Phá sản, thất nghiệp vì dịch Covid: "Thất vọng nhưng không tuyệt vọng"

 “Hiện tại, bản thân tôi thấy rất buồn và thất vọng, nhưng tôi không muốn xin ăn, chỉ mong sao sớm qua đợt dịch để có thể làm việc bình thường”, anh M.Đ tâm sự.

Cửa hàng mới mở phải đóng cửa

Tham gia nhiều hội nhóm mở chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội, PV nhận thấy có rất nhiều câu chuyện éo le, hoàn cảnh đáng thương của những người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, không ít người rơi vào tình trạng phá sản, thất nghiệp…

Tuy nhiên, ẩn sâu trong những câu chuyện ấy điều mà PV cảm nhận được đó chính là tinh thần lạc quan, cố gắng tìm kiếm mọi cơ hội việc làm của những người đang thất nghiệp. Họ đều bày tỏ mong muốn dù lao động chân tay cũng được để mong kiếm chút tiền trang trải cuộc sống qua cơn bí cực hiện tại.

Trò chuyện với PV Người Đưa Tin Pháp luật, anh M.Đ (nhân vật xin giấu tên) bởi anh không muốn người thân và bạn bè và đối tác lo lắng.

Anh M.Đ tâm sự anh tốt nghiệp đại học, chuyên ngành tài chính ngân hàng và đã công tác trong ngành ngân hàng một thời gian. Nhưng vì muốn thay đổi môi trường nên anh quyết định chuyển hướng kinh doanh. Anh mở một cửa hàng làm móng, tuy nhiên vừa mới mở thì dịch Covid-19 bùng phát khiến anh phải đóng cửa, bao nhiêu vốn liếng bỗng chốc tiêu tan.

Anh M.Đ ngậm ngùi: “Chi phí thuê nhà 15 triệu đồng/tháng, đóng tiền nhà 3 tháng một và phải cọc trước hai tháng. Kinh phí đầu tư hết 350 triệu, vay ngân hàng 150 triệu. Cửa hàng tôi bắt đầu mở cửa từ 1/4 thì đến 30/4 tạm dừng kinh doanh theo Chỉ thị của Chính phủ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Vì mới mở cửa hàng nên khách chưa nhiều, trải qua mấy đợt dịch tôi không trụ nổi nữa đã đóng cửa hàng. Thậm chí, phải vay lãi ngoài để trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống”.

Theo lời chia sẻ của M.Đ, nhiều bạn bè của anh kinh doanh khách sạn, karaoke, quán tóc cũng phá sản… thậm chí thuê nhà 6 tháng nhưng phải “đắp chiếu”, một số phải về quê, số còn lại chạy ăn từng bữa hoặc bán hàng online.

Sự kiện - Phá sản, thất nghiệp vì dịch Covid: 'Thất vọng nhưng không tuyệt vọng'

Nhiều người bạn của anh Đ. cũng đã phải đóng cửa khách sạn, quán karaoke... vì dịch (Ảnh minh hoạ: Hữu Thắng).

Về phần mình, M.Đ cảm thấy rất buồn và thất vọng nhưng anh không muốn xin ăn (như những người lao động khó khăn khác vì nhiều lý do họ phải xin hỗ trợ thực phẩm, còn anh M.Đ chỉ mong kiếm được một công việc làm sức lao động của mình– PV) chỉ mong sao sớm qua đợt dịch để đi làm bình thường. Bạn bè của M.Đ phần thì về quê , số còn lại chạy ăn từng bữa hoặc bán hàng online.

“Vỡ nợ phá sản khổ lắm chứ. Nhiều khi mất ngủ, cãi nhau với bạn kinh doanh với mình. Nhưng trên hết mình phải nhận thức là đây đại dịch toàn cầu. Nhiều người mất mạng, mất người thân, đau khổ hơn nhiều. Tôi nghĩ còn người thì sẽ làm lại được”, anh M.Đ bộc bạch.

Anh cũng tin rằng bản thân mình có thể vừa qua được khó khăn trong giai đoạn hiện tại: “Mình thất vọng nhưng không tuyệt vọng. Tôi là người thích đọc sách và luôn muốn hướng tới những điều tích cực hơn. Tôi cũng đã phải xác định tinh thần từ lúc dịch bệnh trở nên phức tạp. Vì thế, tôi đã lên mạng mong có thể kiếm việc gì làm online hoặc vận chuyển đồ...”.

Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, anh M.Đ chia sẻ anh đã cố gắng tự động viên bản thân phải vượt qua cú sốc và trong thời buổi dịch bệnh này kiếm thêm việc làm dù là việc lao động chân tay cũng được.

“Tôi còn khoẻ và vẫn muốn cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống’, anh M.Đ nói.

Thất nghiệp, chuyển nghề

Trong khi đó trò chuyện với PV, chị Lê Dung (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết chị đã mất việc làm 3 tháng nay, công việc của chị là giáo viên dạy vẽ và huấn luyện viên Yoga.

Thất nghiệp cũng khiến cho chị phải cân đối tài chính của cả gia đình, nhưng thay vì than vãn, chị muốn làm một việc nhỏ bé đến với mọi người đó là giúp mọi người tập luyện yoga thông qua Zoom.

Sự kiện - Phá sản, thất nghiệp vì dịch Covid: 'Thất vọng nhưng không tuyệt vọng' (Hình 2).

Chị Dung muốn giúp mọi người ở nhà nâng cao sức khoẻ (Ảnh: NVCC).

“Tôi chia sẻ trên các hội nhóm và nhận được rất nhiều người đăng ký để cùng học yoga qua Zoom. Tôi nghĩ rằng, sức khoẻ rất quan trọng và đặc biệt là trong mùa dịch nên tôi muốn cùng mọi người nâng cao sức khoẻ”, chị Lê Dung cho biết.

Chị Lê Dung cũng chia sẻ thêm rằng chị rất biết ơn những nhà hảo tâm đã giúp đỡ cộng đồng lúc khó khăn, nên muốn đem chút kiến thức của mình (dù là nhỏ bé) để giúp cho mọi người đang nghỉ dịch tại nhà, từ đó nâng cao, bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.

Tương tự, anh Dũng (Hà Nội) là Giám đốc một công ty về thiết bị đèn chiếu sáng cho hay, anh đã phải cho nhân viên nghỉ và thậm chí bản thân anh đã phải trả văn phòng đang thuê, chuyển sang bán mỹ phẩm.

“Tôi không chia sẻ điều này lên trang facebook cá nhân vì sợ nhiều người thân sẽ lo lắng, nhưng vì dịch bệnh kéo dài, đèn chiếu sáng thì không đơn vị nào đặt mua. Nhiều tháng liền tôi rơi vào trạng thái căng thẳng vì vừa phải lo tiền thuê nhà, tiền trả nhân viên. Cuối cùng gồng gánh không được nữa tôi phá sản. Sau đó, tôi nhờ những người bạn của mình tư vấn và quyết định chuyển hướng sang bán mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử”, anh Dũng cho hay.

Theo lời anh Dũng, không ít người khi biết anh chuyển nghề đã cười, thậm chí nói rằng đường đường CEO của một công ty giờ đi bán mỹ phẩm… Bỏ ngoài tai những lời nói đó, anh Dũng vẫn đang cố gắng hàng ngày.

“Tôi cho rằng làm việc gì cũng được, miễn là mình lao động chân chính, không đi xin ai. Thời buổi dịch bệnh còn nhiều người khó khăn hơn mình nên có một công việc, có thu nhập để lo bữa ăn trước mắt cũng đã là hạnh phúc lắm rồi”, anh Dũng nói.

Trong cuộc trò chuyện với PV, anh M.Đ, anh Dũng hay chị Dung đều bày tỏ sự lạc quan, đồng thời cũng mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh để trở về cuộc sống bình thường mới.

Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/pha-san-that-nghiep-vi-dich-covid-that-vong-nhung-khong-tuyet-vong-a7822.html