Doanh nghiệp kêu cứu vì nghẹt thở với “3 tại chỗ”

Sớm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện “3 tại chỗ” và ưu tiên được tiêm vắc-xin cho lao động là mong muốn của doanh nghiệp để tiếp tục duy trì mục tiêu kép.

Nhận được cuộc gọi hỏi thăm sức khoẻ, chị N.T.L. – công nhân tại công ty TNHH May mặc Xuất khẩu Impulse Fashion Việt Nam - như muốn oà khóc vì tình hình dịch tại TP.HCM ngày càng phức tạp.

Chị L. là một trong hàng trăm công nhân đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” - tức sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ từ ngày 15/7. Tuy nhiên, đến ngày 22/7, tại khu làm việc của công nhân phát hiện 1 ca nhiễm Covid-19 qua test nhanh, mọi hoạt động sản xuất phải dừng lại.

Ngay sau đó, toàn bộ công nhân được kiểm tra, phân loại F1 khi tiếp xúc gần với ca nhiễm. Đến ngày 2/8, thêm 2 ca nhiễm nữa được phát hiện do liên quan đến nguồn lây F0 ban đầu.

“Ăn, ngủ và làm việc tại nhà máy được 1 tuần thì có ca nhiễm, chúng tôi ai cũng lo sợ. Mọi người không dám nói chuyện, tiếp xúc gần với nhau vì phải đảm bảo an toàn cho bản thân. Chúng tôi đã phải ở công ty 3 tuần rồi, dù được xét nghiệm âm tính 5 lần nhưng vẫn không được về nhà vì chính quyền địa phương không cho phép”, chị L. nói.

Không chỉ riêng chị L., mà hàng nghìn công nhân tại nhiều công ty khác ở TP.HCM đều phải đối mặt với tình cảnh “ở không được mà về chẳng xong” khi công tác “3 tại chỗ” không đem lại hiệu quả, nhất là đối với hầu hết các doanh nghiệp phía Nam.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp kêu cứu vì nghẹt thở với “3 tại chỗ”

Hầu hết các doanh nghiệp đều đối mặt với tình thế khó khăn khi áp dụng "3 tại chỗ".

“3 tại chỗ” - khó chồng khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Bạch Quang Minh - Giám đốc công ty TNHH May mặc Xuất khẩu Impulse Fashion Việt Nam - cho biết, tình hình dịch nằm ngoài sức chống chịu của cả hệ thống doanh nghiệp.

Những tưởng việc “3 tại chỗ” chỉ thực hiện trong vòng 15 ngày theo Chỉ thị 16, song việc liên tục gia hạn thêm thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM do dịch vẫn chưa thể kiểm soát khiến ban lãnh đạo công ty cũng như công nhân đều cảm thấy đuối sức.

“Thời điểm thực hiện 3 tại chỗ, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thành công giống các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, dịch tại TP.HCM khó kiểm soát hơn và thời gian ban đầu theo Chỉ thị 16 là 15 ngày, song, đến thời điểm này, chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ đã gần 1 tháng, điều này thực sự quá tải, chi phí quá lớn khiến công ty không chịu nổi”, ông Minh bộc bạch và nói rằng, đây là một bài toán đánh đổi rất lớn của doanh nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp kêu cứu vì nghẹt thở với “3 tại chỗ” (Hình 2).

Doanh nghiệp ngành xuất khẩu mong muốn được tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện “3 tại chỗ”, ưu tiên được tiêm vắc-xin cho lao đông.

Theo vị Giám đốc này, khi trong công ty phát hiện ca F0 đầu tiên qua xét nghiệm nhanh, toàn bộ hoạt động tại xưởng may đã phải dừng lại. Dù dừng hoạt động, nhưng lao động không được phép trở về nhà để tự cách ly.

“Các chi phí ăn uống, thuốc men, tiền lương chúng tôi vẫn phải trả để công nhân an tâm. Mỗi lần xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, số tiền lên đến 100 triệu đồng. Song, đến thời điểm này, ban lãnh đạo công ty đã quá tải", ông Minh nói.

Không được lao động, xét nghiệm nhiều lần âm tính, hàng trăm lao động muốn được trở về nhà để tự cách ly vì lo sợ nguồn lây tiềm ẩn tại chính nhà máy. Nhưng điều này là không được phép theo quy định của chính quyền sở tại 

Là một trong hàng trăm công ty may mặc tại TP.HCM, công ty Impulse Fashion cũng phải đối diện với việc mất đơn hàng lớn, thậm chí có những đơn hàng đã ký và kéo dài đến hết quý II năm sau.

Đơn hàng của tháng 8 không thể xuất đi, công nhân lại phải dừng việc, ông Minh mong muốn Chính phủ và Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ, sớm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện “3 tại chỗ”, ưu tiên được tiêm vắc-xin cho lao động để có thể tiếp tục duy trì mục tiêu kép. 

Nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp

Thực tế việc triển khai “3 tại chỗ” trong thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, việc triển khai chỉ có thể hiệu quả trong thời gian ngắn hạn, khoảng 1 - 2 tuần. Về dài hạn nếu có phát sinh nguồn lây bệnh thì “3 tại chỗ” sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn.

Trong kiến nghị mới đây gửi đến bộ Y tế, bộ Công Thương nhắc lại cụm từ “tứ bề thọ địch” được nhiều doanh nghiệp ví von trong thời gian thực hiện mục tiêu kép và cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai “3 tại chỗ” là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch, chi phí thực hiện quá lớn.

Theo đó, bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất an toàn. 

Bộ nhấn mạnh về việc quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp. Và việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường…

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp kêu cứu vì nghẹt thở với “3 tại chỗ” (Hình 3).

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phải nhanh chóng chia sẻ và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Hoan nghênh kiến nghị của bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các kiến nghị hướng đến doanh nghiệp cần có sự linh hoạt, cụ thể hơn ở từng địa phương.

Hiện các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, việc thực hiện chính sách “3 tại chỗ” chỉ phù hợp trong khoảng thời gian ngắn, nếu kéo dài, doanh nghiệp khó có thể cầm cự.

“Tôi phải nhắc lại bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn giữ an toàn cho chính lao động và nhà máy, bởi đó chính là vấn đề sống còn của họ. Vì thế, chúng ta phòng chống dịch nhưng phải đảm bảo việc nguồn cung ứng không để bị đứt gãy, phải chia sẻ và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp ngay lúc này”, bà Lan nói với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.

Theo bà Lan, với bất cứ nền kinh tế nào ở thời điểm này, vắc-xin Covid-19 chính là cứu cánh, là giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhất.

Phát biểu kết thúc Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhằm vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng sẽ ban hành một nghị quyết nhằm thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Hai Nghị quyết này sẽ cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện kinh tế đất nước cũng như trong thẩm quyền của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp.

Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/doanh-nghiep-keu-cuu-vi-nghet-tho-voi-3-tai-cho-a7760.html