Ngày 4/11, các bác sĩ tại trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đã chia sẻ về trường hợp bệnh nhân vừa được cứu sống một cách ngoạn mục bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Duy Tùng (26 tuổi, huyện Bình Chánh) làm nghề thợ điện. Ngày 28/10, bệnh nhân leo lên mái tôn để sửa điện, dòng điện rò rỉ khiến bệnh nhân bị điện giật rơi xuống đất ở độ cao 1 mét, ngừng tim, ngừng thở. Ngay sau đó, những người dân xung quanh nhanh chóng sơ cứu, đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Tại bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức tim phổi nâng cao, tiêm thuốc kích thích tim, quá trình hồi sức tim khoảng 45 phút thì tim của bệnh nhân đập trở lại. Bệnh nhân được chuyển viện đến bệnh viện Chợ Rẫy.
ThS.BS Nguyễn Trường Duy - Khoa nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ xác định bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy. Bệnh nhân được hạ thân nhiệt và duy trì thân nhiệt ở 36 độ C. Mục đích của phương pháp là giảm thiểu những tổn thương não, bảo vệ não cho bệnh nhân khi thiếu oxy não kéo dài.
Bệnh nhân trong quá trình hạ thân nhiệt.
BS Duy nhấn mạnh: “Do thời gian ngừng tim của bệnh nhân kéo dài, tim bóp lờ đờ, tụt huyết áp, suy thận, do đó song song với hạ thân nhiệt các bác sĩ đã dùng thuốc nhằm kiểm soát các tình trạng liên quan. Khó khăn của phương pháp này là thân nhiệt của bệnh nhân phải được kiểm soát sát, đảm bảo duy trì đúng thân nhiệt, đúng thời gian để không xảy ra các biến chứng. Bệnh nhân được ê kíp bác sĩ theo dõi sát thân nhiệt 24/24.”
Sau 3 ngày, bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh, có phản xạ mắt, tay, gọi biết, làm theo y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhân được ngưng thở máy, tự thở được, dần dần hồi phục. Không chỉ không gặp phải các biến chứng về não, chức năng thận của bệnh nhân cũng hồi phục, không xảy ra tình trạng ly giải cơ.
BS.CKII Đặng Quý Đức - Phó Khoa nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: Đối với bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở ngoại viện chỉ có 2-9% sống để xuất viện, trong đó có 1/3 bệnh nhân bị rối loạn ý thức. Đối với bệnh nhân nội viện bị ngừng tim, ngừng thở, tỷ lệ được cứu sống và có thể xuất viện khoảng 18%. Do đó, hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật rất quan trọng cho bệnh nhân, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, giảm tổn thương tế bào não, tim, các tạng khác, giảm tổn thương thiếu máu cục bộ, giảm tổn thương hàng rào máu não và chết neuron thần kinh, giảm phản ứng viêm và các sản phẩm o xy hoá độc tế bào, giảm tỷ lệ chuyển hoá tế bào não, giảm nhu cầu o xy hoá và glucose.
“Đây là kỹ thuật “làm lạnh” chủ động để đưa thân nhiệt bệnh nhân xuống 33-36 độ C. Tại BV Chợ Rẫy, đang thực hiện 2 kỹ thuật hạ thân nhiệt: nội mạch xâm lấn; bề mặt không xâm lấn. Đã cứu sống cho nhiều bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở, hạn chế các biến chứng giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường”- BS Đức cho hay,
BS Đức khuyến cáo thêm: Hiện tượng đột tử, ngừng tim ở cộng đồng khá nhiều, các phương pháp sơ cứu cần được quan tâm nhiều hơn trước. Khi phát hiện bệnh nhân đột ngột ngừng tim, ngừng thở cần sơ cứu để bảo tồn lưu lượng máu lên não, tim, cơ quan quan trọng. Ngay sau đó chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục hồi sức tim, chuyển đến trung tâm có phương pháp hạ thân nhiệt để được điều trị càng sớm càng tốt, giảm các tổn thương di chứng về sau.
Lam Giang
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/cuu-song-ngoan-muc-benh-nhan-bi-dien-giat-ngung-tim-ngung-tho-a5368.html