Mười năm trở lại đây, chưa năm nào người làm muối ở huyện Đông Hải lâm cảnh muối rớt giá nhiều như hiện nay. Họ cho rằng những tháng qua nắng hạn lâu, sản lượng muối tăng đột biến khiến cung vượt cầu.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đó chỉ là một trong nhiều lý do dẫn đến tình trạng muối rớt giá mạnh. Nguyên nhân trực tiếp vẫn là do thị trường tiêu thụ muối gặp khó khăn, đầu mối tiêu thụ thị trường trong nước lẫn nước ngoài đều biến động, giảm sản lượng mua trong và sau dịch Covid-19.
Nhọc nhằn muối rớt giá một nửa
Từ tháng 10/2019 đến nay, giá muối nguyên liệu ở huyện có giá khoảng 1.400 đồng/kg muối trắng, 800 đồng/kg muối đen. Con số này giảm gần một nửa so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá nhân công ít giảm, đầu ra muối trắng khó khăn... khiến người làm muối ở Đông Hải không khỏi lo lắng.
|
Người làm muối ở Đông Hải lo lắng vì giá muối rớt mạnh nhất trong mười năm qua. |
Ông Võ Văn Luận (58 tuổi) là người làm nghề muối thâm niên hơn 20 năm ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải. Ông nói chưa từng thấy giá muối giảm mạnh như vậy. Từ chỗ có ruộng muối, những mùa muối thất thu trước đây khiến ông không duy trì được diện tích đất sản xuất, phải sang nhượng cho người khác.
Ông Luận mỗi ngày lao động vất vả trên đồng làm thuê cho hợp tác xã, với các việc như vác muối, bơm nước, vệ sinh ruộng mối... thù lao nhận được là 200.000 đồng. Số tiền này ít hơn những năm trước khoảng 20% vì chủ ruộng muối hạ giá. Họ nói người làm thuê thông cảm vì không bán được sản phẩm, hoặc bán với giá rẻ.
Thu nhập thấp khiến gia đình ông lâm cảnh túng thiếu, phải chạy gạo từng ngày. Lao động cật lực trên cánh đồng muối nắng cháy nhiều lúc khiến ông kiệt sức, làm một vài ngày, lại phải nghỉ nhiều ngày để trị bệnh.
|
Ông Luận, người có hàng chục năm làm nghề muối cho biết cuộc sống của ông và những diêm dân khác gặp nhiều khó khăn vì muối rớt giá. |
Ông Luận là một trong số hàng trăm người tham gia làm nghề muối của Đông Hải. Theo tính toán của nhiều người, giá muối hiện tại nếu bù vào chi phí duy trì đồng muối (khoảng 1 tháng từ lúc cho nước mặn vào đến lúc thu hoạch muối), trừ phí thuê nhân công, tiền vật tư... người làm nghề không thu lãi được bao nhiêu.
Nhiều người chỉ mong lấy lại được tiền công sức bỏ ra, có hộ thua lỗ nếu chẳng may, cánh đồng muối bị hư hỏng nếu gặp mưa trái mùa.
|
|
Giá rớt, người làm muối vẫn nỗ lực bám trụ nghề. |
Không giống những nghề khác, người làm nghề muối rất e ngại trời mưa. Họ thích những con nắng khô hanh, càng nóng rát càng tốt cho ruộng muối. Giờ cao điểm nắng nóng cũng là lúc họ quên mình lao động trên đồng muối, với mong muốn có được nguồn thu càng nhanh càng tốt để tránh thiệt hại.
Mọi người mong chờ giá muối sớm cải thiện để có thu nhập tốt hơn. |
Muối rớt giá liên tục từ tháng 10/2019 đến nay, người làm muối ở Đông Hải "điêu đứng" trên chính chặng đường giành giật sản lượng với thiên nhiên mưa nắng thất thường. Vượt qua khó khăn, người dân vẫn bám trụ với nghề, mong muốn nhanh bước vào những đợt làm muối kế tiếp.
Buộc làm muối đen vì muối trắng ế ẩm
Hợp tác xã Diêm Nghiệp là một trong những hợp tác xã làm muối lâu đời, hoạt động hiệu quả bậc nhất của huyện Đông Hải. Mỗi mùa vụ muối (từ tháng 10 năm trước đến đầu tháng 6 năm sau), nơi này sản xuất hàng chục nghìn tấn muối cung ứng ra thị trường.
Ông Trương Văn Dũng, thành viên ban chủ nhiệm hợp tác xã Diêm Nghiệp cho biết hàng trăm ha ruộng muối của hợp tác xã đành "ngậm ngùi" chuyển từ làm muối trắng như những năm trước sang làm muối đen. Theo ông, đây là điều đáng buồn, vì thương hiệu muối Bạc Liêu trong cảm nhận của người dân cả nước là loại muối trắng tinh khiết, chất lượng đảm bảo, được bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý chứ không phải là muối đen.
|
|
Hơn 50% số hộ dân Đông Hải chuyển từ làm muối trắng sang làm muối đen để dễ bán hơn. |
Lý giải việc chuyển đổi này, ông Dũng cho biết muối đen hiện dễ bán hơn muối trắng, công sức và chi phí lao động cũng ít hơn. Làm muối đen cũng ít rủi ro hơn muối trắng vì thời gian kết tinh muối đến khi thu hoạch nhanh hơn muối trắng khoảng 10 ngày. Thời gian ngắn đồng nghĩa việc cánh đồng muối ít bị thiệt hại do mưa trái mùa.
Làm muối đen được xem làm lựa chọn ít rủi ro trước tình hình muối trắng rớt giá mạnh, thương lái không mua. |
Nữ diêm dân ngày đêm bám đồng muối
Bất chấp cái nắng rát mặt trên cánh đồng muối, bà Huỳnh Thị Út Mười, ấp Dinh Điền, xã Điền Hải, huyện Long Hải vẫn căng sức vác những sọt muối khoảng 40 kg trên vai.
Bà Mười vác muối thuê trên cánh đồng.Bà đã làm công việc này hàng chục năm. |
Bà vác muối thuê hơn 20 năm nay, là một trong ít "nữ tướng" được những người làm nghề muối gọi vui như vậy. Lý giải biệt danh này, nhiều người nói bà vác muối khỏe như đàn ông, thậm chí sức bền còn tốt hơn. Bà là một trong rất ít phụ nữ làm công việc nặng nhọc, tưởng chừng chỉ có đàn ông mới làm được.
|
Giá muối giảm, tiền thuê được trả mỗi ngày không còn được như năm trước. Mỗi ngày làm 8h trên đồng muối, bà nhận được 150 nghìn. Số tiền ít ỏi này không đủ bà chi tiêu hàng ngày, cuộc sống kham khổ hơn. |
Một "nữ tướng" diêm dân khác là bà Phạm Hồng Sương, ngụ ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải của huyện. Bà được nhiều người ngưỡng mộ bởi sự chăm chỉ, làm muối quên ngày đêm. Năm nay 49 tuổi, vào nghề muối hơn 20 năm, bà Sương dành hết tình yêu cho công việc đang làm.
Bà Sương vẫn làm việc trên ruộng muối dù trời đã tối mịt. |
Nghề đang gặp khó, bà Sương vẫn đêm ngày bám ruộng muối khoảng 1.000 mét vuông, cùng chồng là ông Nguyễn Ngọc Châu làm tất cả các công đoạn từ lúc cho nước vào ruộng đến khi thu hoạch. Theo bà Sương, vì giá muối thấp, diện tích muối của gia đình bà cũng không lớn như những người khác, nên vợ chồng bà không thuê nhân công mà tự làm.
Gần 5 tháng nay, với cách "lấy công làm lời", hai vợ chồng thu lãi khoảng 30 triệu đồng, thấp hơn 50% so với thu nhập từ vụ muối năm trước.
|
Tự làm muối, thay vì phải thuê nhân công là cách tiết kiệm của gia đình bà Sương. |
Chồng đi làm công nhân ở TP.HCM, bà Mai Thị Quyến, ngụ ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải hàng ngày quán xuyến 2.000 mét vuông đồng muối. Bà làm nghề từ tháng 10 đến nay, đã bán khoảng 250 giạ muối, thu về 30 triệu đồng. Theo bà, đây là số thu nhập ít gần một nửa so với vụ muối năm trước.
Những đám mây nặng nước liên tục kéo đến trong những ngày qua khiến bà Quyến tất bật thu hoạch vét lượng muối còn lại trên đồng. Theo bà, nếu không thu hoạch nhanh thì nước mưa sẽ làm hỏng muối.
|
Bà Quyến cố công thu hoạch vụ muối cuối cùng trước khi mưa đến. |
Không có chồng ở nhà, bà một mình làm hết việc từ cào muối, vác muối, trữ muối... Bà nói mình làm công việc của một diêm dân lao động, với sức lực và tâm thế của một người đàn ông, một người trụ cột trong gia đình.
|
Bà Quyến mong muốn sắp tới muối được giá, bà sẽ bán nhanh để trang trải chi tiêu hàng ngày. |
"Có thể tôi chưa vội bán ngay 20 tấn muối đen vừa thu hoạch. Với giá này thì bán không có lời. Tôi định trữ lại một vài tháng, giá tăng nhẹ đạt mức 1.200 đồng/kg sẽ bán. Số tiền có được tôi dành phần trang trải cuộc sống và lo cho cháu ngoại của mình", bà Quyến tâm sự.
Gần trăm hộ dân ở Điền Hải chọn cách trữ muối lại như bà Quyến, thay vì phải bán tháo với giá thấp. Họ gom muối thành những đống to, dùng tấm nhựa che mưa nắng khá tạm bợ.
Người dân dự trữ muối trên đoạn đê dẫn vào ruộng muối, chờ thời điểm giá tốt sẽ bán. |
Tuy nhiên, việc trữ muối lại cũng khá rủi ro, vì không phải lúc nào muối cũng tăng giá trong những tháng cuối năm. Nếu giá muối không tăng, đồng nghĩa việc công sức trữ muối hàng tháng trời của diêm dân "đổ sông đổ biển".
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường, hỗ trợ người nông dân tìm đầu ra cho muối thương phẩm. Song song đó, sẽ cân nhắc các phương án trợ giá nếu tình hình giá muối tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Phạm Ngôn
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nhoc-nhan-tren-canh-dong-muoi-lon-nhat-mien-tay-a6153.html