Hiếm có năm nào, đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam phải hứng chịu dồn dập nhiều đợt bão, lụt như năm nay. Chỉ trong 2 tháng 9 và 10, đô thị cổ này "gồng mình” vượt qua 6 trận lụt bão. Nhiều di tích dọc các tuyến đường ở 2 bờ sông Hoài chịu cảnh ngập lụt dài ngày. Tồn tại hàng mấy trăm năm và đứng trước những tác động dữ dội của thiên tai đã khiến nhiều di tích ở Hội An xuống cấp trầm trọng, cần khẩn trương trùng tu bảo vệ.
Chùa Cầu, biểu tượng của di sản Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng.
Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An đã trải qua mấy trăm năm tồn tại. Đến nay, dù đã qua 7 lần trùng tu, sửa chữa nhưng công trình kiến trúc độc đáo này đang xuống cấp nghiêm trọng. Chùa Cầu nằm ở vùng rốn lũ Hội An, bắc qua khe Ồ Ồ nên phần móng, trụ thường xuyên ngâm trong nước. Mỗi lần mưa lũ, dòng nước chảy mạnh tác động vào mố, trụ cầu. Hiện, các mấu nối bị hở, nứt, một số dầm cầu bị mục, các dầm bằng thép đã hoen rỉ, đứt gãy. Nhiều cột, kèo của ngôi Chùa bị hư hỏng, mục rỗng. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản Hội An cho biết, để giảm áp lực lên Chùa Cầu, chính quyền thành phố chỉ cho phép mỗi lần 20 người vào tham quan. Trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị phải dùng các thanh gỗ để chống đỡ tạm, bảo vệ di tích đặc biệt này.
Di tích Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng, các cơ quan chức năng dùng gỗ chống đỡ tạm.
“Lũ lụt khi ngâm nhiều thì chắc chắn ảnh hưởng tới kết cấu công trình và gây ra các mối nguy hiểm khác như gia tăng đột biến hiện tượng mối mọt, gây ẩm. Đây là mối nguy hiểm rất lớn đối với Hội An. Di tích đặc biệt nghiêm trọng là biểu tượng của Hội An đó là Chùa Cầu, hiện kết cấu giữa Chùa và Cầu tách rời rồi, có nguy cơ sập đổ nghiêm trọng. Hiện nay, Chùa Cầu nằm trong danh mục đầu tư công để chuẩn bị trùng tu vào năm 2021", ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.
Chùa Cầu xuống cấp buộc phải dùng các thanh gỗ chống đỡ tạm.
Cùng với đó, hàng trăm ngôi nhà cổ, di tích dọc các tuyến đường ở 2 bên sông Hoài, các trục đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học bị ngập lụt sâu từ 0,5 đến 1,5 mét và ngâm trong nước lũ dài ngày. Một số di tích bị xuống cấp đã được chống đỡ, nay không còn khả năng chống chịu, cấu kiện gỗ xuống cấp nghiêm trọng.
Một di tích trên đường Nguyễn Thái Học xuống cấp đang chống đỡ tạm
Bà Lê Thị Đông ở đường Bạch Đằng, thuộc phường Minh An, thành phố Hội An cho biết, suốt 2 tháng qua, căn nhà của bà gần như trong tình trạng ẩm ướt. Nước lũ đợt trước vừa rút khỏi nhà chưa kịp khô ráo lại ập tới đợt lũ mới: “Nếu lũ ngấm nước vài ba ngày thì còn, chứ ngấm 1 đến 2 tháng sợ nó sẽ rã hết. Nhà lâu năm sẽ tụt, mục vì những bức tường này làm bằng vôi, ngâm lâu sẽ mục nguy hiểm. Như ở bức bức tường này, bên trong không có chất xi măng, lâu năm quá nó sẽ mục thôi".
Một di tích trên đường Bạch Đằng, Hội An bị xuống cấp, đang được trùng tu lại.
Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 1.400 di tích, riêng trong khu phố cổ Hội An có hơn 1.100 di tích, nhà cổ. Trong đó, di tích là sở hữu tư nhân (chủ yếu là nhà ở và nhà thờ họ) chiếm hơn 84%. Kể từ năm 2008 đến nay, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, thành phố Hội An được đầu tư hơn 146 tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo 255 lượt di tích xuống cấp. Di sản Hội An cơ bản vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. Tuy nhiên, các di tích này xây dựng từ lâu lại đang chịu sự tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu như: mưa bão, ngập lụt, nước biển dâng, xói lở với cường độ, tần suất ngày càng lớn đã đe dọa nghiêm trọng đến an toàn di tích. Hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố Hội An tiếp nhận 50 hồ sơ xin phép sửa chữa di tích, trong đó chủ yếu là nhà ở của dân.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, phần lớn nguồn thu từ bán vé tham quan đều sử dụng trùng tu bảo tồn di tích. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn thu từ bán vé tham quan sụt giảm sâu, cần có sự hỗ kinh phí từ Trung ương và các nguồn khác để trùng tu, bảo vệ di sản Hội An.
Trong 2 tháng 9 và 10, Hội An hứng chịu 6 đợt lũ.
“Hiện nay, ngoại trừ 30% tiền bán vé tham quan dành cho công tác quản lý, 70% còn lại dành cho công tác trùng tu, bảo tồn các giá trị văn hóa di tích. Hội An khác hoàn toàn với các di sản khác, di tích phần lớn của tư nhân. Đô thị cổ Hội An là “di sản sống” có hơn 3000 dân sinh sống trong đó. Làm bất cứ cái gì, thực hiện chính sách nào về bảo tồn phải tính đến đời sống của người dân. Muốn bảo tồn di sản Hội An phải có chung tay của bà con nhân dân, người dân phải đồng tình ủng hộ", ông Sơn cho hay./.
Đình Thiệu
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nhieu-di-tich-o-hoi-an-xuong-cap-tram-trong-sau-mua-lu-a6038.html