Cảnh giác với sốt xuất huyết biến chứng nguy cơ tử vong

Sốt xuất huyết biến chứng diễn tiến nhanh, có thể khiến người bệnh tử vong. Nếu được cứu sống, người mắc sốt xuất huyết có thể tồn tại những di chứng suốt đời. Trên địa bàn tỉnh đã có những trường hợp như vậy.

Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng phải điều trị tích cực. Ảnh: Thành Chung

Bệnh chết người...

 Trung tuần tháng 11/2020, cô giáo L.T.L – giáo viên của một trường ở xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Lâu nay, xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích cận kề là một “ổ dịch” sốt xuất huyết của tỉnh. Cô giáo L.T.L đã được chuyển vào Bệnh viện HNĐK tỉnh để điều trị.

Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh tình cô giáo L không đỡ mà chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn: Thân nhiệt hạ, tứ chi tê liệt, người đau mỏi, liệt dần các cơ trên mặt... Gia đình đã chuyển cô giáo L ra bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội để được cấp cứu. Tại đây, qua xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán: Cô giáo L bị viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính do sốt xuất huyết biến chứng nên máu bị nhiễm độc; yêu cầu phải lọc máu nhiều lần... Được biết, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

 Sau 3 lần lọc máu tích cực, cô giáo L đã may mắn thoát khỏi cửa tử; sức khỏe hồi phục dần. Đến đầu tháng 12, cô giáo L đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Theo các bác sĩ: Việc cô giáo L hồi phục là một sự kỳ diệu bởi bệnh tình rất nặng. Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính còn có tên gọi khác là hội chứng Guillain Barre, gây tử vong trong bối cảnh suy hô hấp và ngừng tim khi các dây thần kinh chi phối tương ứng bị tổn thương. Bệnh thường khởi phát sau khi bị nhiễm trùng khoảng vài tuần. 10% các trường hợp tồn tại di chứng thần kinh suốt đời. Viêm đa rễ dây thần kinh cấp tính chỉ là một trong những bệnh lý do sốt xuất biến chứng mang lại.  

Thời điểm này 1 năm trước, xã Diễn Ngọc cũng là tâm điểm của dịch sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết  là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở thể nặng có thể bị suy thận, tổn thương gan, trụy mạch, tụt huyết áp, sốc, suy tim, suy thận. Với hội chứng sốc Dengue, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Từ đầu năm đến hết tháng 11, cả nước ghi nhận gần 70.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 8 trường hợp tử vong. 4 trường hợp tử vong gần đây nhất được ghi nhận trong 3 tháng (8, 9, 10), gồm 2 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở tỉnh Khánh Hòa và 1 trường hợp ở thành phố Hồ Chí Minh. 2 trường hợp tử vong ở Hà Nội gồm nam bệnh nhân 57 tuổi và nam bệnh nhân 17 tuổi. Cả hai đều có điểm chung là xuất hiện triệu chứng sốt xuất huyết diễn biến nặng nhưng không đến bệnh viện ngay mà tự điều trị tại nhà, khi nhập viện đã quá muộn và không qua khỏi... Trường hợp tử vong ở Khánh Hòa là bệnh nhân 62 tuổi, ở xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh bị sốt xuất huyết đã tử vong. Bệnh nhân này có bệnh lý nền tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, tử vong vào đầu tháng 10/2020 do nhồi máu cơ tim trên bệnh nền sốt xuất huyết.

Người dân vẫn chủ quan 

Ở Nghệ An, dịch sốt xuất huyết đã trở thành bệnh dịch nội bộ với nhiều vùng lưu hành dịch. Trong nhiều địa phương từng có dịch sốt xuất huyết thì đáng lưu ý hơn cả là ở 2 “ổ dịch” cũ xã Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu) – nơi cô giáo L công tác. Tại 2 xã này, sốt xuất huyết liên tục tái lặp, tái phát, năm nào cũng có hàng trăm người mắc.

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Từ trước đến nay, ngành Y tế Nghệ An và huyện Diễn Châu đã rất chú trọng, quyết liệt dập dịch sốt xuất huyết ở 2 “ổ dịch” ở xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích. Nhiều biện pháp đã được cơ quan chức năng triển khai: Từ việc thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết cho người dân; phát động và tổ chức các phong trào vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành... cho đến thả cá và con Mesocyclops (thiên địch của bọ gậy) vào nước...

Bất chấp những nỗ lực, công sức của ngành Y tế và địa phương, năm 2020 này, sốt xuất huyết vẫn hoành hành tại đây. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu: Từ ngày 2/9 đến cuối tháng 11/2020, hai xã Diễn Ngọc và Diễn Bích có 95 ca sốt xuất huyết, trong đó, điều trị khỏi 91 ca và hiện tại còn 4 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu (3 ca ở Diễn Ngọc, 1 ca ở Diễn Bích)... Dịch vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, số người mắc không ngừng tăng lên.

Quá trình kiểm tra, giám sát các chỉ số véc- tơ vượt mức cảnh báo dịch. Ảnh: Thành Chung

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt xuất huyết tái lặp ở xã Diễn Ngọc, Diễn Bích song tựu trung lại vẫn là sự kém ý thức của người dân. Bác sĩ Chu Minh Thọ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diễn Bích cho hay: “Sốt xuất huyết đang là một bài toán nan giải ở các xã ven biển Diễn Bích hay Diễn Ngọc khi mà mầm bệnh sẵn có tại các địa phương, dân cư đông đúc, nhà cửa san sát, hệ thống thoát nước kém, ý thức giữ gìn vệ sinh của người chưa tốt. Tính chủ động của người dân trong việc tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết chưa cao.

Nhiều hộ dân còn có thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước để sinh hoạt nhưng lại không lau rửa thường xuyên làm nơi sinh sản cho bọ gậy. Trong nhà, ngoài vườn vẫn còn những chai lọ, bể, chậu chứa nước trồng cây cảnh để không, tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển. Khi các lực lượng tổ chức phát động dọn dẹp thì tất cả phong quang, sạch đẹp thế, nhưng ngày hôm sau quay lại thì tất cả gần như trở lại như cũ, rác thải, lon bia, ống bơ lại tràn ngập”.

“Quá trình kiểm tra, giám sát các chỉ số véc-tơ vượt mức cảnh báo dịch. Yêu cầu Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế Diễn Ngọc và Diễn Bích nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; tiến hành phun thuốc diệt muỗi, hóa chất khử khuẩn môi trường tại các ổ dịch, giảm mật độ loăng quăng, bọ gậy và yêu cầu phải duy trì được mức giảm”. 

Bác sĩ Phạm Đình Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 

Lãnh đạo ngành Y tế và huyện Diễn Châu thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở xã Diễn Ngọc. Ảnh: Thành Chung

Theo các chuyên gia dịch tễ, sở dĩ ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân các xã vùng dịch ở Nghệ An chưa cao còn là do việc trên địa bàn chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh nên tính chất răn đe, cảnh báo bị coi nhẹ. Thực tế, sốt xuất huyết rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong có thể đến bất cứ lúc nào. Hy vọng rằng, câu chuyện của cô giáo L là bài học để người dân nêu cao ý thức phòng bệnh.

Ngành Y tế Nghệ An khuyến cáo: Do sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng và bọ gậy. Khi người dân có các triệu chứng của sốt xuất huyết cần phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị; tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

 

Thành Chung

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/canh-giac-voi-sot-xuat-huyet-bien-chung-nguy-co-tu-vong-a6901.html