Tiếng hát vượt lên phận đời đẫm nước mắt của danh ca Họa Mi (kỳ 2): Đoạn trường day dứt và cô độc nơi xứ người

Sang pháp lưu diễn và chọn ở lại, cuộc đời bà rẽ sang bước ngoặt mới. Những nỗi day dứt, đau khổ và cô độc khi một mình nơi xứ người, cứ ngỡ làm bà gục ngã...

Biến cố định mệnh

Năm 1988, Họa Mi có mặt trong đoàn nghệ sĩ TP.HCM sang Pháp lưu diễn. Khi về, đoàn điểm danh thấy thiếu mất cô. Họa Mi đã ở lại Paris. Vậy là mọi người xôn xao những lời dị nghị, nào là cô “phản bội quê hương”, nào là ích kỷ “bỏ của chạy lấy người” khi bỏ lại người chồng bệnh tật và 3 đứa con nheo nhóc ở quê nhà để thảnh thơi, ung dung chốn phồn hoa đô hội của Paris tráng lệ...

Việc Họa Mi bất ngờ ở lại Pháp không chỉ tạo nên những làn sóng dư luận trong nước mà còn là một cú sốc đến bàng hoàng đối với gia đình Lê Tấn Quốc. Bóng đen tăm tối đã  phủ lên đời chàng nghệ sĩ, giờ lại phủ dày hơn khi anh cũng có phút yếu lòng và nghĩ rằng vợ mình đã tuyệt tình…Mặc ai nói gì, Họa Mi vẫn im lặng. Cô hứng chịu những lời dị nghị, đàm tiếu của dư luận chỉ để quyết tâm thực hiện một kế sách. Theo cô, chỉ có làm như thế mới mong cứu được đôi mắt của chồng mình và khả dĩ có thể cứu vãn được cuộc sống bấp bênh của gia đình cô lúc đó.

Cô nảy ra ý định ở lại Pháp và rước chồng sang chữa bệnh xem như là tia hy vọng cuối cùng. “Hai năm đó là 2 năm tủi cực không sao kể hết. Ở quê nhà công chúng hờn trách. Còn ở xứ người không người thân, tôi thương nhớ chồng con. Tôi vừa học tiếng Pháp, vừa học lái xe còn phải đi hát từ 10h đêm đến 3h sáng ở một nhà hàng Trung Quốc với đồng lương rẻ bèo”, Họa Mi cho biết.

Họa Mi đoàn tụ với chồng con tại Pháp năm 1990.

“Phải nói thật, sau những đêm diễn, về tới nhà là tôi ôm mặt khóc. Chưa bao giờ cảm thấy mình hát mà cô đơn đến vậy. Hàng trăm khán giả, họ chỉ nghe hát vậy thôi chứ họ không hề biết tiếng Việt. Vì thế họ không thể đồng cảm với những lời ca như chính mình rút ruột để mà hát... Một ca sĩ, buồn nhất là không được hát nhưng đau nhất là hát mà không có ai đồng cảm được với mình”, nữ danh ca tủi thân.

Thậm chí, nhiều đêm lái xe về nhà mà nước mắt cô cứ tuôn rơi. “Mệt mỏi lắm chứ nhưng phải cắn răng chịu đựng mà thôi. Những phút chới với, không biết bám víu vào đâu giữa tình cảnh khắc nghiệt, tôi dặn lòng phải cố lên, sắp đến ngày đoàn tụ rồi”, Họa Mi giãi bày.

Tình dang dở biết bao nỗi niềm

Điều đầu tiên Họa Mi thực hiện khi đã tạm hòa nhập với cuộc sống ở Pháp là viết thư cho phu nhân của Tổng thống Pháp, bà Danielle Mitterrand để trình bày về hoàn cảnh của mình. Nhận được thư hồi đáp của phu nhân Tổng thống Pháp, Họa Mi mừng mừng tủi tủi. Với sự giúp đỡ của bà Danielle Mitterrand, Họa Mi đã đón chồng đến Pháp và được giới thiệu các bác sĩ giỏi nhất để chữa bệnh cho Lê Tấn Quốc.

Họa Mi sang Pháp biểu diễn với biến cố năm 1988.

Cuộc đời không vì thế mà tươi sáng hơn. Khi đưa chồng đến gặp bác sĩ chuyên khoa tại Pháp, Họa Mi lại phải đón nhận một sự thật phũ phàng. Căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố mà nghệ sĩ Lê Tấn Quốc mắc phải là căn bệnh không thể cứu chữa. Bác sĩ cho biết căn bệnh mà chồng cô mắc phải là bệnh hiếm trên thế giới và y học chưa chữa trị được. Điều đó đồng nghĩa với việc đôi mắt của Lê Tấn Quốc sẽ dần dần không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.

Khi tia hy vọng cuối cùng bị dập tắt, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc khi ấy rất đau khổ và cảm thấy bất lực nơi đất khách quê người, không được sống trong không gian âm nhạc. Cuối cùng, nghệ sĩ saxophone quyết định trở lại Việt Nam để kiếm sống bằng tài năng nghệ thuật của mình, cũng như nhẹ gánh phần nào cho Họa Mi. Còn cô phải ở lại Pháp để chăm sóc 3 đứa con của mình khi bác sĩ cũng cảnh báo căn bệnh chồng có tính di truyền. Vì thế, cô ở lại Pháp để đưa các con đi kiểm tra mắt mỗi năm cho đến 18 tuổi.

Lê Tấn Quốc tâm sự: “Trước  khi qua Pháp, tôi có nói với Họa Mi, nếu sang đó chữa khỏi mắt thì tôi ở lại, nếu không thì tôi sẽ về vì ở nhà còn mẹ già. Bốn tháng ở Pháp là những tháng ngày thử thách kinh khủng nhất trong đời sống tình cảm của tôi. Lòng tôi quặn thắt khi nghĩ đến lúc mình về, gánh nặng 3 đứa con sẽ một mình cô ấy gánh nơi đất khách quê người, không bạn bè, không người thân thích... Mà tôi ở lại thì gánh nặng và nỗi khổ tâm của cô ấy còn gấp bội. Tôi rất sợ khi sống một nơi không có việc làm, lại bệnh tật như vậy, sống cô đơn mỗi ngày khi vợ con vì mưu sinh không có ở nhà, sống như vậy chắc chắn tôi sẽ bị tâm thần”.

Tiếng hát người mẹ hiền

Sau khi về Việt Nam, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc vẫn thư từ thăm hỏi Họa Mi. “Chỉ một năm sau, anh Quốc nói sẽ lấy vợ. Tôi mừng cho anh. Vậy là chúng tôi chia tay”, nữ ca sĩ nghẹn ngào nói. Sự chia tay buồn đến nao lòng này khiến nhạc sĩ Lam Phương (lúc ấy đang ở Pháp) đã đồng cảm để viết riêng cho chuyện tình của cặp vợ chồng này ca khúc “Em đi rồi”.

Họa Mi gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tại Mỹ.

Còn ở Pháp, trớ trêu thay, ngay chính lúc này, công việc mưu sinh duy nhất của chị nơi đất khách quê người cũng không còn. Cô không thể đi hát vì trung tâm âm nhạc dành cho người Việt tại Pháp khi đó đã dời sang Mỹ. Họa Mi lại làm đủ mọi nghề để kiếm tiền lo cho các con.

Và rồi, chị bất ngờ gặp lại nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khi ông từ Mỹ sang Pháp sau 17 năm xa cách. Gặp lại tiếng chim họa mi của mình, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã khuyến khích cô sang Mỹ để hát. Lúc đó, Họa Mi băn khoăn: “Cháu đi Mỹ hát rồi ai chăm sóc con cái của cháu”. Sau một thời gian thuyết phục, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đưa được Họa Mi sang Mỹ để cất tiếng hát trở lại. Suốt 3 tháng xa con, chị phải thuê bảo mẫu để chăm sóc con ở Pháp. Chị gọi điện thoại từ Mỹ để nói chuyện với con mỗi ngày mà vẫn không yên tâm.

“Chỉ 3 tháng mà tôi cồn cào, bứt rứt không chịu được. Bản năng làm mẹ khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên, hát cũng chẳng có tâm trí để hát. Vậy là sau đợt đó, tôi quyết định không đi nữa. Người mẹ nào mà đành đoạn xa con cho đành chứ. Tôi đâu thể bỏ hết để trở lại hào quang với nghề ở Mỹ mà con cái không lo. Đam mê thì cũng phải từ bỏ thôi”, Họa Mi bộc bạch. Vậy là một lần nữa, Họa Mi lại “nuốt” tiếng hát của mình trong niềm day dứt.

Hà Nhân

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/tieng-hat-vuot-len-phan-doi-dam-nuoc-mat-cua-danh-ca-hoa-mi-ky-2-doan-truong-day-dut-va-co-doc-noi-xu-nguoi-a6297.html