Trận thượng đài “vang bóng một thời” năm Canh Tý 1960 trong ký ức vị võ sư già

Tết trong thăm thẳm ký ức vị võ sư là những trận thượng đài uy dũng, vanh bóng một thời. Quyền thuật không đơn thuần là thắng thua ở lôi đài mà còn là nét văn hóa, là tinh thần võ đạo chân nguyên của người Việt.

Đấu đài ngày Xuân

Lão đại võ sư ấy là Võ Kiểu (SN 1938) trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Võ Kiểu là lão đại võ sư, Chưởng môn nhân đời thứ 9 Lạc Long Môn. Về chức danh, ông nguyên Tổng Thư ký kiêm Tổng Giám định trọng tài Liên đoàn quyền thuật miền Trung. Đại võ sư Kiểu cũng là cái tên được giới quyền thuật cổ truyền miền Trung ngưỡng vọng nhất trong mấy mươi năm qua.

Nay, dẫu ở cái tuổi cổ lai hy nhưng trong ông vẫn rắn rỏi, quắc thước đúng chất con nhà nòi võ thuật. Ngày cuối năm, ông sửa soạn lại võ đường Lạc Long Môn chờ đón con cháu, môn sinh tứ xứ tề tịu về chúc Tết.

Hơi Xuân se lạnh chợt tan biến bởi rộn ràng tiếng ca, lời chúc tụng năm mới. Cùng chúng tôi thưởng trà, võ sư Kiểu bắt đầu lật dở tập sách biên niên sử ký quyền thuật do chính ông biên soạn. Từng trang sách, từng bài quyền mở ra như khơi gợi lại một ký ức xuân xưa. Ký ức vang bóng một thời, ký ức vốn đã lắng đọng rất lâu lắm rồi trong tâm khảm vị võ sư. Ký ức đó nay bừng sáng trở lại!

“Tôi gắn với nghiệp võ từ hồi lên 10, đến nay cũng đã 60, 70 năm rồi. Thắng bại, tranh đấu, máu, mồ hôi… trãi đủ hết. Niềm vui, nỗi buồn đều gắn với võ. Ngày Tết của tôi những năm xưa cũng chỉ mỗi gắn liền với võ thuật”, võ sư Kiểu mở đầu câu chuyện.

Theo lời lão võ sư Võ Kiểu, nói đến võ thuật ngày Xuân là phải nói đến những trận thượng đài oanh liệt. Thông thường được giới võ chia thành 2 dạng cơ bản. Một là, thi đấu theo hội thi riêng trong huyện tỉnh, hoặc từng khu vực. Hai là, thi đấu theo hình thức thách đấu.

Hình ảnh tư liệu do võ sư Võ Kiểu cung cấp về việc luyện tập võ thuật những năm 1970.

Nói về loại hình thứ hai, đây là loại hấp dẫn cuốn hút người dân nhất bởi sự nghẹt thở, kịch tính ngay từ những mãn tỉ võ cân não. Nghĩa là, các võ sĩ trong đồng đạo võ lâm tuy không đăng ký đấu đài ngày Xuân (chính là loại hình thứ nhất - PV) nhưng vẫn có quyền thách đấu võ sĩ thắng 3 đêm liền. Cũng chính sự thách đấu này đã tạo sự sôi nổi, hấp dẫn cho hội võ ngày xuân. Từ đây, hình thành nên những cặp kỳ phùng địch thủ suốt nhiều năm liền nhằm tranh tài võ học. 

“Hội thi đấu thường diễn ra từ Mồng 1 đến Mồng 10 Tết theo hình thức đấu loại trực tiếp giữa hàng chục võ sĩ với nhau. Các võ sĩ không tham hội thi nhưng có quyền thách đấu với võ sĩ thắng 3 đêm liền liên tục. Thông thường, những trận thách đấu như thế này đều là trận thư hùng quyết liệt, dữ dội”, lão võ sư phân tích.

Nói quyết liệt, dữ dội không có nghĩa là đánh bán sống bán chết. Đấu đài ngày Tết xưa cũng tuân theo nhiều quy tắc nghiêm ngặt. Đặc biệt, tinh thần võ đạo chân nguyên luôn được võ sư Việt đặt lên hàng đầu. Giám khảo, trọng tài và các cố vấn giải đấu có quyền trao đổi và truất quyền thi đấu bất cứ đấu sĩ nào gian lận, thiếu tinh thần võ đạo. Trong giao đấu, cấm võ sĩ thực hiện các chiêu thức như hiểm ác như: Khi đối phương té ngã cấm đánh bồi, cấm dùng ngón tay móc vào mắt, cấm kẹp cổ rồi đánh vào ngực, vào mặt đối phương…. Những chiêu độc này nếu đánh sẽ tước mạng đối phương hoặc chí ít cũng để lại những di chứng suốt đời.

Uy dung trận thượng đài năm Canh Tý 1960

Chuyện của hơn nửa thế kỷ về trước. Tết con mắt kẻ đa tình với võ thuật như ông là thượng đài, là “hổ long tranh bá”. Cứ đến tháng Chạp hàng năm là huyện, tỉnh nào cũng dựng lôi đài thi đấu. Hồi ấy, đấu đài như một nét đẹp văn hóa, thể thao dịp Tết. Đài đấu được dựng tại đình làng hoặc bãi đất trống mà mọi người hay tụ họp. Ở nhiều nơi, người ta vừa dựng đài võ thuật, vừa dựng các không gian vui chơi văn hóa khác như bài chòi, nhảy rạp,…

Theo lão võ sư, đúng đêm Mồng 1 Âm lịch đầu xuân, sau 3 hồi chiêng trống vang dồn mọi người khắp nơi ùa về lôi đài để chờ xem đấu võ. Trước tiên, 2 võ sư kỳ cựu nhất địa phương sẽ thượng đài biểu diễn bài “Siêu đao” và “Côn pháp” khai hội. Hai bài quyền này cũng là lời gửi thăm, chúc năm mới đến mọi người.

Hình ảnh tư liệu do võ sư Võ Kiểu cung cấp về trận đấu quyền thuật xưa.

Sau màn khai hội bằng những tuyệt kỹ võ thuật cao siêu của hai bậc cao nhân là những trận thượng đại của đồng đạo võ lâm. Theo lịch, các võ sĩ sẽ thượng đài đến hết đêm mồng 10 đầu năm phục vụ cho bà con tới xem.

“Nó như ăn sâu vào tiềm thức người dân thuở đó. Ban ngày thì ai ai cũng du xuân, thăm hỏi bà con, ban đêm, từ già trẻ, gái trai í ới gọi nhau đi xem đấu võ đài dân tộc. Võ thuật dân tộc ta nặng về thực chiến. Các võ sĩ vận quần đùi, lưng cởi trần lộ những bắp thịt vạm vỡ, săn chắc của con nhà võ cùng thượng đài. Tiếng đánh bốp chát, uy lực vô cùng dưới sự hoan hỉ, náo nhiệt của hàng trăm khán giả làm nên không khí đả lôi đài xưa”, võ sư Kiểu kể.

Tròn 60 năm về trước, đúng cái Xuân Canh Tý của năm 1960 ấy. Tâm khảm người võ sư vẫn nhớ như in trận chung kết đêm Mồng 10 Tết giữa võ sĩ Đào Quang Ái (tỉnh Bình Định) và võ sĩ Lê Minh Thắng (tỉnh Quảng Ngãi). Trận thượng đài dưới sự điều khiển của trọng tài Nguyễn Văn Lời (tỉnh Quảng Bình) diễn ra giữ bốn bề trống dục liên hồi, tiếng hò reo, huýt sáo không ngớt của khán giả.

Hiệp thứ nhất, hai đấu sĩ khiến khán giả phần nào thất vọng bởi những động thái thăm dò lẫn nhau. Tuy nhiên, ngay vừa sang hiệp thứ 2, khán đài được đốt nóng bởi màn ăn miếng trả miếng của 2 võ sĩ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt như càng thêm đốt nóng sự hưng phấn của từng võ sĩ.

“Ái gây bất ngờ khi tung ngay tuyệt chiêu “Chia hoa rứt nhụy” trong chớp mắt với ý đồ dùng song quyền đánh vào trung bộ đối thủ, kết liễu trận đấu. Bị đòn bất ngờ, nhưng Sơn cũng như chim cắt, nhanh vô cùng thủ thế về sau bằng chiêu “Dự nhượng đã long bào”. Chiêu này lật ngược cùi trỏ, hạ người xuống thấp tiếp đòn một cách tài tình. Cả khán đài cứ thế ồ lên không ngớt, tiếng vỗ tay bôm bốp…”, võ sư Kiểu hồi tưởng.

Trận đấu cũng tiếp diễn trong từng khắc giây. Sau cú đỡ đòn quá ngoạn mục ấy, võ sĩ Sơn đẩy thẳng tay bằng chiêu “Hốt ngựa”. Một tay võ sĩ này nhấc mạnh chân đối phương lên cao, tay kia vòng ra sau ôm ngang thắt lưng. Bấy giờ cả lôi đài náo nhiệt bỗng chốc im bặt trong tích tắc, ai nấy cắn chặt môi trước cảnh tượng quá đỗi kỳ vỹ. Trước mắt họ, cả thân hình đồ sộ của võ sĩ Ái trở nên quá nhỏ bé trước 2 cánh tay chắc nịt, u sần lên từng khối cơ bắp của võ sĩ Sơn.

Ầm! Trong chớp mắt! Võ sĩ Sơn dồn sức bình sinh, đứng cao người dậy đồng thời cộng lực cánh tay hất mạnh đối thủ xuống sàn đấu. Cả khán đài bật dậy đồng loạt hoan hô. Đêm đã về khuya, mồ hôi nhễ nhãi võ sĩ Sơn nhận chức vô địch đầu xuân năm đó.

Giọng kể trầm dần đi, võ sư Kiểu trút thêm hơi thở dài rồi nhìn ra xa xăm. Nơi sắc mai vàng đang hé trong hơi ấm mùa xuân. Đoạn, ông rút bảo kiếm gắn bên cạnh bức trướng võ đường rồi thi triển “Mai hoa quyền”. Đường quyền vung lên, chẳng còn ai nhận ra đây là một lão ông ngót nghét 90 tuổi nữa. Đó là quyền cước mềm mại như mai hoa, khi hóa cứng rắn như chính thân mai trong gió đông đợi chờ xuân đến đâm chồi nảy lộc.

Rời võ đường hơn trăm năm tuổi nơi xã biển nghèo Quảng Nam, chúng tôi vượt dòng Thu Bồn hùng vĩ sang phía Hội An. Phố cổ ngày cận Tết cũng thật rôm rả. Điệu bài chòi, điệu hát bội được phục dựng cứ theo gió vang xa. Tết Việt xưa qua khúc hát lời ca hay qua

Nhâm Thân

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/tran-thuong-dai-vang-bong-mot-thoi-nam-canh-ty-1960-trong-ky-uc-vi-vo-su-gia-a6043.html