Luật sư Cồ Lê Huy: Chiêm nghiệm về chữ tâm trong nghề sau những lần “cứu” các bị cáo thoát án tử

Luật sư Cồ Lê Huy cho rằng, lý và tình luôn chứa đựng nhau và khi người luật sư biết vận dụng, làm việc bằng tất cả cái tâm của mình, thành công sẽ đến. Dù chịu nhiều áp lực nhưng anh luôn nhận bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo trong những vụ án hình sự phức tạp. Sau hơn 20 năm kiên quyết đi theo tôn chỉ “làm việc bằng cái tâm”, anh nhiều lần “cứu” được các bị cáo mang án tử thoát chết.

Làm việc bằng tất cả cái tâm

Luật sư Cồ Lê Huy, Trưởng văn phòng Luật Đại Việt, đoàn Luật sư TP.HCM bắt đầu buổi trò chuyện về những năm tháng hành nghề luật của anh bằng vô số mẩu chuyện vui vụn vặt. Thế nhưng, tôi nhận thấy rằng, trong những câu chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt ấy đều hiện lên cái tâm của một luật sư chân chính. Như một cách đúc kết kinh nghiệm cho những năm làm luật sư của mình, anh khẳng đinh,thành công đến với luật sư không hoàn toàn từ việc họ cãi giỏi mà có khi thành công đến từ chính cái tâm của người luật sư hết lòng với thân chủ của mình.

“Cái tâm này thể hiện qua kỹ năng hành nghề, qua phương án giải quyết vụ việc một cách nhân văn và thấu tình, đạt lý. Và khi làm bằng cái tâm, lúc kết thúc công việc, dù thắng hay thua, khách hàng vẫn cảm ơn mình. Được chiến thắng và thua cuộc như thế, tôi thấy cuộc đời ý nghĩa hơn”, anh chia sẻ.

Có lẽ, với “tôn chỉ” làm việc bằng cái tâm ấy, anh từng tự đề nghị gửi phần lớn số tiền công của mình cho một công ty đang nợ tiền thân chủchỉ để đơn vị này có tiền và đồng ý trả số nợ đã vay nhiều năm trước đó.

Anh kể: “Vụ này tôi đòi nợ cho một khách hàng nữ. Người này hứa nếu tôi đòi được nợ sẽ cho mấy phần trăm trong số tiền đòi được. Tôi nhận và bay ra TP.Hà Nội. Qua tìm hiểu, tôi biết, công ty này đang rất khó khăn và họ không đồng tình thái độ đòi nợ của thân chủ tôi. Sau khi tìm hiểu, tôi thỏa thuận với công ty nợ tiền rằng, tôi sẽ bớt cho họ số tiền bằng với số tiền mà thân chủ tôi hứa sẽ cho tôi nếu tôi đòi được nợ. Tôi chỉ nhận một số nhỏ trong tổng số tiền thân chủ chi trả cho tôi. Cuối cùng, trong vòng 1 tháng, người ta trả toàn bộ số nợ cho thân chủ tôi”.

Luật sư Cồ Lê Huy.

Và mới đây thôi, quan điểm “luật sư không nên căng thẳng và giấu bớt cái tôi của mình” đã giúp anh gặt hái thành công khi hòa giải được vụ tranh chấp đất kéo dài nhiều năm của hai cậu cháu trong một gia đình. Anh kể, thời điểm anh nhận hòa giải người cậu đã gần 90 tuổi, đứa cháu cũng gần 70 tuổi. Trước đó, cả hai đã nhiều lần kiện nhau ra tòa và trải qua nhiều lần xét xử, thậm chí đã có án hành chính rồi nhưng vẫn dùng dằng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, luật sư Huy chọn phương án làm cầu nối, chú trọng phương án phân tích tâm lý, hướng dẫn đôi bên hòa giải.

Cuối cùng, trước sự nhiệt tình và những phân tích tình, lý một cách rõ ràng, hai người đã chấp nhận bắt tay nhau sau hơn nửa thập niên đưa nhau ra tòa. Anh cho biết, một trong những kỹ năng giải quyết án dân sự là phải chú trọng nghiên cứu lý do phát sinh tranh chấp của vụ án. Nếu thấy chỉ là tranh chấp vì tức giận nhau câu nói, vì thể hiện cái tôi, tranh chấp trong gia đình, họ tộc hoặc vì các món lợi nhỏ thì luật sư nên tìm cách hoà giải các bên tranh chấp để họ không bị cuốn vào những vụ án kéo dài nhiều năm, mất thời gian, công sức, tiền bạc và cả tình cảm gia đình.

“Cứu tinh” của người mang án tử

Cuộc trò chuyện của chúng tôi dần xoay sang hướng khác khi bất chợt anh nhắc đến kỷ niệm cứu thành công một người mang án tử thoát khỏi hình phạt tử hình. Anh cho biết, vụ án ấy đã cũ nhưng khiến anh nhớ hoài vì cái tâm của anh đã chạm đến tấm lòng của người mẹ có con trai bị sát hại.

Luật sư Huy kể: “Bị cáo này là người miền Bắc, gia cảnh hết sức khó khăn. Người này sát hại một thanh niên cũng khoảng 19 – 20 tuổi như mình. Ở cấp sơ thẩm, bị cáo này bị tuyên án tử hình. Sau đó, gia đình bị cáo thấy chúng tôi hết sức nhiệt tình khi tham gia bào chữa cho con họ ở cấp sơ thẩm nên đã nhờ một người quen đến tìm tôi, mong văn phòng cứu con họ thoát chết”.

Trước sự tin tưởng của gia đình bị cáo, luật sư Huy quyết định nghiên cứu lại hồ sơ vụ án để tìm ra một lối thoát dù rất mong manh cho nam thanh niên. Sau cùng, trong hàng trăm trang hồ sơ, anh phát hiệntình tiết bất ngờ.

Anh kể: “Trong quá trình điều tra vụ án, gia đình nạn nhân không cho gia đình bị cáo đến khắc phục hậu quả,… Gia đình nạn nhân cũng kiên quyết không làm đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tôi nghĩ nếu gia đình bị hại làm đơn xin bãi nại thì rất có thể bị cáo sẽ thoát chết”. Thế rồi, anh cùng một cộng sự cùng nhau đến nhà bị hại với hy vọng mong manh có thể thuyết phục gia đình này làm đơn bãi nại cho bị cáo. Tuy nhiên, phải trải qua nỗi đau quá lớn khiến gia đình này trở nên lạnh lùng tưởng như vô cảm.

Họ không chịu gặp luật sư của kẻ giết hại con mình. Tuy nhiên,anh vẫn tin bằng tấm lòng chân thành, anh sẽ khiến gia đình bị hại thấu hiểu tính nhân văn trong việc cứu sống một con người đang đối diện án tử. Anh kiên trì lui tới, xin được gặp cha mẹ nạn nhân. Phải đến lần thứ năm, thứ sáu, anh mới được gia đình bị hại cho gặp mặt. Luật sư Huy kể: “Tôi rất hiểu cảm giác của nhân thân người bị hại. Đặc biệt là mẹ của cậu thanh niên bị giết. Bởi, đây là con riêng của chị với người chồng trước. Chị rất thương yêu đứa con trai này, bởi bà cho rằng cậu ta thiệt thòi hơn các anh chị em của mình”.

Bằng lòng chân thành, luật sư đã thuyết phục được gia đình nạn nhân.

“Khi biết tôi đến xin chị làm đơn bãi nại cho kẻ giết con mình, chị ấy đã không chấp nhận và nói: “Luật sư ạ, dù có mấy tỷ cũng không mua được con tôi”. Trước nỗi đau của chị ấy, tôi cũng khẳng định rằng, không một loại tiền nào có thể mua được mạng sống con người, rồi tôi kể cho chị ấy nghe câu chuyện thật của gia đình tôi. Tôi có một đứa cháu ruột bị điện giật tử vong ngoài đường. Gia đình tôi cũng rất đau thương và có ý định kiện, thưa công ty chiếu sáng khiến cháu tôi gặp nạn rồi qua đời một cách oan ức khi chỉ mới ở tuổi 13.

Nhưng sau đó, chúng tôi nghĩ, càng làm vậy mình càng gây thêm thù hằn, càng thêm đau khổ, cảm thấy mình đang làm chuyện ác. Sau đó tôi khuyên chị ấy rằng, mất mát cũng mất mát rồi, đau thương thì cũng đã đau, thôi thì mình không nên gây thêm thù hằn nữa. Thay vào đó, chị hãy ra ơn với người ta, chị hãy xem đó là một việc thiện nguyện, cứu lấy một mạng người. Tôi khẳng định với chị ấy rằng, chỉ cần chị ấy làm đơn bãi nại, chị sẽ cứu được một mạng người và ân đức của chị lớn lắm. Cuối cùng chị ấy đồng ý làm đơn bãi nại và cậu bé đối mặt án tử hình thoát chết”, anh kể thêm.

Qua tìm hiểu, trong suốt những năm tháng hành nghề luật sư, văn phòng luật cũng như cá nhân luật sư Cồ Lê Huy đã “cứu” được  nhiềutrường hợp thoát khỏi án tử. Theo luật sư Huy, để làm được điều này, anh và các cộng sự phải cố “lần tìm” trong những chồng hồ sơ để tìm ra những tình tiết bị cáo được hưởng, tình tiết của vụ án chưa rõ ràng. Tuy nhiên, để làm được điều này là cực kỳ khó. Một trong những vụ như vậy là vụ việc bị cáo vận chuyển 2kg ma túy cho chú của mình chỉ để có được 1 triệu đồng. Với số lượng ma túy lớn đến vậy, không ai dám nghĩ bị cáo sẽ thoát khỏi án tử hình.

Tuy nhiên, khi tham gia bào chữa cho bị cáo này, luật sư Cồ Lê Huy nhận định, vụ án còn nhiều điểm chưa rõ ràng vì chưa bắt được “đầu trên”, “đầu dưới” trong đường dây buôn bán ma túy này mà chỉ bắt được mỗi nam thanh niên. Cơ quan điều tra cũng chỉ có mỗi lời khai của người này. Trong khi đó, nếu bắt được kẻ cầm đầu đường dây, kẻ trực tiếp chỉ đạo nam thanh niên lại làm một câu chuyện khác.

Trước những đề nghị xác đáng và thấu tình đạt lý trên, tòa án đã tuyên bị cáo án chung thân. Gần đây nhất,luật sư Huy cũng khiến dư luận bất ngờ khi nhận bào chữa cho “trùm” ma túy Văn Kính Dương. Dù rất mong manh, anh vẫn hy vọng pháp luật, dư luận cho Dương một cơ hội làm lại. Anh cho biết, khi nhận đề nghị bào chữa cho Văn Kính Dương, anh rất áp lực bởi bị cáo này đứng trước mức án cao nhất.

“Dương có đến 4 tội, do đó để bào chữa thật sự rất khó. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng Dương sẽ nhận mức án thấp hơn. Do đó, chúng tôi chỉ xoáy vào khía cạnh tình người, cho bị cáo này có một cơ hội. Tất nhiên, với tội trạng như thế, hy vọng trên cũng vô cùng khó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải hy vọng. Bởi, nhìn nhận ở góc độ con người, bản thân tôi thấy Dương có khả năng cải tạo, giáo dục.

Ở góc độ nhân văn, chúng ta không thể nói một con người suốt đời là tội phạm được. Sẽ có lúc nào đó, người ta thay đổi. Và sự thay đổi này có thể đến từ sự tác động của xã hội. Sau phiên tòa ấy, HĐXX đã trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. Tôi rất mong các bị cáo khác trong vụ án Văn Kính Dương được thoát án tử hoặc hưởng án khoan hồng nhất bởi các bị cáo này đều có hoàn cảnh đáng thương, phạm tội do cả nể và nhận thức kém. Đó cũng là mong muốn của Dương”, anh nói với ánh mắt đầy hy vọng.

Hà Nguyễn

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/luat-su-co-le-huy-chiem-nghiem-ve-chu-tam-trong-nghe-sau-nhung-lan-cuu-cac-bi-cao-thoat-an-tu-a5668.html