Dính như cá chàm
Dương Đông vừa là thị trấn vừa là thủ phủ của Phú Quốc. Từ đây, chúng tôi băng đường rừng khoảng 30km thì tới xã bãi Thơm. Trái ngược với thị trấn Dương Đông sầm uất, xe cộ đông đúc thì con đường đến bãi Thơm cực kỳ vắng vẻ, nhất là quãng đường rừng, hai bên cây cối um tùm, không khí mát mẻ. Thật là tuyệt vời.
Phong, người trước đây từng đưa PV đi lặn biển, ngắm san hô lại tiếp tục là hướng dẫn viên cho chúng tôi. Trở lại lần này, Phong đã đóng một chiếc “du thuyền” cực kỳ độc đáo với 2 thùng composite, chạy bằng máy. Tuy nhiên, do công suất máy nhỏ nên tốc độ khá chậm. Phong cho biết, đây là tàu tự đóng, tự sáng chế với tổng kinh phí khoảng 25 triệu đồng, trong đó, riêng máy là 7 triệu đồng. Đây là chiếc tàu đầu tiên tại khu vực bãi Thơm phục vụ khách du lịch đi câu cá, câu mực và lặn ngắm san hô tại khu vực này.
Thấy “du thuyền”, ngay lập tức nhóm chúng tôi không chờ đợi, lên đường đi câu cá chàm, một loại đặc sản của Phú Quốc. Từ nhà Phong, ngay sát bờ biển, chúng tôi phải di chuyển quãng đường khá xa mới đến “ngư trường” để câu cá chàm. Phong nói: “Cá này cực kì dễ câu, chỉ cần thả xuống là dính”. Và thật ngạc nhiên, nhóm chúng tôi không ngờ lại dễ “dính” đến mức như thế.
Câu cá ở đây hoàn toàn không sử dụng cần câu, chỉ sử dụng ống cước, cột thêm lưỡi và gắn mồi vào, thả xuống biển với độ sâu nhất định. Tùy thuộc vào mực nước của biển, người câu sẽ cân chỉnh dây câu. Mồi câu là bạch tuộc cắt nhỏ, vừa miếng ăn của loài cá “tham ăn”. Nhóm chúng tôi vừa thả mồi xuống thì cá cắn câu ngay, chỉ cần dùng tay giật nhẹ, sau đó kéo lên sẽ là những chú cá chàm tươi rói. Cá này nhỏ thì bằng ngón tay cái, lớn và ngon nhất là loại bằng ngón chân cái hay hai ngón tay.
Phong với chiếc “du thuyền” tự chế.
Loài cá này chiên xù ăn cực ngon hoặc tẩm bột chiên xù hoặc nấu canh hoặc kho tộ… tất cả đều khiến người ăn phải suýt xoa. Nó cũng đang được xem là đặc sản của vùng biển Phú Quốc. Kết thúc chuyến đi câu, ngồi thưởng thức món cá chàm chiên xù và nướng mà chúng tôi ai nấy đều tấm tắc khen, “không chê vào đâu được”.
Để câu cá, Phong để tàu lững lờ, trôi theo con nước, điểm nào gặp đàn cá thì neo lại và chúng tôi ngồi bên phải mạn tàu giăng câu. Vì ngồi bên phải thì tàu cứ thế trôi về một hướng, trong khi đó, lưỡi câu sẽ xuôi theo dòng nước mà không bám vào thân tàu, giúp các “cần thủ” có thể thoải mái giật, gỡ cá. Mỗi ống cước, Phong gắn 2 lưỡi câu, thế mà có người câu một lần dính tới… 3 con. Quả là loài cá tham ăn.
Vì thế, chẳng ngạc nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chừng vài ba tiếng đồng hồ, nhóm chúng tôi đã câu được khoảng 4 đến 5 ký cá. Trong đó có thêm cá đục, cá lù… nhìn vô cùng thích mắt. Sau khi câu cá chàm, nhóm chúng tôi tiếp tục đi câu cá bống mú và lặn ngắm san hô. Vùng biển này còn hoang sơ, một trong những nơi hiếm hoi còn sót lại của hòn đảo Phú Quốc ngày nay. Bởi các khu vực như bãi Trường, bãi Khem… đã bị băm nát bởi các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Thủy quái… ít người đã dám đối đầu
Trở lại biển ở bãi Thơm, san hô ở đây với đủ màu sắc từ san hô mềm, đến san hô cứng mọc dày đặc, khiến ai đến đây cũng phải mê hồn. Chỉ tiếc là nhóm chúng tôi không có thiết bị quay phim chuyên dụng để ghi lại những khoảnh khắc này. Vừa câu cá, chúng tôi vừa huyên thuyên về nhiều câu chuyện, giai thoại của vùng đất này. Nhưng lý thú nhất vẫn là câu: “Các anh câu coi chừng dính cá mập à nha”.
Thế là cả nhóm chúng tôi háo hức nghe kể về thủy quái của đại dương. Tuy nhiên, hy vọng câu được cá mập là mong manh như làn gió biển thổi qua tai. Bởi, sự tàn phá, lấn chiếm của con người… cá mập đã ít “lãng vãng” tới khu vực này. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều loài hải sản quý hiếm khác, như cầu gai (nhum) mà ngày trước, người dân khu vực này phải lấy sào gạt mà đi thì này cũng không còn.
Hy vọng Phong và những người dân nơi đây, đặc biệt là chính quyền địa phương quan tâm để bảo vệ vùng biển đẹp như tranh này.
Trở lại câu chuyện câu cá mập, Phong kể: “Ngày xưa cha tôi hay một số ngư dân ở khu vực này thường câu được rất nhiều loại cá lạ, trong đó có những con rất lớn. Tuy nhiên điều đáng nhớ nhất vẫn là cha tôi đã câu được một con cá mập, nặng tới 65 kg. Đó là một cuộc vật lộn với thủy quái của đại dương, có khi mất mạng như chơi. Với hàm răng sắc nhọn, để đưa được nó lên bờ, chẳng khác nào bước vào trận đánh lớn”.
Về tới Dương Đông, chúng tôi còn được ông Hải, một người từng có thâm niên câu cá mập kể cho nghe những câu chuyện sởn gai ốc. Mở đầu, ông Hải nói chậm rãi: “Để câu được cá mập, ngư dân phải sắm cước như ngón tay, độ dài chừng 2 - 3km. Lưỡi câu phải dùng thép hoặc inox mới đủ đánh bại được nó. Câu dính cá mập rồi cũng chưa phải là xong, quan trọng là phải đưa được nó lên tàu, đây là khâu khó nhất”.
Ông Hải kể thêm: “Có người đã phải bỏ lại cánh tay trong ruột con cá mập vừa sổng nào đó. Cũng có ngư dân đã nằm xuống lòng biển khơi mãi mãi… khi chiến đấu với loài thủy quái này. Thời khắc dễ mất mạng nhất chính là khi một ai đó té xuống nước. Trên bờ thì dễ đối phó nhưng về với nước thì mình luôn thua loài thủy quái này. Chỉ cần vài lần táp là hàm răng sắc nhọn của nó có thể lấy đi bất cứ bộ phận nào trên cơ thể”.
“Hơn nữa, nước là nhà của cá mập, nó xoay trở rất nhanh, với sức mạnh, tốc độ, vũ khí sắc bén, cá mập thật sự là thủy quái của các loài thủy quái. Nguy hiểm là vậy, có thể mất mạng bất cứ lúc nào, nhưng sinh nghề tử nghiệp, vì mưu sinh, con người vẫn phải kiên cường trước phong ba, bão táp và tiếp tục cuộc sống”, ông Hải kể trong tiếng nấc nghẹn.
Cũng theo ông Hải, hiện nay, ngư dân ở Phú Quốc ít còn làm nghề câu cá mập. Nhưng thả câu loài thủy quái thực sự là một nghệ thuật câu cá, vừa phải mưu trí chọn điểm hay ngư trường, vừa phải biết cách làm lưỡi, gắn mồi câu nhưng lại vừa phải dũng cảm nữa. Có những người thả câu, cá mập cắn câu rất nhiều nhưng không bao giờ được con nào. Đó là do lưỡi, mồi câu và cách câu của cần thủ. “Cho đến nay thì không còn thấy ai câu được con nào, thi thoảng, ngư dân đi câu vẫn bắt gặp những con cá mập nhỏ bằng cổ tay, cổ chân… Tuy nhiên, số cá này rất nhỏ nên họ đã trả lại biển khơi, cho nó sinh sống và phát triển”, ông Hải chia sẻ.
Hy vọng mong manh
Dù làm du lịch theo kiểu “homestay biển”, tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn rằng, Phong và một số hộ dân tại bãi Thơm sẽ đón một lượng khách vừa phải để bảo tồn và giữ gìn các loài động vật biển đang còn sót tại đây. Nếu lượng khách đến gia tăng, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và phá nát cảnh quan, đặc biệt là các rạn san hô còn tương đối nguyên vẹn và đẹp mắt, với đủ màu sắc.
Thanh Tùng
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/cuoi-du-thuyen-cau-ca-cham-mong-gap-thuy-quai-ca-map-giua-bien-khoi-a5459.html