Đối diện hiểm nguy bằngtay không
Sau cái chết của 2 “hiệp sĩ” khi bị nhóm tội phạm tấn công, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng của đội “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải – Bình Dương đã trải lòng về những khó khăn mà anh và những người cùng chí hướng đang vấp phải.
Anh Hải nói: “Ở một số địa phương, các “hiệp sĩ đường phố” đang hoạt động theo kiểu tự phát, chưa được chính quyền địa phương ở đó công nhận nên không có tập huấn về võ thuật và nghiệp vụ truy bắt tội phạm”. Anh Hải cho đó là một sự thiệt thòi. Bởi, đối mặt với kẻ liều lĩnh, sẵn sàng làm mọi thứ để có thể thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật chưa bao giờ là việc dành cho những người chưa được trang bị tốt về nghiệp vụ.
Trên thực tế, các “hiệp sĩ” phải đương đầu với tội phạm bằng tay không. “Hiệp sĩ” Hải cho biết, đội của anh may mắn khi được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương quan tâm.
“Ở tỉnh Bình Dương, các đội “hiệp sĩ” được Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương và các ngành chức năng rất quan tâm. Hằng năm, Tỉnh cho các đội “hiệp sĩ” tập huấn 2 lần về võ thuật và nghiệp vụ truy bắt tội phạm, trấn áp tội phạm. Ngoài ra, các “hiệp sĩ” còn được tập huấn về pháp luật để tránh những sai sót đáng tiếc khi đương đầu với tội phạm.
Đội “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải – Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương có quy chế rõ ràng đối với hoạt động của các đội “hiệp sĩ” nên dù tay không bắt cướp nhưng chúng tôi vẫn đủ tự tin, bản thân cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cũng như các thế võ để trấn áp tội phạm”, anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Cũng theo anh Hải, một trong những vũ khí đầu tiên của “hiệp sĩ” là tinh thần. “Chúng tôi luôn trong tư thế chủ động đương đầu với tội phạm. Về nghiệp vụ, khi thấy một đối tượng cướp tài sản, chúng tôi thường ập đến khống chế khóa tay. Vì vậy, tội phạm bất ngờ, không có thời gian phản ứng, chống trả”.
Anh cũng tiết lộ những kinh nghiệm mà sau 20 năm làm “hiệp sĩ” anh tích lũy: “Chúng tôi sẽ xác định tội phạm hoạt động như thế nào, số lượng đối tượng tham gia phạm tội là bao nhiêu. Sau khi nắm số lượng, phương thức của tội phạm, tôi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Khi được giao, mỗi thành viên sẽ cố gắng thực hiện tốt việc của mình”.
Làm bạn với thương tích, “tử thần”
Ngoài ra, khi truy bắt tội phạm, các “hiệp sĩ” cũng phải đánh giá tình hình, phân tích hoàn cảnh để tránh thiệt hại về vật chất lẫn con người cho bản thân, đồng đội, tội phạm và người dân.
Anh Hải nêu ví dụ: “Khi truy đuổi trên đường, thấy đường đông, người dân tham gia giao thông nhiều, chúng tôi không dám trấn áp tội phạm ở giữa đường. Bởi, làm như vậy sẽ dễ gây ra tai nạn cho bản thân, tên cướp và người vô tội. Thế nên, chúng tôi âm thầm theo dõi, đến đoạn đường vắng đội mới ép, khống chế, bắt đối tượng”.
Đội “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải – Bình Dương bắt nhóm cướp xe giữa ban ngày.
Mặc dù khẳng định sănbắt cướp là vì đam mê, các “hiệp sĩ” cũng thừa nhận việc làm nghĩa hiệp ấy sẽ khiến mình “làm bạn” với thương tích, thậm chí cả “tử thần”. Khẳng định thông tin, anh Hải lấy bản thân mình ra làm ví dụ. Anh nói, bản thân tham gia phòng chống tội phạm từ năm 1997 đến nay và nhiều lần gặp thương tích. Trong rất nhiều kỷ niệm đối diện tử thần ấy, anh nhớ nhất lần bị đâm từ sau lưng.
Anh kể: “Đó là năm 2005, lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Lần đó, tôi đang khống chế một tên cướp và không biết đối tượng còn có đồng bọn. Tôi có một mình nên bị đồng bọn của tên cướp đâm từ sau lưng. Dù bị thương, tôi vẫn cố lấy lại được tài sản cho bị hại. Lúc đó, bị hại đã lo tiền thuốc men cho tôi trong suốt quá trình nằm viện. Tuy nhiên, ngay cả khi nằm trên giường bệnh, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ chùn bước trước tội phạm”.
Làm việc nghĩa hiệp, luôn đối diện với nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều luồng dư luận không tốt về các “hiệp sĩ”, điều đó khiến các anh khá trăn trở.
Anh Hải tâm sự: “Chuyện nói chúng tôi bắt tội phạm rồi lấy tài sản chia chác là hoàn toàn không có. Từ lúc bắt đầu theo dõi đối tượng, chúng tôi đã bật camera ghi nhận lại toàn bộ quá trình. Đến khi bắt được đối tượng, thu giữ được những gì, chúng tôi đều ghi lại cặn kẽ, dưới sự giám sát của nạn nhân. Sau đó, chúng tôi cung cấp hết chứng cứ, tài sản, hình ảnh, video cho cơ quan công an.
Tôi tâm niệm, bắt cướp cũng đòi hỏi sự cần cù, sáng suốt. Nhiều nạn nhân của các vụ trộm cướp là công nhân, gom góp được một số tiền mua trả góp được chiếc xe mà bị mất. Khi đến nhờ chúng tôi hỗ trợ tìm lại tài sản, họ khóc và kể mua xe trả góp chưa xong mà bị mất. Nghe vậy, chúng tôi liền cố gắng truy tìm để bắt cho bằng được tội phạm.
Mỗi lần bắt được tội phạm trả lại được tài sản cho nạn nhân, chúng tôi thấy vui lắm. Còn khi bắt không được, chúng tôi thấy ái ngại, bực bội trong lòng”.
Ngọc Lài
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/hiep-si-binh-duong-tiet-lo-hiem-nguy-va-kinh-nghiem-san-bat-toi-pham-a5581.html