Hồi ức đẹp của những bậc thầy luyện “chiến mã” (kỳ 2): Tuyệt chiêu rèn nài ngựa, lật tẩy trò đỏ đen trên lưng “chiến mã”

Có ngựa hay nhưng thiếu nài giỏi cũng không thể xưng vương. Do đó, nhiều lò luyện ngựa phải cố công đào tạo nài với những bài khổ luyện khắc nghiệt. Thời hoàng kim của ngựa đua, nài ngựa trở thành nghề hái ra tiền.

Ép xác, giảm cân, “bó thân” trong xương và da

Lan man chuyện “bảo mã” Long Ngọc một thời ngang dọc trường đua Phú Thọ, anh Sơn cho biết, anh có vinh quang nhờ nghề ngựa đua bởi hội đủ nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến việc anh được thừa hưởng “kho” kinh nghiệm của ông và cha anh để lại. Tiếp đến, anh có được con mắt nhìn ngựa, phát hiện ngựa hay rất chính xác. Ngoài ra, anh sớm nhận thấy tầm quan trọng của nài ngựa trong việc phát huy tối đa tố chất của con ngựa hay. Anh từng nói, có ngựa hay nhưng thiếu nài giỏi cũng bằng thừa. Do đó, anh đã dụng công đào tạo nài riêng cho ngựa của mình.

Tầm quan trọng của nài ngựa cũng được nhiều người cùng thời anh Sơn khẳng định. Do đó, nghề nài ngựa vào thời cực thịnh trở thành con đường làm giàu, đổi đời của vô số gia đình khó khăn tại huyện Đức Hòa. Anh Sơn nói: “Luyện ngựa đã khó, luyện nài càng khó hơn. Ngựa dễ chọn nhưng nài thì phải là người có tố chất và chấp nhận những bài tập khắc nghiệt. Chỉ ai có khiếu trời cho và thật lòng đam mê mới dám chấp nhận nghề làm nài ngựa. Một khi là nài ngựa anh chỉ được phép có 1 trọng lượng cơ thể duy nhất. Trọng lượng đó không được phép thay đổi cho đến chừng nào anh còn ngồi trên yên ngựa đua. Để có được một cơ thể, trọng lượng phù hợp theo tiêu chuẩn cân nặng đã khó, việc giữ cân nặng đó nguyên vẹn theo thời gian càng khó hơn”.

Trong chuyến công tác của mình, tôi may mắn được tiếp xúc với nài Châu Lương Quyền, một trong những nài ngựa chuyên nghiệp của trường đua Phú Thọ trước đây. Anh Quyền cho biết, những gì người ta được biết về nài ngựa chỉ là hình ảnh những con người nhỏ bé, tay cầm roi, tay cầm cương nhún nhảy theo nhịp ngựa phi trên đường đua. Sau những hình ảnh ấy là một chế độ luyện tập khắc khổ. “Trước khi đi làm nài ngựa, tôi cũng to con và nặng đến 60 kg nhưng vì đam mê đua ngựa nên tôi chấp nhận các bài tập ép xác theo kiểu hành xác của ông nội để giảm từ 60kg xuống còn 30kg”, anh nói.

Nài ngựa từ là nghề hái ra tiền một thời.

Biết tôi tò mò trước những bài tập được giới ngựa đua xem là tuyệt kỹ, anh Quyền nói: “Năm 15-16 tuổi, tôi đã được ông nội chỉ cách làm nài. Khi đó, tôi nặng đến 60kg nhưng tiêu chuẩn của nài chỉ khoảng 30kg thôi. Tôi buộc phải chấp nhận những bài tập ép xác kinh khủng. Thực ra có rất nhiều phương pháp, cách thức ép xác tùy vào cân nặng của nài cần ép hoặc tùy vào thời gian cần nhanh hay chậm. Tuy nhiên, một trong những cách thức được nhiều người lựa chọn hơn cả là làm cơ thể mất nhiều nước trong thời gian ngắn”.

“Một trong những cách ép xác đáng sợ nhất là “lò hấp”. Theo cách này, nài phải ngồi vào trong một chiếc thùng lớn, trên có nắp đậy chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ để đưa không khí vào trong. Dưới đáy thùng, nài được ngồi trên lớp gạch cao khoảng 20 cm. Sau đó, người ta sẽ tăng nhiệt độ trong thùng bằng cách đốt đèn cày dưới đáy thùng.  Nếu ai không biết thì sẽ nghĩ đấy là một trò tra tấn. Ngồi trong đó việc kín khí thôi đã đủ làm mồ hôi vã ra giờ lại đốt thêm nến thì chẳng khác nào bị đem hấp. Bằng cách đó, kết hợp với uống thuốc, trong 2 tuần mà tôi sút đến 30kg vừa đủ chuẩn của nài”, anh nói thêm.

Bật mí trò đỏ đen trên lưng ngựa

Cũng theo anh, ngoài bài tập khắc nghiệt trên, nài còn được cho uống các loại thuốc sổ, thuốc lợi tiểu, … thậm chí phải tiêm một loại thuốc đặc biệt. Nài Quyền khẳng định: “Để xuống cân nhanh và giữ được thân hình, tôi phải đi chích thuốc giảm cân. Thuốc này rất hiếm các bác sĩ cũng không dám bán bừa bãi. Mỗi năm cũng chỉ được phép chích 2 lần thôi nếu hơn sẽ không tốt cho sức khỏe”. Hơn thế, để hạn chế việc tăng cân, chế độ ăn uống của nài ngựa cũng vô cùng kham khổ. Những nài ngựa từng đua ở Phú Thọ nay về chăm ngựa, quần ngựa đua cho các lò nuôi ngựa cho biết mỗi ngày chỉ ăn đúng một chén cơm mỗi bữa. Khẩu phần thức ăn của nài cũng đặc biệt hạn chế chất béo thay vào đó là rau, củ.

Tuy nhiên, một trong những kỹ thuật mà không phải nài nào cũng có được là thấu hiểu người bạn đua. Ông Hãnh nói: “Nài phải đi học luật cưỡi như không níu, kéo, không chèn ép nhau. Ngoài ra, nài còn phải học nghệ thuật cưỡi. Nhưng quan trọng hơn, nài phải hiểu được ngựa. Nài hay, chỉ cần ngồi trên lưng, đánh 1 một roi là họ biết con ngựa này hay hay dở, ngựa thích đánh đau hay chỉ thích phớt roi nhẹ trên lưng, ngựa có thể bứt tốc lúc nào, dưỡng sức lúc nào, con ngựa có cá tính ra sao,…”.

Nài ngựa Châu Lương Quyền cho biết, để có thể đua anh đã trải qua những bài luyện tập khắc nghiệt. (Ảnh: Hà Nguyễn).

Tiếp lời, nài Quyền cho biết, người làm nài không chỉ nắm vững những kỹ thuật khi đua như: cách bẻ cua, kìm cương, lấy đà, bức tốc, … mà quan trọng hơn cả là phải làm cho người và ngựa hiểu nhau. “Nếu như không quen, không hiểu con ngựa đó, nài sẽ không biết điểm mạnh, điểm yếu của nó mà phát huy hay phòng tránh. Hơn nữa, không nắm bắt được tính cách, điểm yếu điểm mạnh của con vật thì khó mà thắng cuộc. Gặp con ngựa hiền, vào đường đua, bị đối thủ dữ dằn hơn, “lực” hơn chèn ép, nếu không cho con vật cảm giác tự tin an toàn, biết cách cầm cương thì nó dễ bị run, dễ bị vượt mặt. Ngược lại, gặp  ngựa chứng, sung quá nhiều khi nó không chạy theo ý muốn của nài gây ảnh hưởng đến kỹ thuật của mình”, nài Quyền nói.

Tuy nhiên, vai trò quan trọng của nài cũng chính là nơi nảy sinh những trò đỏ đen trên lưng ngựa. Với các nài có kỹ thuật tốt, việc thắng thua không còn nằm ở sức con ngựa nữa mà được quyết định bởi người cầm cương. Anh Sơn cho biết: “Vì sợ bị nài “níu” dẫn đến mất giải, tôi mới quyết định đào tạo nài riêng cho mình. Nài ngựa hay cũng dễ sa ngã bởi đồng tiền. Họ bị mua chuộc và chỉ cần một động tác nhỏ thôi, con ngựa đang dẫn đầu sẽ về cuối, về ba, … theo ý của họ. Điều đáng nói là động tác của họ vô cùng kín, nếu không có mắt nhìn, không bao giờ người ngoài phát hiện được”.

Giải thích rõ hơn những trò đỏ đen đầy nghệ thuật của các nài ngựa biến chất, ông Hãnh cho biết, việc bán độ, nài bị mua chuộc hầu như diễn ra như “cơm bữa” lúc trường đua còn hưng thịnh. Các nài hay, nghệ thuật thường được người có tiền mua. “Nài đua cho mình có giải mỗi lần chỉ được vài ba triệu tiền công. Trong khi đó, người ta có thể trả cho nài cả chục triệu đồng để cho nài này về sau một con ngựa nào đó. Sở dĩ người ta hay mua nài giỏi là bởi những người này có những tiểu xảo rất kín, rất nghệ thuật”, ông Hãnh nói.

Trong khi đó, nài Quyền tiết lộ, khi ngồi trên lưng ngựa đang chạy với tốc độ cao, chỉ một tác động rất nhỏ của nài thôi cũng khiến con ngựa lỡ đà, mất nhịp. “Cứ tưởng tượng như ta ngồi trên chiếc xe máy đang di chuyển, chỉ cần người lái lắc hông, duỗi chân,… cũng khiến đường di chuyển của chiếc xe thay đổi. Con ngựa cũng vậy, chỉ cần nài níu nhẹ cương, kìm nhẹ chân, thúc chân vào bụng, đánh roi vào vị trí khác thường hoặc lệch tay cương khi ngựa đang bức tốc, đặt mông xuống lưng khi ngựa đang chuẩn bị lấy sức rướn,… là con ngựa bị ảnh hưởng lập tức,… Đó chỉ là một trong những tiểu xảo rất nhỏ, chưa đủ kín để qua mặt người có kinh nghiệm, chứ nếu là nài giỏi, họ có hoàn toàn làm chủ con ngựa. Nhiều khi chỉ cần thở một hơi vào tai thôi, con ngựa cũng chậm lại rồi”.

 Nghề nguy hiểm

Anh Quyền kể: “Làm nài bị ngựa đá gẫy xương sườn, gãy chân, cắn đứt tay là chuyện bình thường. Cái đáng sợ là té trên đường đua. Mặc dù có bảo hiểm, nhưng các tai nạn ngoài mong muốn như gãy cổ, dập lá lách, … thậm chí chết là điều khó tránh khỏi. Thế nên, trên trường đua Phú Thọ người ta lập ra một cái miếu thờ những nài không may. Trước khi vào đua, các nài cũng tới đây van vái cầu an”.

 

Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/hoi-uc-dep-cua-nhung-bac-thay-luyen-chien-ma-ky-2-tuyet-chieu-ren-nai-ngua-lat-tay-tro-do-den-tren-lung-chien-ma-a6484.html