“Áo mới” Cà Mau
Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Với điều kiện tự nhiên đặc thù, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, hệ thống giao thông phát triển, dịch vụ được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, Cà Mau còn là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng,… Tất cả, đã khiến cho vùng đất này có một lợi thế không thể so sánh để ngành du lịch địa phương có thể vươn lên tầm cao mới.
Du lịch Cà Mau đã và đang phát triển đúng hướng. Cơ sở lưu trú phát triển, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành ngày càng nhiều hơn, lượt khách tăng hằng năm từ 12 - 14%. Thống kê của ngành Du lịch Cà Mau qua các năm cho thấy, lượng khách du lịch đến Cà Mau năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, tỉnh đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 61,29% so với năm 2010 (trung bình mỗi năm tăng 7,67%). Doanh thu du lịch năm 2017 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010, đặc biệt giai đoạn 2015-2017 doanh thu tăng vọt. Riêng năm 2018, Cà Mau đã đạt con số trên 1,4 triệu lượt khách, tăng 16% so cùng kỳ năm 2017, doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng. Kết quả trên đã minh chứng cho sự khởi sắc của ngành du lịch Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau với hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng những cánh rừng tràm, rừng đước bạt ngàn là điều kiện rất lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Cà Mau còn là nơi hội tụ của hơn 20 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng. Mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng riêng đầy thú vị.
Thật khó có thể kể ra hết những di tích, danh thắng tiêu biểu của Cà Mau mà du khách có thể ghé thăm. Thế nhưng với những di tích thắng cảnh như: Chùa Phật Tổ; Đình Tân Hưng; di tích lịch sử Hòn Đá Bạc; di tích lịch sử và thắng cảnh trên đảo Hòn Khoai; căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước; căn cứ Tỉnh ủy Lung Lá – Nhà Thể; công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, bãi biển Khai Long; sân chim giữa lòng TP.Cà Mau,… là những điểm đến huy hoàng, tráng lệ và luôn hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa. Đặc biệt, rừng phòng hộ ven biển Tây, vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Thế giới (UNESCO) công nhận là khu Dự trữ sinh quyển Thế giới và tháng 4/2013; vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được Tổ chức Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar Thế giới Mũi Cà Mau…
Du khách chụp ảnh tại cột mốc tọa độ.
Đến với Cà Mau, du khách không chỉ được tham quan các khu di tích lịch sử để tìm về cội nguồn lịch sử văn hóa dân tộc mà còn có thể hòa mình vào thiên nhiên với biển, đảo kỳ thú. Trong đó có những cánh rừng đước, rừng tràm xanh bạt ngàn vô tận rất đỗi hoang sơ để khám phá, chiêm ngưỡng các loài động vật quý hiếm và thưởng thức các món ẩm thực đặc sản hấp dẫn chỉ có tại vùng Đất Mũi Cà Mau trù phú.
Bởi không có gì tuyệt vời hơn khi vừa chìm đắm trong không gian văn hóa của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ lại vừa thưởng thức các món ăn đặc sản vùng Đất Mũi như: Tôm, cua, canh chua cá dứa, cá thòi lòi nướng muối ớt, ốc len xào dừa…
Trong chuyến hành trình đó, Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau tọa lạc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách TP.Cà Mau khoảng hơn 100km thật sự là một điểm son cần phải đến trong cẩm nang du lịch của mỗi du khách. Đây không chỉ là một điểm đến đơn thuần mà còn có ý nghĩa thiêng liêng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến thăm. Đến đây, du khách sẽ tham quan cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001; Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh và biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Bên cạnh đó, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh mặt trời mọc lên ở biển Đông và lặn xuống về phía biển Tây.
Ngoài ra, du khách còn được tận mắt chứng kiến công trình cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Công trình được nghiên cứu thiết kế mô phỏng kiến trúc cột cờ Hà Nội cổ xưa, được xây dựng kiên cố hiện đại có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của biển. Công trình cột cờ Hà Nội đặt tại Cà Mau đã góp thêm cho nơi đây một công trình có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đẹp mang đậm dấu ấn “non sông liền một dãy” thiêng liêng, khẳng định chủ quyền thể hiện tình cảm keo sơn gắn bó sâu nặng giữa thủ đô Hà Nội và tỉnh Cà Mau.
Từ trên cao, du khách có thể ngắm toàn cảnh quan rừng ngập mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn, cụm đảo Hòn Khoai đẹp nên thơ giữa biển Đông và bãi bồi biển Tây.
Công trình không chỉ có các hoạt động nghiên cứu lịch sử mà còn nghiên cứu tự nhiên. Tại đây sẽ trưng bày triển lãm hiện vật phục vụ khách tham quan, tham quan du lịch, văn hóa lễ hội của người dân địa phương. Theo đó, cột cờ có tổng diện tích hơn 16.000m2 và có chiều cao 45m giúp du khách lên những tầng cao có thể ngắm toàn cảnh quan rừng ngập mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn, cụm đảo Hòn Khoai đẹp nên thơ giữa biển Đông và bãi bồi biển Tây.
Đặc biệt, du khách có thể nghỉ ngơi thư giản tại trạm dừng chân “độc nhất vô nhị” trên bãi bồi biển Tây – nơi hàng năm lấn ra biển từ 80 – 100m nhờ phù sa từ thượng nguồn Tây Tạng đổ xuống qua chín cửa sông Cửu Long, được thủy triều đưa về hướng Tây lắng lại và hình thành.
“Nơi đất biết nở, nơi rừng biết đi”
Ngành Du lịch Cà Mau đang dần phát huy tối đa giá trị các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là các lễ hội diễn ra hàng năm trở thành sự kiện thu hút du khách đến với Cà Mau. “Một vùng đất huyền thoại trong “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, một vùng đất đầy bí ẩn nhưng cũng lắm trữ tình trong “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam… Cà Mau, một chấm đỏ thiêng liêng trên bản đồ nước Việt – nơi “đất biết nở, rừng biết đi”.
Khám phá vùng đất Cà Mau, nơi có ba mặt giáp biển, nơi có hệ thống các bãi bồi là “bãi đẻ” nhiều loại thủy hải sản, là nơi dừng chân của các loài chim đi di trú hàng năm. Khu bãi bồi có tính đa dạng sinh học điển hình của vùng ngập mặn với những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo, địa hình đã tạo nên một vùng sinh thái cửa sông và eo vịnh, đầm phá ven biển, tạo nên một bức tranh kỳ thú mang nét đặc trưng riêng của Đất Mũi.
Biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi.
Đến bãi bồi vào thời điểm nước ròng, một vùng bãi rộng lớn, bao la hút tầm mắt mở ra trước chúng ta. Tới đây, du khách sẽ hiểu vì sao người Cà Mau thường có câu nói “cây mắm đi trước, cây đước theo sau” hay “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Điều này có thể hiểu rằng, trái mắm rớt xuống, trôi theo dòng nước đến vùng đất mới, sinh sôi, nảy nở, giữ đất để cây đước theo sau đâm rễ, nảy cành. Những cây mắm con nhấp nhô bạt ngàn trên bãi bùn.
Không chỉ khám phá tham quan mà du khách đến Đất Mũi Cà Mau có thể đi xuyên rừng đước bằng ghe máy, canô, trải nghiệm một ngày làm nông dân Đất Mũi với loại hình du lịch dựa vào cộng đồng (cộng đồng người địa phương làm du lịch – PV). Để đến được điểm du lịch cộng đồng, du khách đi đến khu du lịch Đất Mũi sẽ được đưa rước miễn phí bằng phương tiên thủy chạy xuôi theo tuyến kênh Rạch Bàu Nhỏ vào homestay.
Dọc theo tuyến kênh trên có các hộ gia đình kinh doanh có hiệu quả mô hình du lịch này như: Hộ ông Nguyễn Văn Nhuần (Tư Nhuần), Trần Văn Hướng (Năm Hướng), Quách Văn Ngãi, 3 Sú, Nguyễn Hùng,…Đa phần, những điểm homestay này được thiết kế theo kiểu nhà sàn cất trên vuông tôm, lợp lá rất mát mẻ.
Đến với điểm du lịch sinh thái cộng đồng, du khách sẽ được tham quan cảnh đẹp “rừng vàng, biển bạc” của xứ Đất Mũi; thưởng thức các món ngon đậm chất Cà Mau và cùng “nhâm nhi” vài ly rượu trái giác, sẽ giúp du khách ăn một lần rồi nhớ mãi hương vị đậm đà nhưng dân dã, bình dị này.
Tại nơi này, du khách còn được hòa nhập chung cuộc sống và tham gia các hoạt động đánh bắt đặc trưng của cư dân vùng Đất Mũi như bắt ốc len; câu cá (cá phi, cá chẽm,…); bắt vọp, cua,…; đục hàu; soi ba khía, xổ vuông tôm;…. Những loại đặc sản nói trên do chính du khách bắt được sẽ được chế biến (khách tự làm hoặc nhờ chủ điểm du lịch – PV) thành những món ăn ngon theo yêu cầu của khách. Chính vì thế, có thể nói thủy, hải sản tươi sống là một lợi thế của các điểm du lịch cộng đồng ở đây…
Cà Mau với vị trí là vùng đất nơi cực Nam Tổ quốc, đồng thời, trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê - Kông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá của nền kinh tế, “ngành công nghiệp không khói” của Cà Mau có thể phát huy hết tiềm năng, không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên mà ở đó còn mang đậm cái tình của người dân quê biển.
Việt Tâm
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nganh-du-lich-ca-mau-thay-ao-moi-moi-khach-la-ngan-phuong-a6216.html