Kỹ sư mê “cổ vật”
Ông Văn Đình Thành, 67 tuổi, phường Quyết Thắng, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum còn có tên là Thành “cổ vật”. Đây cái tên dân dã mà người dân khu phố đặt cho ông. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để tìm được nhà của người đàn ông đam mê cổ vật này.
Sau vài hồi chuông, mở cổng chào đón chúng tôi là một người đàn ông xởi lởi, hoạt bát và hiếu khách. Trước mắt chúng tôi, căn nhà của ông Thành giăng kín tường là hàng ngàn cổ vật được ông cẩn thận đặt trong khung kính.
Ngược về ký ức của những ngày xưa cũ, ông Thành trải lòng, năm 1977 ông cầm trong tay tấm bằng kỹ sư của trường đại học danh tiếng thời đó - đại học Bách khoa TP.HCM. Với mơ ước từ nhỏ là được đứng trên bục giảng, ông tiếp tục theo học thêm 2 năm và ở lại trường làm giảng viên. Sau một thời gian đứng trên bục giảng, gia đình có việc riêng nên ông tạm gác sự nghiệp về tỉnh Kon Tum.
Tại quê nhà, ông gia nhập vào hợp tác xã cơ khí Kon Tum. Cuộc sống không được như mong muốn nên sau một thời gian ông nghỉ việc, cùng một số người bạn lên huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum khai thác vàng.
Trong những lần đào núi, khoét đá tìm vàng trong lòng đất, cơ duyên đưa ông đến với hành trình sưu tầm cổ vật.
Theo ông Thành kể, trong 1 lần khai thác vàng, có người thợ đào được viên đá có hình thù rất lạ đưa cho ông xem.
Cầm viên đá trên tay, ông Thành ngắm nghía, phát hiện phiến đá có những đường nét tinh xảo, ở giữa được đục lỗ một cách kỳ công.
Sau một hồi lâu ngắm nghía, dường như phiến đá có một sức mạnh kỳ lạ khiến ông Thành bị cuốn hút, ông quyết định giữ lại để nghiên cứu.
Những ngày sau đó, ông Thành liên tục được người thợ phụ việc đưa cho nhiều hòn đá có hình dáng khác nhau. Ông Thành đều cho giữ lại và trả thêm tiền công cho những ai nhặt được loại đá kỳ lạ này.
Cũng từ đó, ông Thành bén duyên với hành trình sưu tầm cổ vật. Đến nay, ông đã sưu tầm được hơn 10 nghìn cổ vật có niên đại hàng nghìn năm của người tiền sử tại Kon Tum.
Ông Thành chia sẻ: “Phải nói như một duyên tiền định. Những phiến đá thôi thúc tôi tìm tòi, khám phá về cội nguồn của người tiền sử.
Tôi lân la đến các buôn làng của người đồng bào để sưu tầm.
Trong một lần tìm kiếm, nhân công khai thác vàng phát hiện trong nhà của người địa phương cất giữ những viên đá hình thù như chiếc rìu. Tôi lân la hỏi thì được chủ nhà cho biết, người địa phương gọi đó là “búa trời”".
Ông Thành hào hứng: “Người Jrai ở đây quan niệm, những chiếc búa này là của thần sấm đánh xuống đất mỗi khi có mưa giông.
Tôi tò mò, không cưỡng lại được sự tích của “búa trời”, trong đầu luôn thắc mắc ai đã tạo ra chúng? Họ đã sử dụng công cụ gì để mài đá? Sau đó, tôi sẵn sàng bỏ tiền, mua nhu yếu phẩm để trao đổi với người địa phương, nhận “búa trời” mang về nghiên cứu.
Cuối năm 1989 ông đã sưu tập được hơn 2.000 hòn đá lớn, nhỏ với hình thù khác nhau. Để giải đáp những thắc mắc trong đầu, ông bắt đầu tìm tài liệu nghiên cứu về những món đồ bằng đá này.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ việc tiếp cận với các công trình khoa học nghiên cứu về chúng rất khó khăn. Dù tìm hiểu thế nào ông Thành cũng chỉ có một cách giải thích mơ hồ, đó là công cụ lao động của người tiền sử.
Bí ẩn được giải đáp
Khi biết chuyện người dân nhặt được các loại đá kỳ lạ, bảo tàng tỉnh Kon Tum liền tổ chức lên huyện Sa Thầy thám sát, gửi mẫu đá ra Hà Nội để giám định niên đại.
Ngay sau đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cùng các nhà khảo cổ vào Kon Tum tiến hành thám sát, để tổ chức khai quật các di chỉ khảo cổ học ở dọc sông Krông Pôkô trong địa bàn huyện Sa Thầy trước khi lòng hồ thủy điện Yaly tích nước.
Trong quá trình thám sát, tìm kiếm di vật khảo cổ, người dân quanh vùng mách với TS. Sử về bộ sưu tập đá của ông Thành. Cả đoàn liền quay về TP.Kon Tum tìm ông kỹ sư mê đồ đá.
Đoàn nghiên cứu mừng như bắt được vàng khi nhìn những đống đồ đá thời tiền sử mà ông Thành sở hữu. Được sự đồng ý của gia chủ, đoàn khảo sát đã ở lại làm việc, nghiên cứu suốt 7 ngày liền với hàng ngàn mẫu vật.
Ông Thành phấn khởi: “Nhờ gặp được TS.Sử mà những thắc mắc của tôi bây lâu nay đã tìm được đáp án. Qua những lời lý giả của TS. Sử, tôi hình dung ra được bức tranh toàn cảnh về đời sống của người tiền sử cách đây hàng nghìn năm.
Qua TS. Sử, tôi mới biết về giá trị lịch sử của những hòn đá tưởng chừng như vô tri, vô giác ấy. Ông Sử cũng giúp tôi phân loại cổ vật theo các các giai đoạn sơ kỳ đồ đá, trung kỳ đồ đá, hậu kỳ đồ đá”.
Vẻ mặt đầy tự hào, ông Thành dẫn chúng tôi tham quan một lượt các cổ vật trưng bày trong nhà. Đi đến chỗ nào ông cũng đưa tay vuốt ve, nâng niu những vật báu mà ông cất công nhiều năm sưu tầm.
Đến nay, kho báu của ông Thành có hơn 10.000 mẫu vật. Tất cả những công cụ lao động của người tiền sử như rìu đá, bôn đá (cuốc), dao đá, cào đá, công cụ gieo hạt, hòn nghiền, bàn đá, bàn dập, các loại giáo mác... từ lớn đến bé, từ thô sơ đến tinh xảo ông đều có.
Rồi những đồ trang sức của phụ nữ như mặt đá đeo cổ, đeo tay, vòng đá, nhẫn đá, hạt vòng chuỗi, kim khâu áo da bằng đá... cũng có đủ.
Kể cả các loại đồ vật mang đậm tính chất tâm linh như sinh thực khí dùng để thờ cúng ông cũng có mấy chục bộ từ to đến nhỏ, chế tác rất tinh xảo.
Dừng lại ở mảnh hiện vật cuối cùng, ông Thành bảo rằng căn nhà cũ chẳng còn đủ không gian lưu giữ cổ vật nữa. Ông Thành dự định xây dựng một bảo tàng để lưu giữ, bảo vệ để những hiện vật của người tiền sử không bị thất lạc.
Nén tiếng thở dài, ông Thành nói tiếp, hiện 3 người con của ông đều đang học tập và công tác ở nước ngoài, chẳng ai có đam mê sưu tập cổ vật giống ông cả.
Giá trị về mặt khảo cổ
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử: “Số cổ vật này có giá trị rất lớn về mặt khảo cổ, nó là nguồn sử liệu quý cho việc nghiên cứu, phục vụ bức tranh toàn cảnh về thời tiền - sơ sử Kon Tum, một Tây Nguyên miền thượng thời quá khứ”.
Hồ Hải Nam
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nhung-hon-da-co-hinh-dang-ky-la-o-kon-tum-bi-an-duoc-giai-ma-a5609.html