Trước đề xuất này, nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra. Bên cạnh việc một số người đồng ý thì cũng còn đó những khán giả cho rằng, nên tập trung hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn bởi đây là tình hình chung, không chỉ riêng gì nghệ sĩ mà nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa nghệ sĩ xưa nay được xem là những người "có của" với nhà đẹp, xe sang, vậy những hỗ trợ này có hợp lý?
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSƯT Sĩ Tiến – Phó giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho hay: “Trong văn bản của bộ VH,TT&DL có ghi: Bổ sung dự thảo nghị quyết hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn - Đây là đối tượng có mức lương cơ sở rất thấp, đó là những diễn viên nghệ sĩ mới vào nghề chứ không phải nghệ sĩ nào cũng được. Nếu cứ nói tắt là nghệ sĩ thì mọi người hiểu chưa đúng, là "vơ đũa cả nắm". Nếu dự thảo kia được thông qua thì đến 90% nghệ sĩ đều không được hưởng, chỉ có những diễn viên, đạo diễn vừa ra trường họ chưa được lên bậc III, bậc II… Họ mới làm nghề, chưa có kinh nghiệm và có thể bị thất nghiệp trong dịch bệnh được hưởng. Đây là động thái phù hợp trong dịch bệnh này".
Nói về phân hạng các diễn viên, nghệ sĩ Sĩ Tiến cho hay: “Những sinh viên ra trường, đầu quân về cho các nhà hát, đi làm được 1-2 năm thì được gọi là diễn viên hạng IV, hạng bét nhất, mức lương khởi điểm cũng thấp chỉ hơn 2 triệu đồng. Nếu dự thảo thông qua, những người được hỗ trợ cũng rất ít, như nhà hát Tuổi trẻ cũng chỉ 1-2 nghệ sĩ, bởi nếu có thâm niên nhiều hơn, thì họ cũng sẽ được lên bậc. Như tôi đang là đạo diễn hạng II và tôi không thuộc đối tượng hỗ trợ này.
Tôi nghĩ, bộ VH,TT&DL đã rất cân nhắc để hỗ trợ những diễn viên trẻ. Những đối tượng được hưởng hỗ trợ là những người mới vào trong biên chế Nhà hát. Để lên hạng, họ phải trải qua các kỳ thi chuyển hạng”.
Nghệ sĩ Sĩ Tiến tâm sự thêm, Bộ làm dự thảo hỗ trợ diễn viên ở hạng thấp nhấp cũng là sự động viên cho các em tiếp tục làm nghề. Nhiều em không đủ sống mà phải làm thêm nghề khác để duy trì đam mê.
“Ai cũng nghĩ nghệ sĩ giàu lắm, nhưng những người có một chút đều là những nghệ sĩ kỳ cựu đã lên hạng, đã nổi tiếng chứ không phải những nghệ sĩ hạng IV. Đừng nghĩ người nổi tiếng cũng được hỗ trợ 1,8 triệu 1 tháng. Vì nghĩ có ngôi sao giàu có cũng được hỗ trợ nên mới có những tranh cãi...”- Nghệ sĩ Sĩ Tiến bộc bạch.
Nói về dự thảo này, NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn, nguyên Thứ trưởng bộ VH,TT&DL, cho hay: “Bộ VH,TT&DL ngày càng chăm lo đến đời sống của diễn viên, người biểu diễn sân khấu. Để được làm nghề, họ cũng có nhiều vất vả, vì thế nếu được hỗ trợ, họ sẽ có thêm chút đỉnh, thêm thu nhập để vượt qua mùa dịch. Tuy nhiên, có những ý kiến trái chiều là vì nhiều người “cào bằng” nghệ sĩ nào cũng được hỗ trợ. Dự thảo có phân ra các đối tượng, đó là những nghệ sĩ hạng IV, mới ra trường, mới đi làm. Điều này cũng hợp lý. Các cụ nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đó là những quan tâm làm ấm lòng nghệ sĩ trẻ”.
Nói về những khó khăn của nghệ sĩ trẻ, NSND Lan Hương chia sẻ: “Dự thảo hỗ trợ này tốt quá, nhiều diễn viên trẻ ở Nhà hát có cuộc sống khó khăn lắm. Các em phải thuê nhà, mưu sinh rồi mới làm nghề nhưng không ai kêu khổ. Họ cứ âm thầm theo đuổi đam mê của mình thôi. Các em diễn viên hạng IV là những em mới làm nghệ thuật, các em chưa có nhiều kinh nghiệm và cuộc sống vất vả. Có em phải bán hàng online, kinh doanh. Nếu nhận làm phim ngoài thì cũng rất khổ, cát –xê chỉ vào trăm 1 ngày, nhưng một tuần cũng chỉ vài lần diễn. Đừng nhìn vào bề ngoài mà nghĩ họ sang chảnh. Đến bản thân Lan Hương giờ nghĩ lại cũng không hiểu mình đã vượt qua những vất vả thế nào để sống với nghề.
Bản thân tôi sau khi nghỉ hưu, được mời về nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn, mỗi đêm được trả 500 nghìn, còn các em trẻ, mới vào nghề thì thấp hơn nhiều. 100-200 nghìn đồng là có và được diễn ít lắm, nhất là mùa dịch này. Nên sự động viên của bộ VH,TT&DL là cần thiết để các em thắp sang ngọn lửa nghệ thuật. Sân khấu mà không có lớp trẻ là sân khấu bị tê liệt”.
Tuy nhiên, nhà văn Minh Huyền có cái nhìn khác biệt về vấn đề này, chị thẳng thắn: "Nghệ sĩ thì cũng là công dân của nước Việt Nam. Liệu họ có khó khăn còn những công dân khác, những người làm những ngành nghề khác thì sao? Chúng ta cùng nhau dập dịch bệnh nhưng cũng nên cùng nhau "nắm tay" nhau vượt quá khó khăn. Diễn viên hạng IV ở các Nhà hát, họ hơn nhiều người là có lương cố định, tuy không nhiều nhưng vẫn là có, nếu tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng" thì vẫn có thể sống được.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đối tượng khó khăn lắm, như công nhân bị mất việc, nhiều hàng quán đóng của trả mặt bằng, thu nhập không có và không có lương. Vậy là diễn viên đã hơn những người này rồi. Nếu có chính sách hỗ trợ thì nên công bằng, nếu không nhiều người sẽ bị tổn thương. Ai cũng kêu khó, kêu khổ là làm khó Chính phủ, làm khó các ban ngành".
Trước những ý kiến trái chiều này, đạo diễn Quang Tuấn thì bày tỏ quan điểm của mình: "Dịch bệnh kéo dài chưa biết lúc nào sẽ dừng lại nên ai cũng khổ và vất vả. Nếu hỗ trợ những nghệ sĩ già, không nơi nương tựa, những người mất sức lao động thì cũng có thể được nhưng những người trẻ, họ có sức khoẻ và tài năng thì tự mình phải cố gắng thôi. Tôi chứng kiến một công nhân gần nhà vì cả tháng không có việc nên chỉ ăn mỳ tôm qua ngày mà họ có kêu than đâu. Diễn viên có lương, dù là ít những có còn hơn không. Dự thảo là một chuyện nhưng việc dự thảo này có được thông qua không thì vẫn cần một khoảng thời gian và cách nhìn thấu đáo, công bằng...".
Trước đó, cuối tháng 5/2021, bộ VH,TT&DL có làm việc với các lãnh đạo Nhà hát về những khó khăn của các nhà hát hiện nay. Tại buổi làm việc này, các Nhà hát chủ yếu "kêu cứu" Nhà nước hỗ trợ các Nhà hát trả lương cho đối tượng lao động hợp đồng vốn không được ngân sách chi trả lương bởi hiện các Nhà hát không có nguồn thu để trả lương cho đối tượng nghệ sĩ này. Đối tượng lao động hiện còn khó khăn hơn cả các nghệ sĩ viên chức hạng IV mà bộ đề xuất hỗ trợ lần này.
Năm 2020, theo đề nghị của sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, UBND TP.HCM đã đồng ý hỗ trợ 151 văn nghệ sĩ của thành phố gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/người, thời gian hỗ trợ là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/dung-nghi-nguoi-noi-tieng-cung-duoc-ho-tro-18-trieu-1-thang-a7426.html