Quyền con người
“Quyền con người”, “quyền được sống” của đồng bào miền Trung được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 có bị ảnh hưởng nếu áp dụng Nghị Định 64/2008/NĐ-CP được ban hành cách đây 12 năm.
Sau gần 2 tuần kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, ca sĩ Thủy Tiên đã vận động được hơn 100 tỷ đồng và hàng loạt các cá nhân, tổ chức khác cũng vận động được số tiền ủng hộ rất lớn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trên mạng xã hội lo ngại do thiếu hụt các quy định của pháp luật nên hành động thiện nguyện của ca sỹ Thuỷ Tiên và nhiều cá nhân khác sẽ bị rơi vào hoàn cảnh éo le là “vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Qua tìm hiểu thấy nội dung Nghị định này có một số hạn chế nếu chỉ xét theo "tên nghị định" và chỉ xem xét "cục bộ" tại Điều 5 của Nghị định.
Điều 5 của Nghị định quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính Nhà nước (sau, được liệt kê trong Nghị định) mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ; quy định này được đưa ra cách đây 12 năm nên không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Nếu xét theo Điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các cá nhân, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, nhất là trong tình hình khẩn cấp như hiện nay đều không thực hiện được.
Vậy có khung pháp lý nào bảo hộ cho những hoạt động thiện nguyện, cứu trợ cho đồng bào Miền trung trong cơn nguy cấp hiện nay mà tiêu biểu là ca sĩ Thủy Tiên hay không?
Hay nói chính xác là có khung pháp lý nào bảo vệ cho “Quyền được sống” của đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai và lũ lụt?
Xét tổng thể các quy định của pháp luật Việt Nam từ Hiến pháp năm 2013 đến Bộ luật Dân Sự 2015; đường lối của Đảng và Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thì:
“Hành động thiện nguyện của các nghệ sĩ, hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín đang làm công tác thiện nguyện cứu trợ đồng bào miền Trung là hoàn toàn đúng luật, được pháp luật bảo hộ và được Đảng và Nhà nước ủng hộ”; dựa trên các cơ sở sau đây:
A-CĂN CỨ VÀO HIẾN PHÁP NĂM 2013 VÀ THEO TƯ TƯỞNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Trong hệ thống pháp luật quốc gia, Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã quy định tại Điều 19 về “Quyền con người”, cụ thể như sau: Điều 19 “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Đây thực chất là sự hiến pháp hóa quan điểm của Đảng về quyền con người “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định” (trích nguồn: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia. HN 2011. Tr. 85).
Khoản 1, Điều 20 của Hiến Pháp 2013 ghi nhận: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Điều 34 của Hiến Pháp 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Điều 38 của Hiến Pháp 2013 ghi nhận:
“1. Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.
Trong lúc này, tính mạng của đồng bào miền Trung trong tâm lũ đang bị đe doạ bởi lũ lụt, bởi thiên tai; đồng bào miền Trung có “quyền sống”, "quyền được sống", "có quyền được bảo vệ tính mạng và sức khoẻ", và có quyền được nhận sự giúp đỡ của đồng bào mình “để được sống” như quy định của Hiến Pháp năm 2013.
Nếu hiểu và vận dụng không đúng Nghị định 64/2008/NĐ-CP, một văn bản dưới luật ban hành cách đây 12 năm để hạn chế các hoạt động thiện nguyện trong thời điểm và hoàn cảnh này là đang tước đi “quyền được sống của công dân Việt Nam mà cụ thể là đồng bào miền Trung” trong hoàn cảnh đang bị thiên tai đe doạ tính mạng; là hành vi vi hiến, đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng và Nhà nước. (xem phân tích Nghị định 64/2008/NĐ-CP tại phần dưới).
Khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Như thế, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ đề cao “quyền sống” trên các quyền cơ bản của con người và mở rộng hơn khi nhấn mạnh rằng mọi dân tộc, mọi con người đều có quyền sống. Và như vậy, một Nhà nước vì con người trước hết phải bảo đảm quyền sống của mọi công dân.
Xét trên tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền Việt Nam là tư tưởng thống nhất, hài hòa và biện chứng giữa “Đức trị” và “Pháp trị”.
Người nhận rõ: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức”, trong đó “Pháp trị” nghiêm khắc, công minh và “Đức trị” bao dung, thấu tình đạt lý; chúng không loại trừ mà thống nhất, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
Trong Quốc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ngày 26/01/1946 nêu rõ ràng 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm.
Trong 10 điều khen thưởng có: Điều 2: “Ai lập được quân công sẽ được thưởng”; Điều 3: “Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng”; Điều 5: “Ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng”; Điều 6: “Ai làm việc gì có lợi cho Nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng”; Điều 9: “Ai liều mình về việc công sẽ được thưởng”.
Ngay chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước nạn đói trầm trọng năm 1945, trên tinh thần nhường cơm sẻ áo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và bản thân Người cũng gương mẫu thực hiện trước: "Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".
Như vậy hành động thiện nguyện vì đồng bào miền Trung thân yêu của các cá nhân tại thời điểm này là đáng thưởng; là đúng với Hiến pháp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
B- CĂN CỨ VÀO QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT, BẢN CHẤT CỦA VIỆC KÊU GỌI ỦNG HỘ THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP 2013 VÀ BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 (BLDS 2015)
Xét trên góc độ về quyền sở hữu tài sản, về bản chất của việc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt thì đây là một loại giao dịch dân sự “giữa một bên thực hiện việc: tặng, cho – và một bên đồng ý nhận”, là quan hệ pháp luật dân sự được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.
Còn những cá nhân thực hiện việc quyên góp được mọi người tin tưởng gửi tiền, quà, nhu yếu phẩm để chuyển đến tận tay những người đang gặp khó khăn chính là đang thực hiện việc uỷ quyền và nhận uỷ quyền theo Điều 138 BLDS 2015. Cụ thể:
Quyền sở hữu được ghi nhận tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013:
“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.”
Các quyền sở hữu, định đoạt, quan hệ pháp luật dân sự được Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận:
Điều 7. Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự
“1. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.”
Điều 33. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể.
“1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.”
Điều 160. Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản:
“2. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
Điều 171. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết
“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.”
Điều 192. Quyền định đoạt
“Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”.
Điều 193. Điều kiện thực hiện quyền định đoạt
“Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.”
Điều 194. Quyền định đoạt của chủ sở hữu
“Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.”
Như vậy, việc quyên góp của các cá nhân để cứu trợ cho đồng bào miền Trung là hoàn toàn đúng, không vi phạm đạo đức xã hội, không vi phạm pháp luật và được pháp luật bảo hộ.
C-CĂN CỨ VÀO VĂN BẢN DƯỚI LUẬT (nỗi oan của Nghị Định 64/2008/NĐ-CP)
Nghị định 64/2008/NĐ-CP được ban hành dựa trên các căn cứ là: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Ngân sách Nhà nước.
Như vậy, Nghị định này triển khai một số quy định về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc các cấp, một số quy định hoạt động của ngân sách nhà nước.
Trong các căn cứ ban hành Nghị định 64/2008/NĐ-CP này không có căn cứ vào bất kỳ Bộ luật, Luật nào có quy định về hoạt động tự nguyện đóng góp, cứu trợ tự phát của công dân.
Cho nên, Nghị định này chỉ áp dụng với các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao cùng với Mặt trận Tổ quốc các cấp, được hoạt động hoặc hỗ trợ hoạt động bằng ngân sách Nhà nước thì mới là đối tượng điều chỉnh của nghị định này.
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định:
"1. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
2. Việc tổ chức vận động đóng góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân.
Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng.
3. Việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện."
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP: “Nghiêm cấm cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ”.
Điều này cũng có nghĩa là các tổ chức, cá nhân được tự mình lựa chọn nơi gửi tiền, quà, nhu yếu phẩm để ủng hộ, tham gia hoạt động cứu trợ.
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư 72/2008/BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/CP, có quy định: “Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân, các đối tượng bảo trợ xã hội cần sự giúp đỡ thì Ban Cứu trợ có trách nhiệm hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân đó chuyển trực tiếp số tiền, hàng cứu trợ đến các đối tượng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân cứu trợ.”.
Từ tất cả các căn cứ pháp lý đã nêu, chúng ta thấy rằng hoạt động kêu gọi đóng góp ủng hộ cho đồng bào miền Trung và hành động đến tận nơi trao quà không bị pháp luật cấm.
Các hoạt động vì cộng đồng này hoàn toàn đúng luật, được Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 bảo hộ. Phù hợp với đạo đức, văn hoá, tính nhân văn của dân tộc Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp cho những người đang trên "tuyến đầu thiện nguyện để hỗ trợ, cứu giúp đồng bào miền Trung thân yêu" có thể yên tâm và vững tin vì hành động thiện nguyện này được pháp luật ghi nhận, không trái pháp luật, không trái với đạo đức và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, với đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Luật sư Đào Xuân Sơn - Công ty Luật TNHH Justiva Law
T Tùng
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/co-so-phap-ly-nao-bao-ve-nhung-nguoi-dang-van-dong-dong-gop-cuu-tro-a5057.html