“Vùng lá me bay nhớ kỷ niệm hai chúng mình, ngày đó quen nhau vương chút tình trên tóc mây…”, bản nhạc trữ tình phát lên từ chiếc điện thoại cũ của ông Quận, người đàn ông trung niên, sống trong hẻm.
“Nay nghe nhạc tình quá chú”, người hàng xóm trẻ tuổi ngồi trong nhà nói vọng ra. Ông Quận cười hồ hởi, chậm rãi đưa mấy chậu kiểng ra đón nắng. “Đời có bao lâu mà hững hờ chú em”, nói rồi người đàn ông 70 tuổi vào nhà bê chiếc ghế gỗ, lấy thêm ấm trà nóng, bắt đầu một buổi sáng thảnh thơi trong vùng xanh, giữa tâm dịch.
Xa mặt, không cách lòng
Không khí trầm lắng của con hẻm trong cư xá Đô Thành (quận 3) chốc chốc lại được điểm xuyết bằng đôi lời chào hỏi chớp nhoáng.
- “Chị Hai đi siêu thị hả?”
- “Ừ, nay ngày chẵn, nhà tôi được đi mua đồ nè cô!”
- “Đi cẩn thận nghen chị!”
Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, quán cóc trước nhà bà Hiệp tạm nghỉ. Cả tháng nay người phụ nữ không cần phải dậy sớm, tất bật dọn bàn ghế, pha cà phê, nấu trà hay rôm rả trò chuyện với mấy cô hàng xóm. Quẩn quanh trong mấy mét vuông nhà, những khi rảnh rỗi bà Hiệp kê ghế trước cửa, thấy ai đi qua thì hỏi thăm.
Thiếu tiếng cười nói, con hẻm lạ lẫm đôi phần.
Ngoài những lúc đi chợ, ra chốt nhận đồ từ shipper, người dân ở vùng xanh hạn chế ra khỏi nhà. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“Hơi bức bí một chút nhưng an tâm”, bà Hiệp nói. Bà cho biết từ cuối tháng 7, hẻm dựng chốt kiểm soát vùng xanh, người dân trong khu vực giảm bớt nỗi lo trước tình hình dịch lây lan phức tạp. Tuân thủ nghiêm các quy tắc có phần khắt khe khi ra vào chốt, đôi lúc phải đi bộ khá xa để nhận đồ từ shipper, dẫu vậy người dân đang dần thích nghi với nhịp sống mới.
Nhà cách ly với nhà, thời gian này người trong xóm hạn chế gặp gỡ nhau, có chăng là những cuộc trò chuyện giữa khoảng cách khá xa.
“Nhà em mới đặt mua mấy kg bắp nếp. Để mai em luộc, rồi kêu thằng Nhí đem qua nhà chị mấy trái ăn cho vui”, bà Hạnh phơi đồ trên ban công, tranh thủ trò chuyện với người hàng xóm, ở ban công đối diện.
Dịch bệnh đem lại nhiều phiền phức, đôi khi cả đau buồn, thế nhưng lại giúp tình cảm láng giềng thêm gắn bó. Trong xóm có hộ khá giả, cũng không ít gia đình mất thu nhập, họ san sẻ từng kg gạo, bó rau để cùng nhau vượt qua lúc khó.
Hơi bức bí một chút nhưng an tâm
Bà Phan Thị Hiệp
Vừa nhận được 5 kg gạo từ gia đình hàng xóm, bà Thụy Dung phấn khởi đổ vào nia đem ra vỉa hè phơi nắng. Người phụ nữ cho biết trước đây cuộc sống tất bật, cả ngày quần quật nấu nướng, buôn bán, đôi khi chỉ biết mặt vài hộ sống gần nhà. Từ ngày giãn cách, dù không trực tiếp nói chuyện, nhưng mọi người dần thân thiết với nhau hơn.
“Cả tháng nay nghỉ bán, nhà tôi đâu có tiền mua gạo. Nhờ cô chú hàng xóm, lâu lâu đem qua mấy kg gạo, mấy bó rau. Bây giờ không mong gì nhiều, chỉ mong không bị đói”, bà Dung mỉm cười, dẫu mặt mày méo xẹo vì trải qua chuỗi ngày giãn cách dài đằng đẵng.
Những món quà từ "vùng xanh"
“Lấy giùm chị đôi bao tay”, người phụ nữ lớn tuổi ngồi xuống kế bên mâm bánh ướt, chuẩn bị bắt tay vào công việc. Đã nhiều ngày nay, sáng nào căn nhà của bà Mỹ Anh cũng tất bật từ sớm. Mỗi người một tay, hôm nấu xôi, bữa làm bánh ướt,.. đem tặng cho các hộ dân sống trong khu cách ly.
Công việc có phần bận rộn, tuy nhiên, ai nấy cũng hào hứng. Bà Mỹ Anh cho biết đã tạm ngừng công việc kinh doanh ở chợ hơn một tháng, vì vậy, bà dành thời gian để giúp đỡ những người khó khăn hơn. “Người góp của, kẻ góp công. Hàng xóm xung quanh góp tiền mua nguyên liệu, còn nhà tôi bỏ sức ra làm”, người phụ nữ nói.
Gia đình bà Mỹ Anh nấu các suất ăn hỗ trợ khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Không chỉ hỗ trợ các khu vực đang cách ly, người dân ở vùng xanh còn nấu chè, bánh canh, làm bánh mì... gửi đến các chiến sĩ, tình nguyện viên tại chốt kiểm dịch, chốt bảo vệ.
Mỗi ngày nấu 300-400 suất ăn gửi tận tay các chiến sĩ, cô Nguyễn Linh ngụ tại hẻm xanh 524 Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ: “Mọi người đều vất vả, có thể góp chút sức cũng là niềm vui”.
Vùng hy vọng
Nhằm hạn chế người dân từ vùng đỏ đi sang các vùng xanh, ông Nguyễn Thái Sơn, tổ trưởng tổ dân phố thường xuyên đi kiểm tra những khu vực tiếp giáp giữa vùng xanh và vùng cách ly y tế.
“Đặt hàng rào kẽm gai ở đây mà có nhiều thanh niên vẫn vượt rào. Ý thức kiểu này thì sao mà sớm hết dịch bệnh được”, ông Sơn chỉ vào dãy kẽm gai đang ngăn đôi con hẻm - nơi vừa xuất hiện các ca nhiễm nCoV mới.
Sinh sống trong vùng xanh, bà Lê Sương (64 tuổi) cho biết bà khá an tâm, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu khi xung quang vẫn còn nhiều vùng cách ly. Người phụ nữ hy vọng tất cả người dân sớm được tiêm vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Cuộc sống giãn cách có phần tẻ nhạt, ông Quận tìm niềm vui với cỏ cây. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
“Con gửi chú phiếu này, chú điền tên các thành viên trong gia đình để đăng ký đi tiêm vaccine nhé”, cô tổ trưởng đưa tờ phiếu cho ông Quân, rồi rảo bước sang nhà bên cạnh. Đọc qua một lượt, người đàn ông lấy bút điền cho cả nhà.
Cả tháng nay ông Quận ở nhà một mình, vợ con ông bị kẹt lại chỗ làm. Để cuộc sống bớt nhàm chán, ông làm bạn với cây cỏ. Mỗi buổi sáng ông đem mấy chậu kiểng ra phơi nắng, sẵn tiện ngồi nhâm nhi ly trà nóng.
“Từ hôm bùng dịch tới giờ tôi chưa bước chân ra tới đầu hẻm. Tuy có bí bách, nhưng tôi biết cách làm cuộc sống của mình bớt buồn chán. Thay vì than vãn, tôi chọn cách tận hưởng những ngày bình lặng này”, người đàn ông chầm chậm uống tách trà vẫn còn ấm.
Theo: Zingnews
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/nhung-ngay-song-cham-giua-tam-dich-tphcm-a7747.html