Muốn in loại nào cũng có
Trong vai người cần in ấn một lượng lớn tem VietGAP, Lobalgap để dán lên hoa quả, PV đã tìm đến một số cơ sở in tại TP.HCM để đặt in. Tại cơ sở in ấn V.D. (quận Tân Bình) người tên Hải cho biết: “Nếu in loại tem tốt thì có giá 950 đồng/cái, số lượng in ít nhất là 400 cái. Nếu in số lượng càng nhiều thì giá càng rẻ, thậm chí chỉ còn khoảng 300 đến 400 đồng/cái. Tem này là loại decan để dán cho hoa quả, nó có 4 lớp”.
“Sau khi dán vào, sản phẩm sẽ được cố định, không thể tháo ra. Nếu muốn tháo thì sẽ bể vụn. Chính vì dễ vỡ nên đảm bảo được thương hiệu và độc quyền cho sản phẩm”, Hải nói thêm. Tương tự, tại công ty K.A. (quận Gò Vấp), PV cũng dễ dàng đặt in được số lượng lớn các loại tem nhãn dán hoa quả, rau củ cùng trên chất liệu decan. “Đây là loại giấy thông dụng nhất trong in tem nhãn. Hiện có rất nhiều mẫu mã và thiết kế bắt mắt, tùy anh lựa chọn: hình tròn, hình vuông, hình elip... tùy thích”, trong khi đưa một số mẫu người tên An giới thiệu với PV.
Để tạo lòng tin cho khách hàng, các cơ sở in ấn này đều cho biết, có hệ thống máy móc hiện đại và tốc độ in nhanh nhất, với chi phí hợp lý nhất. Điển hình, Hải cho biết: “Nếu anh in 10.000 cái sẽ có giá là 500 đồng/cái, đồng thời khuyến mại 10% và miễn phí thiết kế khi in máy offset công nghiệp. Với số lượng in này trong vòng nửa ngày sẽ giao hàng cho anh tận nơi”.
Ngoài ra, biết PV là người chưa làm cái này nên An tư vấn thêm: “Loại tem nhãn này phải ghi các thông tin cần thiết như: chi tiết sản phẩm, hình ảnh, logo, tên doanh nghiệp, nguồn gốc thương hiệu cung cấp... Hiện giá bên em đang là tốt nhất với giấy in chất lượng cao của các thương hiệu uy tín và cực nhanh”.
Có loại lại có rất nhiều tem nhãn, khiến người tiêu dùng “đau đầu”
Theo đó cùng với số lượng 10.000 cái, An báo giá 600 đồng/cái, trong vòng một ngày sẽ giao hàng. Quan sát của PV cho thấy, mẫu tem mà các cơ sở này cung cấp thì không khác gì các loại tem nhãn (của các đơn vị uy tín có giấy chứng nhận) dán trên các loại rau củ quả ở các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ truyền thống... Tuy nhiên, điều đáng nói là dù không có bất cứ loại giới từ nào vẫn có thể in các loại tem nhãn này bình thường, với số lượng bao nhiêu cũng được.
Lấy lý do doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận VietGAP nhưng muốn in lượng lớn, An cho biết: “Không thành vấn đề, anh cứ chọn mẫu, bên em sẽ in cho anh”. Tương tự, Hải cũng nói: “Nếu không có giấy chứng nhận thì có giấy đăng ký doanh nghiệp là được”.
Buôn gian bán lận
Rõ ràng, các loại tem nhãn nay đang được in ấn một cách tràn lan, vô tội vạ và rất khó kiểm soát. Ông Nguyễn Đức Hiếu, một người từng cung ứng mặt hàng hoa quả cung cấp cho các siêu thị tại TP.HCM cho biết: “Thực tế, việc in tem nhãn lâu nay vẫn dễ dàng nên không tránh khỏi việc hàng hóa kém chất lượng trà trộn đối với các sản phẩm là rau củ quả”.
Ông Hiếu lấy ví dụ, doanh nghiệp nhập khẩu 1 tấn cam sành Trung Quốc về trà trộn với 1 tấn cam sành Việt Nam, sau đó dán nhãn VietGAP lên sản phẩm thì không ai có thể kiểm soát. Hoặc thậm chí, doanh nghiệp có thể dán luôn toàn bộ sản phẩm nhập từ Trung Quốc về Việt Nam. Cũng theo ông Hiếu, hiện nay các sản phẩm đang bị giả nhái (dán nhãn VietGAP) nhiều là: cam sành, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, khoai tây...
“Đây là cách làm của những người buôn gian bán lận khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao, thậm chí nhiều loại thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài dù không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn được thẩm lậu và dán nhãn mác, đưa vào các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ truyền thống... tiêu thụ”, ông Hiếu nói thêm.
Không khó để có những loại tem nhãn như thế này.
Ngoài các sản phẩm trong nước thì nhiều sản phẩm nhập khẩu cũng có thể dán lên các tem nhãn của các tổ chức quốc tế dễ dàng. Điển hình như chứng nhận hữu cơ PGS, được xây dựng và phát triển bởi liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế. Để đạt được chứng nhận này là rất khó khăn, bởi mô hình này hoạt động theo cơ chế tập thể. Nếu một nông hộ bị phát hiện không đạt chuẩn thi tất cả các nông hộ khác trong vùng sản xuất sẽ không được cấp chứng nhận.
Ngoài ra còn có một số loại tem nhãn như USDA Organic (chứng nhận hữu cơ của bộ Nông nghiệp Mỹ) GlobalGAP (chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu)...
Hiện nay theo ghi nhận của PV, trên thị trường cùng 1 loại rau củ quả đang được “đóng” lên rất nhiều loại tem nhãn khác nhau, thậm chí tem mới chồng lên tem cũ như: tem truy xuất nguồn gốc của sở NNPTNT TP.HCM, tem VietGAP, tem chuỗi thực phẩm an toàn, tem truy xuất của riêng đơn vị sản xuất, tem của đơn vị kinh doanh... Trong khi đó cũng có hàng loạt loại rau củ quả khác không dán bất cứ loại tem nhãn nào.
Ông Nguyễn Văn Tám, một nông dân trồng rau củ ở huyện Hóc Môn cho biết: “Hiện nay tem nhãn là vấn đề đau đầu vì để đưa rau vào mỗi hệ thống siêu thị thì mỗi nơi lại có quy định nhãn tem khác nhau nên rất khó khăn cho người sản xuất, trồng trọt. Đó là chưa kể, mẫu mã, kích thước của các loại tem nhãn cũng khác nhau. Do đó, cần phải thống nhất để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và nông dân”.
Một lãnh đạo sở NN&PTNT TP.HCM cho biết: “Trong thời gian tới, thành phố đang nghiên cứu để tích hợp các con tem này vào 1 để hạn chế việc chồng chéo hoặc một sản phẩm dán quá nhiều tem nhãn. Đồng thời tránh gây lãng phí cho nông dân, tổ chức sản xuất và đơn vị liên quan. Mặt khác tránh được những bất cập trong việc in ấn tem nhãn như làm giả, làm nhái...”.
Thanh Tùng
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/loan-tem-chung-nhan-rau-qua-bua-chu-giup-hang-kem-chat-luong-thay-ten-doi-ho-a6756.html