một vài hạng mục chính của di tích đã bị đổ sập.
Theo đó, rDi tích này đang lưu giữ một khối lượng tư liệu Hán Nôm quý giá mà nhiều nơi không còn lưu giữ được, bao gồm: 10 bia, 1 khánh đá, 4 đạo sắc phong, 1 bản thần tích - thần sắc, 3 câu đối. Đặc biệt, còn lưu lại những bia đá được dựng từ thời Lê Vĩnh Thịnh năm Tân Mão (1711). Ngoài ra tại đây còn nhiều bia đá khác ghi nhớ những cá nhân đã công đức, tôn tạo lại chùa trong giai đoạn từ năm 1819 đến năm 1831. Cũng tại quần thể di tích Đình - chùa Lũ Yên hiện đang lưu giữ tư liệu 3 đạo sắc phong triều vua Khải Định về việc thờ phụng các vị thần đã có công cho đất nước, che chở cho nhân dân. Đồng thời, lưu trữ nhiều câu đối với nội dung ca ngợi đạo Phật và cầu mong cho đất nước thanh bình.
Người dân địa phương cho biết: Do ảnh hưởng của mưa bão khiến cho một phần tường của chùa bị đổ sập từ năm 2018. Có những cột kèo đã mục gãy, với cấu trúc yếu ớt đã khiến mái chùa siêu vẹo. Theo thời gian, di tích ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Mái chùa thủng nhiều mảng lớn, khi trời mưa bão, nước mưa dột từ nóc dột xuống, thấm vào hệ thống kết cấu gỗ khiến cột, hoành, dui mè bị nước thấm vào gây ẩm mốc, mục nát, các cột chống cũng bị bở bục. Thậm chí người dân phải dùng những cây tre, cây bạch đàn tạm bợ để chống đỡ, cố gắng giữ gìn những phần còn lại của ngôi chùa.
Thế nhưng, Di tích này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền quan tâm, tôn tạo. Đến nỗi, người dân phải đặt cảnh báo ở cửa Di tích “khu vực cấm, cấm vào” để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho hay: “Hiện ở Thái Nguyên có 900 công trình được xếp hạng Di tích, các công trình này được phân công cho các địa phương là xã và huyện quản lý. Việc tu tạo những di tích này là có nhưng vẫn phải ưu tiên cho các Di tích cấp Quốc gia xong mới đến các Di tích do tỉnh công nhận. Nhiều năm nay chúng tôi có kêu gọi việc tu bổ các Di tích này bằng nguồn xã hội hoá. Kinh phí những Di tích như đình Lũ Yên là do UBND tỉnh rót về, chứ chúng tôi không tự quyết được. Nếu công trình xuống cấp các cấp quản lý gần nhất là xã và huyện báo cáo lên trên để chúng tôi nắm được và có cách xử lý tiếp theo”.
Thời gian gần đây, không chỉ những Di sản được UBND các tỉnh quản lý bị xuống cấp mà nhiều Di sản mang tầm Quốc gia cũng có tình trạng “cha chung không ai khóc” và bị xâm hại rất nhiều.
Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước, mà còn là địa phương có gần 6000 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Đó là hệ thống đình, đền, chùa, miếu, am, quán, hội quán, nhà thờ họ, phố cổ, làng nghề… Trong đó, có 1 di sản văn hóa thế giới, 12 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng.
Theo đánh giá của GS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/8 tổng số di sản của cả nước, trong đó có nhiều Di sản cấp Quốc gia, quốc tế. Điều đó chứng minh rõ ràng Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa di sản văn hóa của cả nước. Trước dòng chảy thời gian, nhiều di tích bị xuống cấp, thậm chí bị đốn hạ bởi con người. Trong khi đó công tác quản lý, tu bổ còn nhiều bất cập. Có thực tế đáng buồn là dù hội tụ nhiều di tích, song lại chưa đủ lực để gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
“Nhiều năm qua, các Di sản, các công trình văn hoá đang “kêu cứu” vì xuống cấp khiến nhiều người xót xa. Thực tế là những Di tích cấp xã, quận, huyện không có kinh phí sửa chữa hoặc chỉ sửa chữa được một phần nên sinh ra chuyện chắp vá, làm mới và phá hỏng di tích. Không ít di tích bị lấn chiếm, bị thu hẹp không gian. Để tôn tạo những Di sản này, cần có những đánh giá khách quan, đầy đủ để các công trình văn hoá này được giữ được nét cổ kinh, hoài niệm như ban đầu, không bị làm sai lệch các chi tiết quý, mang ý nghĩa lịch sử” – GS. Tiêu cho hay.
Bộ Văn hoá nói gì trước sự xuống cấp của Di tích?
Cách đây 8 năm, sự việc tại chùa Trăm Gian tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội khiến nhiều người bức xúc. Chùa Trăm Gian là Di tích quốc gia được xây dựng từ thời Lý, vốn rất nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo. Sau thời gian xuống cấp, nhà chùa tự ý hạ giải và thi công Nhà Tổ, Gác Khánh và có sự xâm hại Di tích khá nghiêm trọng. Tại thời điểm đó, nhà sư trụ trì Thích Đàm Thanh cho biết: “Nhà chùa đã kêu cứu nhiều năm nhưng không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều. Nếu chờ thì không biết chờ đến bao giờ”.
Những thiếu sót này đã được các đơn vị nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm cùng với Hội đồng kỷ luật của Sở. Bên cạnh đó, sở VHTT&DL Hà Nội đã kiểm điểm trách nhiệm của Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Trưởng ban Quản lý dự án và Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực Di sản của Sở. Tại thời điểm đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, sở VH,TT&DL HN đã đình chỉ thi công, kiểm kê, phân loại các cấu kiện sau hạ giải, thành lập Hội đồng tư vấn xin ý kiến về phương án tu bổ, phục hồi di tích, mời Viện Bảo tồn di tích xây dựng phương án tu bổ phục hồi nhà Tổ, gác Khánh và bậc thềm đá trước sân Tiền đường. Sau nhiều lần kiểm kê cấu kiện, họp bàn, lấy ý kiến của các nhà chuyên môn, Viện Bảo tồn di tích, Hội đồng tư vấn đã đưa ra phương án phục dựng 3 hạng mục đã bị hạ giải này.
Sự việc này khiến cho nhiều người thắc mắc, vậy cơ quan chức năng ở đâu khi các Di tích đang “kêu cứu” như vậy?
Chia sẻ với PV, đại diện Thanh tra bộ VH,TT&DL cho hay: “Việc tu bổ các Di sản văn hoá được phân về các địa phương, tỉnh nào có Di tích thì tỉnh đó chịu trách nhiệm tu bổ. Thanh tra bộ VH,TT&DL có trách nhiệm kiểm định hồ sơ khi địa phương gửi lên, nếu Di tích đó không đạt Di tích cấp Quốc gia thì trả lại. Còn các di tích thuộc tỉnh/Tp, tỉnh/Tp đó phải chịu trách nhiệm kể cả việc chịu trách nhiệm làm hồ sơ công nhận Di sản”.
Đinh Lạc Thành
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/cac-di-tich-van-hoa-xuong-cap-nghiem-trong-cha-chung-khong-ai-khoc-a4873.html