Ông Bảy làm thủ tục nhập học
Ông Bảy tự thừa nhận mình bao giờ cũng là người đứng trước cổng trường, cố gắng nhìn vào bên trong xem người ta học gì, làm gì nhưng vẫn không thể bước vào. Ngày trước vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đông anh em, sự học của ông bị dang dở, chỉ học đến lớp 10 là ông ở nhà phụ gia đình làm nông.
Có một tình yêu đẹp với người bạn gái cùng lớp, đến lúc ông nghỉ học thì cô bạn gái nhận được giấy báo dự thi vào Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Vì yêu ông, cô gái gác lại việc học, cùng ông xây dựng gia đình. Đã là tri kỷ nhiều năm, ông hiểu tâm tư của vợ luôn muốn được đi học nên khi sinh xong 2 đứa con, ông đã giữ tròn lời hứa cho vợ khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh thực hiện ước mơ. Ông không thể kể hết những gian truân của cảnh vừa chăm 2 con nhỏ, vừa làm lụng đủ nghề chắt chiu từng đồng lo cho vợ ăn học suốt 4 năm.
Ông Bảy nhớ lại: “Những lúc quá áp lực về “cơm áo gạo tiền”, học phí các thứ, tôi lại đọc sách, vì sách là người bạn thân thiết, người thầy soi đường chỉ lối giúp tôi bình tâm để giải quyết mọi chuyện. Noi gương người xưa, tôi dần có thêm nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Lúc vợ tôi tốt nghiệp và xin vào làm UBND huyện, tôi cũng học được nghề may, cuộc sống gia đình dần ổn định”.
Là người ít học nhưng có đam mê và thói quen đọc sách từ nhỏ nên ông Bảy đã tích lũy kiến thức qua bao năm tháng. Trong lúc quá khó khăn, ông phải bán luôn chiếc tủ đựng sách nhưng nhất quyết giữ lại các bao sách để trên giường nằm. Đến khi có tiền bắt đầu trang bị lại tủ sách, sưu tầm những quyển sách hay và mở dịch vụ cho thuê sách để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học ở TP. Long Xuyên. 2 cô con gái của ông rất chăm ngoan, luôn thấu hiểu gia cảnh và lấy ông làm tấm gương để phấn đấu và trưởng thành.
Ông Bảy chia sẻ: “Các con đã lớn, có việc làm ổn định, vợ tôi làm việc qua nhiều cơ quan đến nay đã về hưu. Giờ là lúc tôi bắt đầu nghĩ đến con đường học vấn cho riêng mình. Tôi thích được bước chân vào giảng đường đại học, để được các giảng viên hướng dẫn phương pháp học tập và nghiên cứu, được tự hệ thống lại kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý, dân tộc, ngôn ngữ… qua bao năm tích lũy”.
Ông Bảy huy động thêm sách và tạo không gian đọc sách cho học sinh
Vượt qua khó khăn trong việc ôn tập kiến thức các môn tốt nghiệp để lấy điểm xét tuyển đại học sau nhiều năm gián đoạn là một kỳ tích. Ông Bảy nghĩ đây chính là bước ngoặt rất quan trọng, làm nền tảng để ông tiếp tục vượt khó trong 4 năm đại học. Với một sinh viên trẻ, việc học trực tuyến, tiếp cận công nghệ thông tin, học ngoại ngữ… là một điều khó, với một sinh viên tuổi 60 chắc chắn sẽ càng khó hơn. Thế nhưng, ông Bảy luôn có niềm tin, hãy cứ cố gắng, kiên trì và bền bĩ, có đi ắt sẽ đến.
Ngay khi có được mọi thứ cho bản thân và gia đình, ông Bảy lại một lần nữa bị thôi thúc thực hiện bằng được ước mơ thứ 2. Đó là xây dựng tủ sách, không gian đọc sách cho trẻ em vùng quê.
“Ngày trước, mình quá nghèo khó nên phải nhờ vào tiền cho thuê sách để chăm lo cho gia đình. Giờ là lúc mình “trả nợ” cuộc đời. Nay tôi muốn xây dựng tủ sách, tạo không gian xanh tại nhà để mọi trẻ em, người yêu sách đến đọc. Tôi muốn lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc đến với các em. Bởi, theo quan niệm của ông Bảy chỉ có sự say sưa, nghiền ngẫm từng trang sách mới giúp nên người, hoàn thiện nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn, vượt qua bao khó khăn, tích lũy tri thức trở thành hiền tài, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp”- ông Bảy tâm huyết.
Ngọc Giang
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nguoi-me-sach-va-tam-giay-bao-trung-tuyen-dai-hoc-o-tuoi-60-a6014.html