Bỏ giảng đường đại học, cô gái trẻ trở thành triệu phú nhờ chăn nuôi gia cầm

Đang là sinh viên năm 3 trường đại học nhưng Huyền đã có một quyết định táo bạo, bảo lưu kết quả học tập về thực hiện mô hình chăn nuôi. Từ khoản vay vốn hộ nghèo 5 triệu đồng, cô gái trẻ đầu tư vào mô hình chăn nuôi. Sau 8 năm, Huyền đã phát triển nhiều mô hình như nuôi chim trĩ, vịt trời, nuôi gà lấy trứng… Đến nay, cô gái trẻ thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Gặp Nguyễn Thị Huyền (SN 1988, ngụ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một cô bé nhỏ nhắn nhưng vô cùng lanh lợi, hoạt bát và đầy ý chí. Huyền phấn khởi cho hay, cô vừa triển khai mô hình nuôi gà lấy trứng khép kín, cho nhiều hộ dân và rất nhiều hộ tham gia và đã thành công thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ vậy, Huyền còn là đầu mối tiêu thụ gia cầm cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài huyện. Mặc dù là một chủ vựa gia cầm lớn ở huyện ở huyện Cư M’gar nhưng cô gái trẻ này vẫn sống một cách giản dị, mộc mạc và chất phác. Hàng ngày, Huyền vẫn thường xuyên đến thăm, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ triển khai mô hình của mình nhằm đáp ứng chăm sóc gia cầm tốt và đảm bảo tiêu chuẩn thị trường cần.

Theo chia sẻ của Huyền, để có thành công như ngày hôm nay là một quá trình phấn đấu, học tập, làm việc không mệt mỏi gần 10 năm ròng rã. Sinh ra trong một gia đình bần nông, không may bố mất sớm nên kinh tế gia đình Huyền gặp nhiều khó khăn. Đất đai, ruộng vườn ít, mẹ Huyền phải làm thuê đủ mọi việc để lo cho chị em Huyền ăn học. Năm 2006, Huyền đậu đại học ngành Trung Quốc học tại trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh).

Huyền đã có một quyết định táo bạo nhưng đúng đắn.

Ngày bước chân vào giảng đường, Huyền đã nuôi hy vọng cố gắng phấn đấu thành tài có một công việc ổn định để chăm sóc mẹ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, mẹ Huyền thường xuyên đau ốm, mất sức lao động. Trong thời gian học ở trường, Huyền thường xuyên tìm hiểu các mô hình chăn nuôi của những nông dân giỏi và học hỏi được nhiều thứ nên năm 2009 mặc dù đang học năm thứ 3 nhưng cô gái trẻ này đã có quyết định bảo lưu kết quả học tập về quê lập nghiệp.

Không có vốn trong tay, Huyền nhờ mẹ đứng ra vay 5 triệu đồng từ khoản vay vốn hộ nghèo để làm chuồng nuôi 1 con heo. Sau 3 tháng nuôi, Huyền bán được 3,8 triệu đồng. Thấy nuôi heo có hiệu quả, Huyền quyết định tăng dần đàn heo đến 25 con. Thấy mô hình chăn nuôi heo đã cho thu nhập, góp phần trang trải được kinh tế cho gia đình, Huyền giao cho mẹ ở nhà chăm và trở lại giảng đường đại học. Mặc dù miệt mài đèn sách ở trường nhưng trong tư tưởng Huyền vẫn mơ ước lập nghiệp bằng nghề trên chính quê hương mình.

Không ngừng nỗ lực trong học tập, Huyền là sinh viên ưu tú của trường nhiều năm liền. Trong lần tham gia chuyến tham quan thủ đô dành cho các sinh viên tiêu biểu dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Huyền thấy một hộ dân nuôi chim trĩ để phục vụ thú chơi chim cảnh. Nhận thấy loại vật này đẹp, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư rẻ, Huyền đã mày mò tìm hiểu. Sau khi về trường, Huyền đã tìm đến các trang trại ở nhiều nơi để tìm hiểu thực tiễn kinh nghiệm chăm sóc loại chim này. Thấy đây là mô hình có hướng mang lại nguồn lợi lớn và nhiều trang trại đã thành công nên Huyền quyết định một lần nữa bảo lưu kết quả học tập trở về quê hương thực hiện ước mơ xây dựng kinh tế trang trại VAC (vườn – ao – chuồng).

Thành công từ sự cố gắng

Trước quyết định táo bạo này, Huyền đã nhận rất nhiều sự can ngăn, phản đối quyết liệt từ phía gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, cô gái trẻ này vẫn bất chấp, đầu tư vào mơ ước của mình. Huyền quyết định bán hết đàn heo của gia đình rồi thuê 1ha đất rẫy với giá 12 triệu đồng/năm để xây dựng trang trại nuôi chim trĩ. Do vốn ít nên Huyền chỉ xây một trang trại nhỏ vầ đầu tư nuôi thử nghiệm 200 con chim trĩ đỏ khoang cổ. Chín tháng sau, đàn chim trĩ của huyền phát triển tốt, liên tục sinh sản lên đến hàng trăm con. Lúc này, Huyền lựa chọn 100 con chim mái để đẻ trứng để nhân rộng mô hình, số còn lại cô bán đi để đầu tư chuồng trại.

Nguyễn Thị Huyền thành công với các mô hình chăn nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải là chim trĩ chưa được thị trường ở Đắk Lắk tiêu thụ nhiều. Do đó, vấn đề giải quyết đầu ra cho nguồn hàng khiến Huyền gặp nhiều khó khăn. “Thời điểm ấy, chim trĩ của trang trại em số lượng rất lớn, tuy nhiên thị trường ở Đắk Lắk vẫn chưa biết nhiều về loại chim này vẫn chưa tiêu thụ mạnh. Khi đó, hàng ngày em phải tay xách, nách mang, chở từng con chim trĩ đến từng nhà hàng từ trong tỉnh cho đến ngoài tỉnh để giới thiệu, chào hàng. Nhiều tháng ròng rã, tiếp cận các thị trường, thực phẩm chim trĩ đã dần được nhiều người biết đến nên nhiều đơn vị, nhà hàng… đặt hàng với số lượng lớn. Từ đó, trang trại tôi bắt đầu thuận lợi”, Huyền kể lại.

Theo Huyền, trang trại cô trung bình nuôi khoảng 14.000 con chim trĩ. Từ việc cung ứng ra thị trường và cung cấp làm thực phẩm, con giống, mỗi năm trang trại của Huyền thu về gần 1 tỷ đồng. Tiếp cận được thị trường tiêu thụ tốt, Huyền triển khai nhân rộng mô hình nuôi chim trĩ cho nhiều người dân trong khu vực. Nhiều người dân tìm đến Huyền để học hỏi, cô gái trẻ này đều nhiệt tình truyền đạt các kinh nghiệm chăm sóc và tạo điều kiện đầu ra sản phẩm cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, có hàng chục người dân ở địa phương đã thành công trong mô hình nuôi chim trĩ, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng từ mô hình này.

Không chỉ vậy, từ mô hình nuôi chim trĩ, Huyền còn mở rộng ra các mô hình chăn nuôi vịt trời, nuôi gà thả vườn, nuôi gà sạch lấy trứng… Những mô hình này đều được Huyền đi tiên phong ở địa phương và đạt được nhiều lợi nhuận. Thấy các mô hình triển khai khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập tốt, Huyền đã chuyển giao cho các hộ dân trong vùng chăn nuôi và kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, mô hình nuôi gà sạch lấy trứng của Huyền đã được rất nhiều hộ dân tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Huyền, cô sẽ là người đứng ra ký hợp đồng với các hộ dân hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm từ mô hình nuôi gà sạch lấy trứng được Huyền thu mua lại với giá cao hơn thị trường rất nhiều. “Với mô hình chăn nuôi gà sạch lấy trứng các hộ dân chỉ bỏ kinh phí ban đầu để đầu tư chuồng trại và mua con giống. Chỉ cần 6 tháng chăn nuôi, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật của mô hình người dân có thể thu lại tiền vốn ban đầu và những tháng sau đó người dân sẽ có lãi…”, Huyền chia sẻ.

Thanh niên ưu tú của địa phương

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Phú nhận xét: “Huyền là một trong những thanh niên ưu tú của địa phương thực hiện thành công mô hình chăn nuôi gia cầm. Không chỉ phát triển theo hướng tư nhân, Huyền đã chuyển giao các mô hình chăn nuôi cho nhiều hộ dân địa phương góp phần tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh kinh tế địa phương. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng Huyền là một nông dân sản xuất giỏi, rất táo bạo và mạnh dạn trong việc đi tiên phong các mô hình mới. Cô gái trẻ này rất xứng đáng là tấm gương cho nhiều người noi theo”.

Mai Cường

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/bo-giang-duong-dai-hoc-co-gai-tre-tro-thanh-trieu-phu-nho-chan-nuoi-gia-cam-a5313.html