Bằng khoán đất lớn bằng tấm ván ngựa
Tôi đến thăm nhà cổ ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào một trưa nắng gắt. Thế nhưng, chẳng mấy chốc, tôi quên mất cái oi nồng, chật chội ở bên ngoài đường quốc lộ mà chìm vào khung cảnh thanh bình dưới nếp nhà cổ kính.
Nhà cổ tọa lạc tại 107A/4, ấp 1, xã An Phú được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành vào năm 1900, thường được gọi là nhà tri huyện Huynh (ông Phạm Văn Huynh, tri huyện huyện Gò Đen). Từ ngày xây dựng đến nay khoảng 112 năm, ngôi nhà trải qua 4 lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo khá nguyên vẹn nét kiến trúc ban đầu.
Nhà cổ được thiết kế ở vị trí trung tâm của khu vực sân vườn với nhiều cây cối tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng. Kiến trúc của ngôi nhà theo lối nhà cổ 3 gian, 2 chái lợp ngói âm dương, phía trước nhà là khung cảnh trang nghiêm, cổ kính của miếu thờ thiên, miếu thờ ngũ hành nương nương.
Chất liệu gỗ được sử dụng phần lớn trong các kiến trúc trang trí trong nhà, một số họa tiết trang trí ở nhà cổ có sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Các hiện vật được bày trí hài hòa với không gian nhà cổ, cách bố trí không gian nội thất với bàn thờ gia tiên ở vị trí trang trọng, các bàn thờ vọng, bàn tiếp khách, nơi nghỉ của người đàn ông tại phần trước nhà; buồng ở của người phụ nữ, nhà bếp ở phía sau phản ánh nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ.
Thấy khách lạ đến thăm nhà, ông Huỳnh Kim Phú (SN 1959, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), cháu cố đời thứ 4 của tri huyện Phạm Văn Huynh, hào sảng mời vào nhà uống nước trên chiếc bàn gỗ quý giá. Trò chuyện về ngôi nhà, ông Phú cho biết: “Nhà cổ của gia đình đã được xếp hạng Di tích cấp thành phố năm 2014. Nhà ở giai đoạn xuống cấp nhiều mà gia đình không có kinh phí để sửa chữa, trùng tu. Gia đình đã làm đơn xin kinh phí hỗ trợ sửa chữa. Mỗi mùa mưa bão qua đi nhà cổ lại thêm phần hư tổn”.
Nói đoạn, ông Phú nhắc lại gốc tích của ngôi nhà: “Ông cố của tôi là Phạm Văn Huynh, tri huyện Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn, còn gọi là Huyện Huynh. Ông có gốc gác ở vùng An Bình thuộc quận 5, TP.HCM ngày nay. Vốn sinh ra trong gia đình giàu có, ông được cha mẹ cho học hành ở Pháp. Khi du học về, ông được bổ nhiệm làm tri huyện huyện Gò Đen. Huyện Gò Đen là vùng đất rộng lớn, kéo dài từ quận Bình Tân, TP.HCM ngày nay về vùng Bến Lức, tỉnh Long An ngày nay. Quyền hạn của ông rất lớn dù dân số của khu vực ông quản lý còn thưa thớt”.
Cũng theo ông Phú, để thuận tiện trong việc cai quản vùng đất được giao phó, huyện Huynh liền nghĩ đến việc mua nhà để định cư. Trùng hợp, khi về An Phú Tây, ông được một người giàu có kêu bán ngôi nhà khang trang đang xây dở dang. Bởi, người chủ cũ ăn chơi trác táng nên không còn tiền hoàn công ngôi nhà. Ông Huynh liền bỏ ra một số tiền rất lớn để mua nhà vào năm 1895.
Nhà cổ của tri huyện Phạm Văn Huynh
Do ngôi nhà chưa được xây dựng xong nên ông Huynh giữ nguyên cánh thợ xây dựng từ miền Trung vào để tiếp tục làm nhà. Tường nhà được làm bằng vôi trộn với mật mía đường, cát, sử dụng gạch thẻ lá bài thời Pháp thuộc loại tốt nhất thời điểm đó. Ngôi nhà được hoàn công vào năm 1900.
“Không chỉ mua ngôi nhà, ông cố còn mua hết vùng đất rộng lớn bao quanh. Lấy ngôi nhà làm tâm thì bán kính của khu đất phải hơn 1km. Bằng khoán của toàn bộ điền sản ở An Phú Tây thuộc sở hữu của huyện Huynh phải vẽ bằng miếng giấy lớn cỡ tấm ván ngựa. Huyện Gò Đen rất rộng lớn nên người phụ trách quản lý địa bàn cũng rất được coi trọng. Sau khi ông cố mất, bà ngoại của tôi phụ trách việc trông coi ngôi nhà. Tiếp đó, mẹ tôi trông coi, chăm sóc ngôi nhà. Khi mẹ mất, tôi trực tiếp quản lý ngôi nhà cho đến nay”, ông Phú cho biết.
Đâu chỉ nhà đất ở An Phú Tây, ông huyện Huynh còn sở hữu đất đai bạt ngàn ở các vùng lân cận. Ruộng đất của tri huyện nhiều đến nỗi người dân thời đó thường dùng cụm từ “ruộng tư bề” khi nhắc đến. Mỗi lần ông bà huyện đi tuần lúa ban đêm, coi lúa sắp chín để cho người ta cắt là phải đi bằng ngựa. “Nghe má tôi kể, Tết tới, ông cố mướn người ta lấy bao bố lao mấy cây cột, nhà cửa cho đến khi bóng lưỡng. Giàn cột được giăng xá kỷ (nền dải lụa đỏ dài được thắt lại như hoa đang nở - PV) thật xa hoa. Hoa chưng đầy đủ trên bàn thờ”, ông Phú chia sẻ.
Lúc còn làm quan, nhờ vào điền sản rộng lớn, ông huyện Huynh dư dả tiền bạc nên thường đi du lịch ở Ma Cau, Hong Kong… Ông cũng chịu chi xài lớn, ăn uống xa xỉ. Tuy nhà có điều kiện nhưng ông Phạm Văn Huynh không tậu xe hơi như các nhà giàu khác. Ông thích sống ở ngôi nhà cổ bên trong vườn, không ở cạnh mé lộ (đường – PV) lớn. Ngôi nhà gần bến sông để tôi tớ tiện bề lấy ghe đi chợ, hay tá điền chở lúa đến đong, chở vật liệu xây dựng nhà. Phía trước nhà của huyện Huynh là đường ray xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Hễ ông muốn về Sài Gòn chỉ việc ra ga Bình Điền và lên tàu lửa.
Nhà cổ chở che cho cán bộ Việt Minh
“Sở dĩ, ngôi nhà được các cấp quan tâm, công nhận là di tích bởi nó gắn liền với lịch sử cách mạng của đất nước. Tôi nghe cha tôi kể lại, thời Việt Minh, năm 1945, căn nhà này suýt chút nữa bị đốt. Cha tôi là Huỳnh Kim Nhung. Năm 1945, cha tôi khoảng 21 -22 tuổi. Lúc này, phong trào thanh niên Tiền Phong nổi dậy mạnh mẽ. Tại đình Tân Túc, cán bộ của cách mạng khu Sài Gòn - Gia Định thường xuyên họp bàn”, ông Phú kể lại.
Ông Huỳnh Kim Phú quản lý ngôi nhà cổ của ông cố gầy dựng.
Nhấp ngụm nước, ông Phú nói tiếp: “Vào một buổi chiều, cha và mẹ tôi đang dọn cơm, chuẩn bị ăn với bà cố (vợ ông huyện Huynh) ở nhà dưới. Đột nhiên, 2 nam thanh niên chạy bộ vô nhà mà không có giao liên dẫn đường. Thấy vậy, cha tôi mới chạy ra hỏi 2 anh đi đâu.
Một trong 2 người liền nói: “Chú làm ơn che chở dùm, chúng tôi mới họp chi bộ ở đình Tân Túc ra, Pháp vào đó truy đuổi. Chú làm ơn cho chúng tôi bữa cơm và ở nhờ đêm nay”. Nói đoạn, cha tôi kêu 2 ông đi theo và hướng dẫn họ trèo lên trang thờ tổ tiên, có màn che kín để trốn. Khi 2 ông lên trang thời, mỗi người đứng một bên, cha tôi liền giật sợi dây cho màn che sổ xuống rồi 2 vợ chồng nhanh chân ôm thang giấu biệt”.
“Chưa đầy 5 phút sau, Tây ập vào nhà. Khoảng 6h chiều, giữa ánh đèn dầu lạc leo, mấy tên lính Tây rọi đèn pin và hằn hộc tra hỏi. Họ hỏi cha tôi bằng tiếng Tây: “Mày có thấy 2 thằng Việt Minh vào đây không?”. Vốn cha tôi là con nhà giàu nên được học tiếng Pháp, ông đối đáp nhanh: “Không, nhà chỉ có 2 vợ chồng và bà ngoại”.
Lính Tây cao lớn, bặm trợn mới nói tiếp: “Tao kiếm được Việt Minh, tao đốt nhà mày”. Vừa nói, họ vừa cầm đèn pin rọi. Rọi nát hết. Nếu phát hiện ra ông Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm là ngôi nhà của ông bà tổ tiên ra tro, cha mẹ tôi cũng bị hành hình”, ông Phú kể lại mà còn xen lẫn sự hồi hộp như người trong cuộc.
Lính Tây đi, cha mẹ ông Phú mới chạy lấy thang cho 2 cán bộ Việt Minh leo xuống. Vừa xuống đất, 2 ông xin phép đi ngay tránh liên lụy người vô tội. Cha mẹ ông Phú liền nhanh chóng gói mâm cơm mới dọn đưa cho 2 ông mang theo. Sau này, cha mẹ ông Phú mới biết bản thân đã che chở cho 2 ông Trần Văn Giàu và Ung Văn Khiêm. Mỗi dịp có về Tân Túc (huyện Bình Chánh), cả hai ông đều quay lại thăm cha mẹ ông Phú.
“Tôi nhớ cha kể, ngày Giải phóng miền Nam, tháng 10/1976, bầu cử đầu tiên ở miền Nam, cụ Giàu ở miền Bắc trở về. Cụ về mà không biết đường vào nhà cổ. Cụ tới ngã tư Bình Điền, hỏi thăm UBND xã, tìm đường vô nhà ân nhân. Sau đó, ông được cán bộ xã dẫn vô nhà của cha mẹ tôi. Mọi người nhận ra nhau, tay bắt mặt mừng.
Cảnh cũ người xưa, nhắc lại chuyện cũ mà rưng rưng nước mắt. Khi má tôi mất, cụ mệt không đi được, cũng ráng cử thư ký đến đưa tiễn. Chiến tranh bao nhiêu chuyện bị bỏ quên mà cụ thật nặng tình nặng nghĩa. Cụ rất có tâm”, ông Phú cảm động khi nhắ lại chuyện cũ.
Trước làn sóng đô thi hóa, nhà cổ rơi vào quy hoạch, nhiều người đến hỏi mua sườn nhà cổ, đem đi với giá cao nhưng gia đình ông Phú không đồng ý. Bởi, mái nhà không chỉ là nơi tránh mưa tránh nắng mà còn lưu giữ gia phong của dòng tộc. Thỉnh thoảng, các đoàn phim dựa theo tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có đến nhà cổ của huyện Huynh để xin tái dựng lại bối cảnh xưa cũ, ông Phú đều vui vẻ đồng ý. Với ông, nhà cổ không phải của riêng mà còn là giá trị văn hóa lịch sử cần được lan tỏa.
Cháu cố ngoại trông giữ nhà Tổ như một cái duyên
Ông Huỳnh Kim Phú, cháu cố ngoại của tri huyện Phạm Văn Huynh cho rằng việc chăm sóc, quản lý nhà thờ Tổ của dòng họ như một duyên may. “Đúng ra, nhà này phải do các con cháu bên nội tiếp quản nhưng họ đã sang nước ngoài định cư nên mình mới có cơ hội ấy. Mỗi năm đến ngày giỗ kỵ của ông bà, con cháu khắp nơi tề tụ về rất nhộn nhịp”.
Ngọc Lài