Một nghiên cứu của iResearch dự báo rằng, tới cuối năm nay, Trung Quốc sẽ có khoảng 524 triệu người bán hàng qua livestream, nghĩa là 40% người dân Trung Quốc và 62% người sử dụng Internet ở nước này sẽ là người livestream. Tổng giá trị của giao dịch thương mại điện tử thông qua livestream đã đạt hơn 433 tỷ nhân dân tệ trong năm 2019 và có thể tăng gấp đôi vào cuối năm 2020.
Khi ngành bán hàng qua livestream của Trung Quốc đang tăng trưởng chóng mặt vào năm 2018, Huang Xiaobing nhận định cô không thể tiến xa hơn trong công việc. Vì thế, cô lập công ty quản lý riêng cho giới streamer, với thể loại giải trí đa dạng từ hát, nhảy hay trò chuyện với người hâm mộ trên mạng để nhận về những món quà ảo - thứ mà họ có thể đổi ra tiền.
Quà ảo là một trong những sản phẩm mà người dùng mua nhiều nhất trên mạng. Chúng cho phép người hâm mộ biểu đạt tình cảm của họ bằng vật chất, giúp tăng lượng tương tác và sự nổi tiếng của người nhận quà. Dù vậy, giống như tên gọi của nó, quà ảo cũng trở thành trung tâm của những nghi vấn về tính trung thực, theo South China Morning Post.
"Doanh nghiệp của tôi sẽ chi khoảng 3.000-5.000 tệ để mua quà ảo và thả chúng trong phiên chat", Huang kể lại cách mà công ty của cô mua sự nổi tiếng. Vào thời điểm đông nhất, công ty có tới 40 streamer.
Để một buổi phát trực tiếp trên mạng hiện trên trang chính của nền tảng, lượng người xem trong phiên phải cao hơn 10-50 lần so với con số thật. Vì thế, các công ty quản lý tìm đủ cách để đưa những buổi livestream của họ lên trang chính.
"Mọi đối thủ đều phải hướng tới mục tiêu ấy, dù cách làm có thể hơi khác nhau một chút", Huang chia sẻ. Dù không chi tiền tiền cho tất cả video livestream, công ty của cô vẫn mua quà ảo, lượt xem ảo trong một số video quan trọng. Nhiều khi chính những nền tảng phát trực tiếp cũng hiển thị con số người xem cao gấp nhiều lần con số thực tế.
Một cách khác để kéo số lượt tương tác là streamer sẽ tự bỏ tiền để mua sản phẩm trong phiên phát trực tiếp của họ. Sau đó streamer có thể tìm cách trả hàng sau đó, nhưng họ vẫn hưởng phần chia khoảng 20% từ doanh thu bán hàng qua phiên.
"Số lượt truy cập ảo tới từ khắp nơi, bao gồm những công ty công nghệ lớn nhất tới những người ảnh hưởng (KOL) chưa nổi. Mọi người đua nhau dùng con số ảo để qua mặt thuật toán, những nhà quản lý và đối tác. Đó là một hành vi cũ, nhưng họ đã tùy biến nó thành một chiêu trò nhiều lớp để phục vụ ngành bán hàng qua livestream", Elijah Whaley, Giám đốc tiếp thị của công ty quản lý streamer Parklu, giải thích.
Số ảo trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông vào tháng qua, khi công ty tài chính Muddy Waters của Mỹ cáo buộc nền tảng livestream YY của Trung Quốc đã tăng các con số lên gấp nhiều lần so với con số thực tế nhằm lừa đảo hàng tỷ USD. Theo báo cáo của công ty, tới 90% doanh thu từ nền tảng livestream của YY phát sinh nhờ hành vi lừa đảo.
YY phản bác kết luận của Muddy Waters, cho rằng Muddy Waters không hiểu điều cơ bản về ngành bán hàng qua livestream ở Trung Quốc, và những số liệu mà họ đưa ra rất phổ biến trong ngành.
Frost & Sullivan ước tính ngành livestream của Trung Quốc có thể đạt giá trị 310 tỷ tệ vào năm 2024.
Ngay cả Facebook hay Twitter cũng đối mặt với nhiều cáo buộc về hành vi gian lận số lượt xem.
Zhang Dingding, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu Sootoo tại Bắc Kinh, bình luận rằng lượng truy cập ảo là vấn đề chung mà toàn bộ ngành công nghiệp Internet đang nỗ lực loại trừ, không chỉ trong lĩnh vực livestream bán hàng.
“Không ai nghi ngờ về sự tồn tại những người dùng giả mạo, song điều quan trọng hơn là đối tượng tạo ra những lượt truy cập ảo. Mức độ chính xác trong tính toán của Muddy Waters có cũng là một vấn đề", ông Dingding nhấn mạnh.
Nhã Vy
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/chieu-tro-gian-lan-trong-nganh-ban-hang-qua-livestream-a6482.html