Siết chặt kỷ cương, nhất là khu phong tỏa
Sáng 25/7, TP.HCM họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Chủ trì là ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng qua 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng tình hình dịch Covid-19 tại địa phương vẫn rất phức tạp. Số ca bệnh vẫn ở mức cao, có những ngày phát hiện trên 5.000 ca nhiễm mới trong khi trung bình mỗi ngày khoảng 3.000 ca.
Mặc dù TP.HCM đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh và đồng bộ nhưng do tính chất biến chủng virus Delta lây lan nhanh nên vẫn rất khó khăn. Do đó, chính quyền thành phố “cần làm nghiêm túc hơn để ổn định tình hình”.
Để triển khai Chỉ thị 12 của Thành ủy, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn, thông báo kêu gọi người dân cùng đồng hành thực hiện siết chặt kỷ cương, quyết liệt thực hiện các biện pháp cụ thể.
Trong đó, văn bản mới của thành phố nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát, giãn cách tại các khu phong tỏa theo nguyên tắc nhà cách ly với nhà, người cách ly với người.
Bởi lẽ, mặc dù trước đó đã có nguyên tắc chung cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đa số người dân nhưng vẫn có một bộ phận người dân không đảm bảo việc cách ly.
Điều này dẫn đến số ca F0 hằng ngày tại khu phong tỏa tăng lên. Có những ngày, tỉ lệ ca F0 phát hiện tại khu vực này lên đến 70%.
Vì vậy, thành phố phải áp dụng các biện pháp trọng tâm, đảm bảo kỷ cương giãn cách cho các khu phong tỏa, yêu cầu người dân chấp hành triệt để việc cách ly.
Người dân trong khu vực phong tỏa chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp cấp cứu. Lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm sẽ được cung cấp đến nhà qua việc tổ chức ngăn nắp, trật tự của chính quyền địa phương cấp xã, phường.
“Cần phải giảm cơ hội giao lưu trong khu phong tỏa đến mức tối đa. Người dân trong khu vực này cần hiểu rõ, việc phong tỏa chỉ có thể chấm dứt khi tình hình cải thiện hơn”, ông Đức nói.
Không cấm nhưng kiểm soát chặt shipper
Trước câu hỏi của báo chí về việc kiểm soát đối tượng shipper (người giao hàng), ông Đức đánh giá: “Đây là nhóm lao động đảm nhận công tác vận chuyển hàng hóa hiện nay khi chiếm đến 2/3 số lượng xe máy đang lưu thông. Nhóm này được chia thành shipper công nghệ và người giao hàng truyền thống”.
Thành phố đang thực hiện nhiều biện pháp với mục tiêu đảm bảo quản lý việc giao lưu giữa người với người, đảm bảo việc giữ giãn cách xã hội.
Trong đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu không thể dừng nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt cho người dân.
“Thành phố không cấm nhưng hoạt động giao hàng cần được tổ chức quy củ, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số tiện nghi nhất định để hạn chế nguy cơ lây dịch khi tiếp xúc”, ông Đức chỉ ra.
Theo đó, các doanh nghiệp như Grab, Now, GoJek,... không cần đăng ký thêm thủ tục cho nhân viên, đối tác giao hàng của đơn vị mình khi đã có hợp đồng mà quan trọng là lực lượng kiếm soát sẽ tăng cường kiểm tra đối tượng người giao hàng tự phát.
Đối với hiện tượng người dân đóng giả shipper bằng trang phục tự mua để ra đường, Phó Chủ tịch TP.HCM giao Công an TP. có biện pháp phòng ngừa, xử lý khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Giám đốc sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm nêu ý kiến: “Các chốt kiểm soát giao thông phòng chống dịch làm việc đúng quy định, sẽ không chặn đường tất cả phương tiện. Riêng đối với shipper, tổ công tác có quyền kiểm tra đơn hàng giao nhận có phải hàng hóa thiết yếu hay không?”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, tinh thần của văn bản áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn thành phố là giãn cách triệt để.
“Những nơi cách ly, phong tỏa có thể xem là Chỉ thị 16+. Người dân không di chuyển, không tiếp xúc khi không cần thiết. Chính quyền các cấp sẽ ra quân kiểm tra xử lý nghiêm túc”, ông Đức yêu cầu.
Nhu cầu chi viện thêm y bác sĩ
Nói về nguồn lực chống dịch, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam khẳng định, chủ trương chung của thành phố và ngành y tế là không phân biệt thành phần nhân viên y tế thuộc công lập hay tư nhân.
Đến nay, công tác chống dịch của thành phố đã nhận được sự đóng góp không nhỏ của nhóm y tế tư nhân với 59 bệnh viện, hơn 200 phòng khám cử y bác sĩ tham gia các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Bên cạnh đó, Trung ương đã bổ sung tổng cộng 5.000 nhân viên y tế, sinh viên đại học ngành y đến TP.HCM chống dịch, nhưng do tình hình hiện nay phức tạp tại nhiều địa phương khác nên đang có sự điều chỉnh, phân bổ lại.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết đã ký văn bản đề nghị bộ Y tế chi viện cho địa phương thêm 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên.
Cụ thể, TP.HCM đang nỗ lực hoàn thiện các bệnh viện tuyến cuối, chữa trị hồi sức cho bệnh nhân nặng nên có nhu cầu lớn về nhân lực y tế có kinh nghiệm về hồi sức.
“Công tác phòng chống dịch là rất đặc thù nên ngành y tế sẽ phân bổ nhân lực theo trình độ tương ứng. Thành phố đã phối hợp với Trung ương để huy động sinh viên ngành y rồi mở rộng đến sinh viên công nghệ thông tin hay các ngành gần với y dược để tập huấn”, ông Đức cho hay.
Theo hướng dẫn của bộ Y tế, quy trình áp dụng cho F0, F1 đã được đơn giản hóa, xử lý người nhiễm virus theo từng mức độ.
Dự báo từ 5 đến 7 ngày tới, số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM vẫn cao nên Phó Chủ tịch Dương Anh Đức yêu cầu ngành y tế nỗ lực hết sức cho cuộc chiến phức tạp. Đồng thời, người dân cần có ý thức hơn nữa để tự bảo vệ mình và cộng đồng.
Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nguoi-dan-tphcm-khong-di-chuyen-khong-tiep-xuc-khi-khong-can-thiet-a7607.html