Khẳng định quyền “Thượng tôn Mẫu hệ”
Chúng tôi đến buôn Ako Dhong (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào một buổi sáng của những ngày đầu xuân Mậu Tuất. Ako Dhong là một trong những buôn có lịch sử hình thành từ lâu đời trên mảnh đất đỏ ba-zan. Do đó, nơi đây còn lưu giữ lại nhiều kiến trúc, văn hóa mang đậm nét dân tộc của cộng đồng người Ê Đê. Đến với buôn Ako Dhong, du khách được hòa mình vào không gian và kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà sàn dài truyền thống của cộng đồng người Ê Đê. Và điều đặc biệt thu hút sự ý của lữ khách khi bước chân vào ngôi nhà sàn dài là chiếc cầu thang cái với đôi bầu sữa được đặt trước hiên nhà.
Tiếp chúng tôi bằng một tách cà phê nóng trong căn nhà dài truyền thống, bà H’len Niê (ngụ buôn Ako Dhong) chia sẻ: “Nhà sàn dài với hình ảnh chiếc cầu thang đối với người Việt ta quả thực không xa lạ. Nhưng đối với cộng đồng dân tộc bản địa trên đất Tây Nguyên, cầu thang có khắc họa đôi bầu vú của người phụ nữ chỉ có ở người dân tộc Ê Đê. Đó là bản sắc văn hóa có từ xa xưa tượng trưng cho việc tôn thờ quyền Thượng tôn mẫu hệ. Người phụ nữ của dân tộc Ê Đê nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình. Con cái sinh ra đều theo họ mẹ”.
Cũng theo bà H’len, kiến trúc một ngôi nhà sàn dài truyền thống của người Ê Đê, bắt buộc phải có ít nhất từ 4 chiếc cầu thang đặt ở cả trước và sau ngôi nhà. Chiếc cầu thang có khắc hình đôi nhũ hoa còn gọi là cầu thang cái, được đặt ngay ngắn ở hiên trước, nơi đầu tiên khách phải đi qua để vào trong nhà. Điều này có ý nghĩa linh thiêng nhằm khẳng định quyền “Thượng tôn mẫu hệ” của dân tộc này. Ngoài ra, hình tượng 2 bầu sữa mẹ được khắc họa tinh tế ở đây còn nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu dù đi đâu, làm gì phải luôn luôn nhớ đến công lao của người phụ nữ trong gia đình.
Theo bà H’Len, chiếc cầu thang cái là linh hồn của ngôi nhà. Để làm được chiếc cầu thang cái, người dân trong làng phải lên rừng tìm những cây cổ thụ đẹp nhất làm lễ cúng xin thần rừng để đưa về nhà. Sau đó, những nghệ nhân điêu khắc giỏi nhất trong làng sẽ được mời đến để tạc hình đôi bầu sữa. Cầu thang thường có số bậc là những con số lẻ như 5 hoặc 7 bậc. Bởi, theo quan niệm của người Ê Đê, những con số này sẽ đem lại may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.
Chiếc cầu thang cái với hình đôi bầu sữa khẳng định quyền “Thượng tôn mẫu hệ” của người Ê Đê.
Nhìn những họa tiết có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thành một chiếc cầu thang cái, nghệ nhân phải mất từ 2-3 ngày làm việc cật lực. Bởi, chiếc cầu thang cái mang ý nghĩa linh thiêng nên trong suốt quá trình thực hiện, nghệ nhân phải có những kiêng kỵ nhất định như: Không được đùa giỡn trong lúc làm việc, không được nói điều thô tục, đụng chạm đến người phụ nữ. Và đặc biệt, khi tạo tác chiếc cầu thang cái, nghệ nhân chỉ được phép sử dụng một chiếc rìu.
Sau khi chiếc cầu thang cái được điêu khắc xong, để đưa vào sử dụng, gia chủ phải thực hiện qua 3 lần cúng xin Giàng. Theo quan niệm của người Ê Đê, mọi hiện vật tồn tại xung quanh con người đều có linh hồn và được Giàng che chở. Vì thế muốn được buôn làng no ấm, gia đình hạnh phúc mọi người phải tôn trọng tất cả các hiện vật linh thiêng. Nghi lễ cúng phải có 1 con gà, 1 con heo, 1 ché rượu cần và già làng sẽ được chủ nhà mời đến để cúng tạ ơn Giàng, tạ ơn thần linh che chở cho gia đình có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cầu thang cái đón khách quý
Ngoài chiếc cầu thang cái, trước hiên nhà sàn dài của người Ê Đê, người ta còn đặt thêm một cầu thang khác ở phía bên trái. Đây được gọi là chiếc cầu thang đực. Nó được làm đơn giản như những chiếc cầu thang thông thường và nhỏ hơn cầu thang cái. Bên cạnh đó, phía sau ngôi nhà sàn dài cũng được người Ê Đê đặt thêm 2 cầu thang phụ khác nhau và mỗi cầu thang đều có mục đích, ý nghĩa riêng.
Theo bà H’Len, trong quan niệm của người đồng bào dân tộc Ê Đê, cầu thang cái có ý nghĩa trang trọng để đón những vị khách quý, những người có vai vế trong buôn làng. Người khác phải đi bằng 2 cầu thang phụ phía sau. Điều này thể hiện sự tôn trọng và quý mến khách của người Ê Đê.
Nói về nếp sinh hoạt độc đáo này, chị H’Len cho biết: “Trong tâm thức của thế hệ con cháu như chúng tôi đã có một thói quen được mẹ cha rèn từ nhỏ. Đó là con cháu chỉ nên đi lại bằng cầu thang phụ, cầu thang cái chỉ khách quý đến nhà mới được mời đi qua. Tương tự như thế, cho đến tận bây giờ, nếu có đi đến nhà người quen, khi không có người trong nhà mời đi lên bằng cầu thang cái, chúng tôi cũng tự đi lên bằng cầu thang đực cho phải phép”.
Người phụ nữ của dân tộc Ê Đê nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình.
Người Ê Đê rất thân thiện và mến khách. Mỗi gia đình đều chuẩn bị riêng cho khách những vật dụng như chén, đũa, chăn, gối. Khi khách đến nhà gia chủ sẽ nhường lại vật dụng tốt nhất trong gia đình cũng như chỗ ngủ ấm áp nhất cho khách. Ngày nay, theo xu hướng phát triển của xã hội, những ngôi nhà sàn dài truyền thống của người Ê Đê đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây khang trang. Những chiếc cầu thang cái được thay thế bằng những bậc thang bằng bê tông cốt thép. Do đó, nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn của cộng đồng người Ê Đê đang dần bị mai một và lùi vào dĩ vãng.
Nói về kiến trúc văn hóa của cộng đồng người Ê Đê đang dần mai một, bà H’Len, giọng buồn bã: “Hiện nay, khi đến các buôn làng người Ê Đê, hình ảnh ngôi nhà sàn dài dần biến mất. Bên cạnh đó, những lớp người đi trước đã quên truyền dạy cho con cháu về văn hóa của dân tộc. Do đó những lớp trẻ sau này hiếm người biết được những ý nghĩa linh thiêng văn hóa của chính cộng đồng dân tộc mình như việc chiếc cầu thang cái sẽ bị lãng quên, lùi vào dĩ vãng”.
Cũng theo bà H’Len, hiện nay, trong nhà của bà đều lưu giữ lại nhiều hiện vật mang ý nghĩa linh thiêng của dân tộc mình như nhà sàn dài, ghế Kpan, bộ cồng chiêng… Ngoài ra, hằng ngày, khi đi đến các buôn làng, bà H’Len cũng tìm mua lại các hiện vật truyền thống nhằm để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc để sau này con cháu còn biết đến.
Cần giữ bản sắc văn hóa của dân tộc
Nói về chiếc cầu thang cái của người Ê Đê, bà Linh Nga Niê Kđăm, nguyên Phó Tổng thư ký hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho hay: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Tức là, trong đó không chỉ có tiếng chiêng ngân mà là tất cả không gian văn hóa sinh hoạt của người Ê Đê như: Bến nước, nhà mồ, ngôi nhà sàn dài truyền thống. Một thực tế đáng buồn là hiện nay những nét văn hóa ấy đang dần bị mai một. Theo đó, cái đặc sắc, cái riêng biệt trong không gian ở của người Ê Đê là chiếc cầu thang cũng không còn nữa. Muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung, của người Ê Đê nói riêng, điều đầu tiên là ở ý thức tự giác của mỗi người để những giá trị văn hóa ấy không bị lãng quên”.
Mai Cường
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/bi-an-doi-bau-sua-tren-chiec-cau-thang-cai-cua-nguoi-e-de-a5755.html