Trăn trở từ vùng lũ của nữ chủ nhân dự án Nhà chống lũ thiện nguyện

Nhà chống lũ là dự án thiện nguyện đặc biệt quyên góp từ cộng đồng qua các hoạt động online và đấu giá trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, mục tiêu của dự án là phần nào hỗ trợ cho người dân vùng lũ xây dựng được chốn an cư.

Từ ánh mắt thất thần của cụ già vùng lũ...

Dự án Nhà chống lũ được nữ doanh nhân Phạm Thị Hương Giang - CEO công ty Tư vấn Thương hiệu G’Brand khởi xướng. Chị được mọi người thân mật gọi với cái tên rất đỗi thân thương Kều Jang. Trong một chiều giữa tháng 10, PV đã có dịp tiếp xúc với chị và nghe chị trải lòng về những nỗi trăn trở về người dân gồng mình chống lũ.

Chị Kều Jang cho biết: “Hàng năm, số người chết vì thiên tai là rất lớn, đặc biệt là do bão lũ. Vì thế, vấn đề phòng chống thiên tai, làm sao để “sống chung với lũ” luôn được người dân quan tâm. Dự án nhà chống lũ đã ra đời trong những ngày như thế. Khi bão lũ còn đang là nỗi kinh hoàng trong tâm trí cộng đồng thường xuyên chịu tác động của thiên tai thì ý tưởng này đã được tôi cùng một số người bạn ươm mầm từ năm 2009. Lúc đó, chúng tôi đang trên đường đi hỗ trợ các em học sinh trường Lê Quang Tám (tỉnh Quảng Nam) bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ”.

Tận mắt chứng kiến cảnh bì bõm trong biển nước của các em nhỏ, nhà cửa điêu tàn, trường học tan hoang sau lũ, Kều Jang và những người bạn không khỏi cảm giác xót xa. “Ám ảnh nhất với tôi có lẽ là hình ảnh cụ già chống cuốc đứng thất thần, vô cảm nhìn mọi thứ xung quanh. Ánh mắt của một cụ già đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm” bất lực nhìn mọi thứ bị lũ cuốn đi luôn hiển hiện trong tâm trí tôi. Từ đó, tôi nung nấu ý định xây dựng một mô hình nhà có thể chống chọi với lũ, đảm bảo an toàn cho người dân” – Kều Jang xúc động nhớ lại.

Dự án Nhà chống lũ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, nhất là các nghệ sĩ nổi tiếng.

Ít tháng sau, tình cờ Kều Jang biết đến mô hình nhà cổ cả trăm năm được dựng trên 6 chiếc cột bê tông nhằm bảo vệ sự an toàn. Lúc này ý nghĩ về mô hình Nhà chống lũ hiện lên trong đầu người phụ nữ này. Chị quyết định liên hệ một số người bạn nhờ tư vấn, giúp đỡ. Còn chị, tìm đủ mọi cách để biết thêm về mô hình.

Chị Kều Jang cho hay, thực chất Nhà chống lũ không khác lắm với những ngôi nhà bình thường khác. Điểm mấu chốt của loại nhà này là gọn nhẹ và dưới đáy phía ngoài có gắn những thùng phuy sắt, nhựa kín hoặc các vật liệu nổi để đủ sức nâng nhà trong đó chứa đồ đạc sinh hoạt và người nổi trên nước. Ở phía ngoài hai bên nhà được cố định bằng 2 cây tre, gỗ cắm xuống đất hoặc dây neo để căn nhà giữ thăng bằng và không bị trôi dạt. Cứ như thế, nước lũ lên chừng nào thì nhà nổi lên theo đó.

...Đến dự án thiện nguyện đặc biệt!

Nói Nhà chống lũ là dự án thiên nguyện đặc biệt, bởi nó không gắn với bất cứ tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào. Nó được khởi xướng bởi cá nhân Kều Jang nhưng rồi được gây quỹ, vận hành và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng.

Chị Kều Jang nhớ lại: “Ngày mới thành lập, nhóm Nhà chống lũ chỉ vỏn vẹn được 5 đến 7 người. Thế rồi, nhóm bắt đầu kêu gọi mọi người ủng hộ. Thật bất ngờ, chỉ vài tháng đầu, số tiền quyên góp được đã lên đến 200 triệu đồng. Ngay sau đó, nhóm chúng tôi quyết định chọn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để triển khai chương trình”.

Thế nhưng, mọi chuyện không như mong đợi. Lần đầu bắt tay vào thực hiện dự án, chị gặp vô vàn khó khăn trong việc nghiên cứu kế hoạch tìm sinh kế dài lâu cho người dân vùng lũ. Đặc biệt là trong việc khảo sát địa bàn và tổ chức sự kiện kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng.

Kều Jang đang giới thiệu về dự án.

Vượt qua mọi thử thách, cuối cùng dự án cũng được đông đảo bà con tiếp nhận và nhân rộng vì hiệu quả của nó mang lại. Năm 2016, dự án vinh dự đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2016, giải thưởng cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng cho các tập thể, cá nhân có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Theo chị Kều Jang, dự án được khởi động từ ngày 21/11/2013. Nhà chống lũ là dự án hỗ trợ người dân nghèo trên cả nước có môi trường sống an toàn và bền vững trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều đặc biệt nhất ở các mô hình nhà chống lũ là sự tham gia của người dân từ khâu lập kế hoạch, thiết kế đến xây dựng. Vì thế, khi những ngôi nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng luôn tạo ra được sự vững chãi, làm hài lòng người dân.

Theo đó, dựa trên những đặc điểm về bão lũ của từng vùng mà “Nhà chống lũ” chọn những kiểu nhà thích hợp để xây dựng đảm bảo đến mức tối đa cho sự an toàn của người dân khi xảy ra lũ lụt, thiên tai. Dự án đã thiết kế 7 mô hình xây dựng nhà chống lũ. Cụ thể, trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Nghệ An... ứng dụng nhà ở cho cư dân các sườn đồi, gần các suối, khe nước được sử dụng là kiểu “Nhà kê nền”; tại những vùng trũng thấp của Hà Tĩnh (vùng ngoài đê Sông La, ven sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu thuộc các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn) và Quảng Bình (vùng Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Quảng Trạch, vùng Lộc Thuỷ ven sông Kiến Giang, Cảnh Hoá và Liên Trạch ven sông Gianh, sông Son) thì áp dụng kiểu nhà “Hai gác tránh lũ”.

Còn trên địa bàn có địa hình đặc thù lũ ngâm trong thung lũng như Tân Hoá, Quảng Bình và Hương Khê (Hà Tĩnh) Nhà chống lũ áp dụng kiểu “Nhà nổi biệt lập” (nhà phao, nhà bè); “Nhà vùng hạn hán và thủy triều lên” được áp dụng ở An Thạnh Nam (Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Mô hình được cải tạo từ khu nhà tái định cư cho người Khmer: đưa khung thép vào, nâng nóc nhà cao lên, cải tạo phần nền móng, làm gác xép để phòng khi thuỷ triều lên, làm hệ thống thoát cho nhà vệ sinh, tiến tới sẽ bổ sung xây nhà vệ sinh rời.

Năm 2017, với khẩu hiểu: “Dựng đời mới trong nụ cười” và sứ mệnh hỗ trợ các gia đình nghèo ở những vùng chịu ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, hạn hán… Nhà chống lũ đã xây dựng và bàn giao cho người dân 200 căn nhà “An toàn trước  bão lũ; hỗ trợ sinh kế cho 50 gia đình; hỗ trợ 124 bồn nước cho các gia đình và trường học, trạm y tế.

Theo Kều Jang – người sáng lập dự án, Nhà chống lũ đang hướng đến tầm nhìn năm 2020. Theo đó, Dự án đang thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký thành lập quỹ phi lợi nhuận với mục tiêu hướng đến xây dựng và phát triển một cộng đồng sống bền vững.

Hơn thế nữa,  dự kiến năm 2020 Dự án sẽ triển khai xây dựng các mô hình nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho tất cả các vùng chịu thiên tai, lũ lụt trên toàn Việt Nam để các gia đình nghèo chủ động đối phó với các thảm hoạ thiên nhiên và vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều căn nhà thiện nguyện đã được xây

Trong 4 năm hoạt động Nhà chống lũ đã xây dựng được 523 căn nhà, ước tính hỗ trợ trực tiếp cho 2,092 người có được đời sống an toàn trước thiên tai. Riêng trong năm 2017, dự án Nhà Chống Lũ cùng người dân hoàn thành 200 căn nhà tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, miền Tây; 120 hộ gia đình và cơ sở trường học, y tế tại Tam Hiệp (Bến Tre) được hỗ trợ bồn nước; số hộ được hỗ trợ sinh kế nuôi dê và vịt là 50 hộ.

Hoàng Minh

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/tran-tro-tu-vung-lu-cua-nu-chu-nhan-du-an-nha-chong-lu-thien-nguyen-a5481.html