Đạo diễn Ngọc Duyên: Với nghề, chỉ cần yêu là được

Là nữ đạo diễn duy nhất tham gia cuộc thi Kịch cùng Bolero 2017 và giành ngôi vị quán quân, đạo diễn Ngọc Duyên cho rằng chỉ cần yêu nghề thì cứ dấn thân, không cần quá câu nệ.

Người đạo diễn phải dẫn dắt cả đoàn tàu

Chào chị, từ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn có gì khác khi học đạo diễn ngay từ đầu hay không?

Thật ra, học nghề đạo diễn ngay từ đầu vẫn là con đường đúng. Còn khi từ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn, bạn sẽ có lợi thế biết diễn xuất, phân tích tâm lý nhân vật sẽ sâu sát hơn. Bởi vì thói quen của người diễn viên là luôn phải biết phân tích nhân vật của mình nên khi chuyển sang làm đạo diễn, ngoài góc nhìn tổng quan thì bạn sẽ có thêm góc nhìn của từng nhân vật cho tác phẩm thêm logic.

Như vậy, khi chuyển sang làm đạo diễn, vai trò của mình sẽ nặng nề hơn người diễn viên?

Đúng vậy. Diễn viên chỉ có bổn phận với vai diễn của họ. Họ làm sao để hoàn thành là xong. Còn đạo diễn phải dẫn dắt cả đoàn tàu, trách nhiệm nặng nề hơn rất nhiều. Mỗi khi dựng vở, mình cũng không muốn phải gào thét, không ai muốn như vậy đâu. Nhưng công việc đạo diễn buộc mình phải nói lớn tiếng. Đứng trước tập thể mà nói lí nhí thì ai nghe được. Phải nói lớn, rõ ràng, trình bày mạch lạc thì mọi người mới hiểu và phối hợp với mình được chứ.

Theo chị, người đạo diễn được học từ trường lớp và thực tế tại các sân khấu có khác nhau không?

Nghệ thuật thì vẫn là nghề dạy nghề thôi. Mình học ở sân khấu hay trường lớp thì cũng do các thầy các cô hướng dẫn, kiến thức từ kinh nghiệm thực tế của các thầy cô truyền đạt trên lớp hay tại sân khấu cũng giống nhau cả. Quan trọng là ở người học thôi. Còn nếu nói học tại sân khấu nhanh hơn ở trường lớp thì chưa chắc. Học tại sân khấu thì được tiếp cận thực tế nhanh hơn nhưng cũng cần được hướng dẫn bài bản thì mới tốt được.

Không muốn đóng khung bản thân

Nhìn lại các vở của chị trong chương trình Kịch cùng Bolero, nhiều khán giả cho rằng màu sắc đạo diễn của chị khá giống với thầy cô mình tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Điều đó có đúng không? Và liệu chị có theo đuổi phong cách này lâu dài hay không?

Tôi là học trò của thầy cô nên việc học hỏi, kế thừa những cái hay, cái đẹp từ thầy cô là chuyện đương nhiên. Đó là nền tảng mà tôi đã có. Tôi vẫn chưa xác định hay đóng khung phong cách của mình. Với nghệ thuật, tôi vẫn mở cửa chào đón điều mới lạ. Không nhất thiết là hài kịch, bi kịch, chính kịch…, chỉ cần kịch bản hay và cảm thấy hợp ý thì tôi sẽ nhận. Tôi luôn mong muốn tìm thấy được nhiều màu sắc mới hơn cho tác phẩm của mình.

Với đánh giá dành cho một vở diễn, người đạo diễn luôn phải đối mặt với chuyện khen – chê. Vậy, chị tiếp nhận những phản hồi chê bai mình ra sao?

Đã làm nghệ thuật thì chuyện lời khen tiếng chê là phải có. Nhưng không phải vì vậy mà mình nản lòng. Khi nhận được góp ý, đánh giá, tôi luôn nhắc nhở mình phải bình tĩnh, phải tỉnh táo để xem xét điều đó đúng hay sai. Nếu đúng thì mình tiếp thu. Còn nếu thấy chưa hợp lý thì thôi, mỗi người mỗi ý mà.

Xuất thân từ một diễn viên vậy khi làm việc với các diễn viên khác cho vở diễn của mình, chị mong đợi điều gì?

Thật ra, tìm được những bạn nhiệt tâm, yêu sân khấu, yêu vai diễn và chịu khó đồng hành cùng với cả ê-kíp là đáng quý lắm. Điều nữa là tôi cũng mong các bạn có tư duy tốt. Tôi luôn sẵn sàng đón nhận phản biện từ diễn viên. Trên sàn tập, các bạn diễn viên cứ thoải mái ý kiến và phản hồi. Chúng tôi thậm chí có thể tranh luận rất nhiều nhưng đến cuối cùng thì phải tìm được điểm chung, tìm được phương án tốt nhất cho vở diễn. Đó mới là làm nghệ thuật.

Ngọc Duyên đăng quang quán quân cuộc thi Kịch cùng Bolero 2017.

Nữ đạo diễn cũng phải mạnh mẽ, quyết đoán

Đối với chị, điều khác biệt giữa người nữ đạo diễn với các nam đạo diễn là gì?

Với tôi, cực khổ của nữ đạo diễn có lẽ chỉ là thể chất mà thôi. Có thể sức khỏe chúng tôi không so được với các bạn nam nhưng tinh thần làm việc thì vẫn hết mình. Bên cạnh đó, là phụ nữ nên cảm xúc của chúng tôi dạt dào hơn, mềm mại hơn. Còn các bạn nam thì có lập luận cứng rắn hơn, lý trí hơn. Nhưng điều khác biệt đó chỉ là thoáng qua. Bởi lẽ khi bước vào công việc này, dù nam hay nữ thì bạn cũng phải làm việc dựa trên logic, lý trí. Dù là nữ nhưng đã làm đạo diễn thì cũng phải có sự mạnh mẽ, quyết đoán và cái nhìn bao quát của đàn ông. Sau đó, ở những điểm diễn, điểm nút thì chúng tôi mới thêm vào những cảm xúc nhạy cảm của mình vào.

NSUT Trần Minh Ngọc từng nói các nữ đạo diễn có thế mạnh là chịu khó đọc tác phẩm văn học nên tác phẩm trên sân khấu có chiều sâu hơn. Điều này có đúng với chị hay không?

Tôi nghĩ là đúng. Tôi đọc khá nhiều và đa dạng các thể loại. Văn học giúp tôi có sự tìm hiểu tâm lý, cách diễn đạt tốt hơn. Nhiều tác phẩm còn đem đến cho tôi những hình dung về bối cảnh, tình huống, thậm chí là ý tưởng mới.

Nếu có người nói những vở của nữ đạo diễn chỉ dành cho nữ khán giả thì chị cảm thấy ra sao?

Tôi không biết cảm nhận này là từ đâu nhưng có nhiều anh khán giả phản hồi với tôi là họ rất cảm động. Có thể họ không khóc nhưng họ cảm nhận được thông điệp mà tác phẩm của tôi gửi đến họ. Điều đó chứng tỏ cảm xúc với nghệ thuật không có phân biệt nào cả. Tôi từng nói, tôi là phụ nữ nhưng tôi cũng phải đặt tôi vào hoàn cảnh của người đàn ông và có cách hành xử như đàn ông. Tác phẩm của tôi dành cho tất cả mọi người.

Yêu nghề thì cứ dấn thân

Được biết chị đã có một con gái nhỏ. Chị có dự định cho con gái theo nghề diễn hay không?

Trước giờ đã có nhiều lời mời dành cho con gái của tôi. Mời đóng kịch cũng có, đóng phim cũng có nhưng tôi ngại cho con mình tham gia. Tôi muốn con tập trung vào việc học trước khi nghĩ đến tương lai xa hơn. Tôi từng nhiều lần trao đổi thẳng thắng với con gái. Tôi hỏi con có thích hay không. Nếu con thích thì tôi ủng hộ. Tôi còn nói, khi nào con trưởng thành, nếu con thích nghề của mẹ thì cứ theo đuổi, nếu không cũng không sao. Tôi tôn trọng quyết định của con gái mình.

Với cảm xúc của người mẹ, chắc hẳn khi làm việc với các diễn viên nhí, cảm xúc của chị sẽ khá đặc biệt?

Tôi thấy các em vừa đi học vừa đi diễn vất vả nên rất thương. Các em phải chịu nhiều áp lực từ việc học, rồi phải nhớ lời thoại, đôi lúc còn bị phụ huynh la rầy nữa. Vì vậy, khi làm việc với các em, tôi luôn cố gắng mềm mỏng, dịu dàng để các em cảm thấy được chia sẻ. Mình thường bảo với các em là cô biết con mệt lắm, con ăn uống nghỉ ngơi một lát đi rồi tập tiếp nha. Với trẻ nhỏ, mình phải từ từ, dịu ngọt.

Chị có nhắn nhủ gì với các bạn nữ muốn theo nghề đạo diễn hay không?

Tôi phải nói với các bạn rằng, là nữ mà làm đạo diễn thì thứ nhất là mất thời gian lắm. Thời gian dành cho người thân, bạn bè, thậm chí dành cho bản thân cũng phải hy sinh nhiều lắm. Mình phải cực hơn, lo lắng nhiều thứ hơn, chịu đựng thiệt thòi và vất vả hơn. Tất cả các khâu nào là diễn viên, kịch bản, cảnh trí, phục trang, âm thanh,… mình đều phải làm, phải đôn đốc mọi người nên mình phải có sức khỏe tốt. Và chắc chắn chuyện bị mất ngủ là thường xuyên. Nhưng khi hoàn thành vở diễn thì hạnh phúc lắm. Nên tôi muốn nói với các bạn trẻ, nếu các bạn yêu nghề thì cứ dấn thân, cứ làm. Nghề này không phân biệt nam nữ, chỉ cần yêu là làm được.

Trưởng thành từ sân khấu Hoàng Thái Thanh

Sinh năm 1982, Ngọc Duyên mong muốn theo nghề đạo diễn với lớp dự thính tại Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM vào năm 2001. Năm sau, trường Sân khấu điện ảnh không có lớp đạo diễn nên cô theo học lớp diễn viên do thầy Thành Hội chủ nhiệm.

Sau khi ra trường, Ngọc Duyên diễn tại sân khấu 5B, sân khấu Idecaf rồi theo thầy Thành Hội, cô Ái Như về sân khấu Hoàng Thái Thanh. Từ đó, cô học hỏi dần dần và theo nghề đạo diễn với nhiều vở như Chú kiến lạc loài, Tình nhân đến với tình nhân,…

Hà Nhân

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/dao-dien-ngoc-duyen-voi-nghe-chi-can-yeu-la-duoc-a5139.html