Văn hóa được tạo nên từ thói quen của con người từ đó hình thành phong cách sống cho cả một xã hội. Sinh ra và lớn lên trong một thành phố có những nét văn hóa với hàng nghìn năm tuổi, tôi chọn cà phê vỉa hè là một trong những nét văn hóa không quá cũ nhưng khá tiêu biểu của thành phố này. Cà phê đã xuất hiện từ những năm bao cấp, nhưng tại sao lại chọn cà phê vỉa hè vì nó cũng mộc mạc như chính thành phố này vậy.
Cái đặc tính thích quan sát xung quanh chẳng riêng gì những người thưởng cà phê mà có ở hầu như những người Việt chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp từ mấy nghìn năm. Cho nên, cà phê vỉa hè không hẳn là cà phê bình dân, mà là một phong cách cà phê bình dị, gắn liền với hơi thở của cuộc sống. Đến với cà phê vỉa hè tức là đến với một văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng và khiêm tốn.
Đối với mỗi quán cà phê mang các phong cách khác nhau, nhắm đến các đối tượng khác nhau thì cà phê vỉa hè lại dung hòa được cho tất cả. Chẳng cần mặc đẹp, chẳng sợ lôi thôi, cà phê vỉa hè chú trọng đến chất lượng câu chuyện đa vùng miền, đa chủ đề. Người ta có thể nói đủ chuyện từ thơ ca đến chuyện đời thường, từ chuyện làm ăn đến chuyện góc phố, sáng tác, đàn ca sáo nhị,… ấy vậy mà cảnh nào cũng hợp! Những điều bình dị mà nhỏ nhặt ấy ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.
Khác với cà phê hè phố của người Pháp với những chiếc bàn cao, ghế cao, phục vụ kèm theo đồ ăn mang hình ảnh thơ mộng, sang trọng của một thành phố hoa lệ, khác với những cốc phê rang xay được người ta cầm trên tay khi rảo bước trên phố như ở Mỹ. Chẳng thể giống với cà phê bệt của Sài Gòn cởi mở, náo nhiệt ở dưới những tán cây xanh. Cà phê vỉa hè của Hà Nội mang đậm nét dân giã với bàn nhựa, ghế mây,.. với cà phê phin chảy từng giọt chậm rãi, như một thú tiêu khiển lịch lãm trong từng khoảnh khắc, nét êm ả của thành phố hàng nghìn năm tuổi.
Anh Phan Tuấn Ngọc chia sẻ với truyền hình Arttimes: "Mình thấy người Việt Nam uống cà phê Việt Nam quen rồi nên thường hay thích uống hơn. Còn cà phê Starbucks uống để khai sáng hoặc mở mang tầm mắt chứ không thích bằng".
Một ý kiến khác đến từ anh Trịnh Đức Duy cho rằng: "Những quán cafe như Starbucks phù hợp để làm việc nhiều hơn. Còn nếu muốn thưởng thức văn hóa của Hà Nội thì cafe vỉa hè vẫn là phương án số 1. Nó tạo cảm muốn nói chuyện nhiều hơn, gần gũi và muốn là một phần của thành phố hơn."
Cuộc sống ngày càng phát triển, cảm giác như mọi thứ cũng vồn vã hơn nhiều. Người ta nhìn thấy cốc cà phê giấy, cà phê take away, cà phê pha sẵn nhiều hơn, điều đó chứng minh thưởng thức cà phê đã trở thành một nét văn hóa đa quốc gia. Còn ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, cà phê vỉa hè thân tình như một hơi thở, một nét văn hóa mà mỗi người dân trân trọng. Anh Trịnh Đức Duy hài hước chia sẻ: "Văn hóa cà phê Việt Nam quá chuẩn, quá tuyệt! Phải xuất khẩu ra nước ngoài, càng nhiều càng tốt".
Ai chẳng có một người bạn từng nói câu: “Ê, hôm nào mình cà phê đi!”
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/ca-phe-via-he-ha-noi-mot-thu-tieu-khien-lich-lam-a6964.html