HÀNH TRÌNH HƠN 5 GIỜ ĐI TÌM BỆNH VIỆN CHO F0 NGUY KỊCH
Hơn 5 giờ trên xe cấp cứu đi tìm nơi điều trị Covid-19 cho mẹ, người con trai không biết làm gì khác ngoài nắm chặt bàn tay bà và chờ đợi.
- Ngưng tim rồi!
"Lâu chưa?", y sĩ Khánh vừa chạy lại chỗ bệnh nhân vừa hỏi.
- Khoảng hơn 23h.
Chị ngước xuống màn hình điện thoại, đồng hồ hiển thị 00h04, nữ y sĩ quay sang nhìn điều dưỡng Minh.
Hai người lấy máy đo điện tim. Rè..rè... Một đường thẳng...
“Ba chị mất rồi”, y sĩ Khánh nói với con gái bệnh nhân.
“Chị ơi, còn cách nào không”, giọng cô gái ngoài 20 tuổi run bần bật.
Từ trong phòng, người vợ đang đeo gọng thở oxy, lặng lẽ nhìn ra. Bà nghe rõ mồn một cuộc hội thoại của con gái và y sĩ Khánh.
Người đàn ông mắc Covid-19 mất trước khi ê-kíp 115 đến cấp cứu. |
Ba mất, mẹ cấp cứu trong một đêm
10 ngày trước, gia đình chị P. tự test nhanh, cả 3 người trong gia đình cùng dương tính với SARS-CoV-2. Sốt, ho, khó thở, những triệu chứng cứ dày vò ba mẹ chị P. mỗi ngày khiến sức khoẻ của họ giảm sút.
Tối 10/8, ba chị hôn mê, hơi thở thoi thóp dựa vào bình oxy, chị gọi cấp cứu. Ba người thuộc tổ phản ứng nhanh của phường Tân Tạo A đến nơi, làm đủ mọi cách để giữ lại sự sống cho người đàn ông. Thế nhưng, tình trạng suy hô hấp khiến ông không thể trụ thêm. Ông mất trước khi xe cấp cứu 115 tới nơi.
Chị P. gục xuống khi nghe y sĩ Khánh thông báo ba mình đã mất. |
Vừa quay về đến cổng trạm, y sĩ Khánh nghe thông báo mẹ chị P. tiếp tục trở nặng.
Chiếc xe quay trở lại chung cư. Y sĩ Khánh xách túi thiết bị lên trước. Chị nói người con gái gấp rút chuẩn bị giấy tờ, 2 người dìu cô đến thang máy. Trước khi đi, chị P. không quên lấy chiếc mền, phủ lên người ba.
Băng ca được điều dưỡng Minh dựng sẵn dưới tầng hầm. Chuyển người phụ nữ lên, chiếc xe phóng thẳng đến một bệnh viện tại quận 7.
Ba chị P. vừa qua đời khoảng 30 phút thì chuyến xe cấp cứu tiếp tục đưa mẹ chị đến bệnh viện. |
“Cô ơi, ba con mất rồi, ba mắc Covid-19. Con bị bệnh, con lây cho ba mẹ”, chị P. ngồi khóc nức nở khi gọi điện cho người thân, chị nhờ vợ chồng người chú ruột làm giấy chứng tử cho ba.
Chốc lát, cô gái lại cầm tay mẹ, “Mẹ thương con, ráng thở đều, chỉ còn mẹ với con thôi”.
Trong không gian chật hẹp của buồng cấp cứu, lọc cọc tiếng băng ca, bình oxy xen lẫn tiếng nấc nghẹn của cô gái. Chiếc xe cấp cứu cứ thế lao vút trên đường Nguyễn Văn Linh.
Chuyến cấp cứu chở chị P. và mẹ đi đến 3 bệnh viện mới có nơi đủ chỗ để nhận bệnh nhân. |
Khoảng 2 giờ sáng, chuyến xe cấp cứu đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đây bệnh viện thứ 3 mà họ đi trong đêm, nơi đủ chỗ để nhận bệnh nhân ngay.
Điều dưỡng Minh đến chỗ chị P. với gương mặt thất thần đang ngồi ngoài hành lang khoa Cấp cứu. "Chị yên tâm, ở bệnh viện người ta điều trị cho cô", điều dưỡng Minh trấn an cô gái trước khi ra về.
Chiếc xe lặng lẽ trở về trạm, chuẩn bị cho những ca tiếng chuông cấp cứu sẽ còn kéo dài trong đêm. Liên tục hơn một tháng nay, công việc của y sĩ Khánh, điều dưỡng Minh và rất nhiều nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM chủ yếu là cấp cứu những F0 chuyển nặng, nguy kịch tại nhà.
Chuyến xe cấp cứu trở về trạm lúc 2h sáng. Tần suất những chuyến cấp cứu ban đêm thường nhiều hơn. |
Hơn 5 giờ tìm kiếm hy vọng
"Chúng tôi không làm cách nào khác được. Anh có muốn chờ cho cô nhập viện tại đây không?", y sĩ Khánh nói với con trai bệnh nhân sau hàng tá cuộc điện thoại nhờ trung tâm điều phối liên hệ chuyển bệnh.
"Bà lớn tuổi rồi, để bà nằm phía ngoài không chịu nổi đâu, chị giúp đưa bà đến viện khác", người đàn ông nói.
Bà cụ hôn mê sâu, nằm thở oxy trên băng ca phía sau xe cấp cứu. Người con trai ngồi cạnh không biết làm gì ngoài chờ đợi.
Trước đó, y sĩ Khánh cùng ê-kíp tiếp nhận bà cụ trên con hẻm đang phong toả trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8).
Điều dưỡng Minh đẩy băng ca vào sâu phía trong một con hẻm chật hẹp trên đường Tùng Thiện Vương. |
Nằm trên chiếc phản gỗ, bà cụ khoảng 70 tuổi hôn mê sâu, thở khò khè. Con trai bà cho biết tình trạng xảy ra từ sáng, trước đó, bà bị ho nhưng vẫn tỉnh táo và ăn uống bình thường. Cả hai đều không xét nghiệm Covid-19 trong thời gian gần đây.
"Anh ơi, hỗ trợ tụi em", điều dưỡng Minh gọi với ra đầu hẻm, nơi tài xế đang đứng chờ. 4 người luồn chiếc mền xuống người bà cụ và từ từ chuyển lên băng ca.
4 người lấy chiếc mền quấn quanh người bệnh nhân, nhấc từ chiếc phản gỗ sang băng ca. |
Nhận thấy bà cụ đang bị suy hô hấp do nghi mắc Covid-19, ê kíp chuyển bệnh nhân lên xe và cho bà thở oxy mask ngay.
Chiếc xe chuyển bánh đến bệnh viện huyện Bình Chánh, bệnh viện tầng 3 điều trị Covid-19.
Chuyến xe cấp cứu của trạm vệ tinh huyện Bình Chánh nhanh chóng đưa bà cụ bị suy hô hấp, hôn mê đến bệnh viện. |
Khoảng 20 phút, chuyến xe chở bà cụ và con trai đến Bệnh viện Điều trị Covid-19 huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, bệnh viện đang quá tải, chưa sắp xếp được giường bệnh, cả ê-kíp ngồi trong xe chờ đợi trong tâm trạng lo lắng.
"Chị ơi bà khi nào được chuyển vào viện vậy", anh con trai ngồi cùng mẹ trong buồng cấp cứu, gọi ra phía ngoài. Sau khoảng 20 phút, nhận thấy tình hình không ổn, y sĩ Khánh quyết định chuyển hướng sang Bệnh viện quận 8.
Bà cụ hôn mê, thở oxy trong vòng tay của người con trai. |
Chiếc xe chạy thẳng vào trước sảnh Khoa cấp cứu, Bệnh viện quận 8. Tuy nhiên, tình cảnh chờ đợi tiếp tục tái diễn.
Ngồi trong xe cấp cứu, anh con trai lo lắng nhìn ra phía ngoài. Khung cảnh chật chội, đông đúc. Hàng loạt bình oxy xen lẫn người bệnh nằm trên những chiến ghế bố. Tất cả đều là bệnh nhân Covid-19.
Bệnh nhân Covid-19 nằm trước sảnh Khoa cấp cứu, Bệnh viện quận 8. |
Lục tìm tờ danh sách hàng chục bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn. Chuyến xe chuyển sang Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8) với chút hy vọng mong manh.
Lượng oxy hạn chế, thiết bị không đủ hiện đại, càng để bệnh nhân trên xe lâu thì áp lực với y sĩ Khánh và ê-kíp cấp cứu càng tăng lên.
Trong không gian chật chội của buồng cấp cứu sau xe, con trai ngồi quan sát người mẹ, thi thoảng lại đưa tay chỉnh lại mask oxy trên mặt bà. |
Giữa đường, xe ghé qua trụ sở của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM (quận 10) bổ sung oxy để tiếp tục duy trì thở mask cho bệnh nhân này.
Khoảng 19h, bà cụ được tiếp nhận vào khu hồi sức của Bệnh viện dã chiến Điều trị Covid-19 số 6, kết thúc chuyến cấp cứu dài hơn 5 giờ.
"Đây là chuyến cấp cứu dài kỷ lục của mình" y sĩ Khánh nói, hơi nước trên face shield mờ đi cả gương mặt của chị. Chiếc xe tắt còi hú, trở về trạm.
Ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận có sự quá tải trong điều trị F0 tại TP.HCM, đặc biệt ở các tầng 3, 4, 5. Vì thế, những chuyến cấp cứu F0 nguy kịch ngày càng khó tìm được điểm đến.
Bệnh nhân được chuyển vào khu hồi sức của Bệnh viện dã chiến số 6, kết thúc chuyến cấp cứu hơn 5 giờ. |
Trạm cấp cứu giữa điểm nóng
Huyện Bình Chánh là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tại TP.HCM, 12551 ca tính đến ngày 15/8. Tại đây, những chuyến cấp cứu F0 cứ chạy như thoi đưa.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã chia nhỏ lực lượng để thành lập những trạm cấp cứu vệ tinh ở vùng ven. Trạm vệ tinh 115 huyện Bình Chánh từ đó bắt đầu được thiết lập dã chiến trên cơ sở vật chất của nhà thiếu nhi huyện.
Nhà thiếu nhi huyện Bình Chánh trở thành "căn cứ dã chiến" của đội cấp cứu 115 TP.HCM. |
Từ một bác sĩ cấp cứu ngoại viện, chị Đồng Ngọc Hiền trở thành trưởng trạm cấp cứu, điều hành và quản lý mọi công việc.
Hiện tại, đa số lực lượng tại đây là các tình nguyện viên lái xe, sinh viên y khoa, điều dưỡng từ những bệnh viện trên địa bàn thành phố đến để hỗ trợ trạm.
Sau hơn 2 tuần vận hành, Trạm vệ tinh 115 dã chiến huyện Bình Chánh đã vận hành ổn định. Nhiều nhu yếu phẩm được huyện đoàn mang đến hỗ trợ nhân viên trạm. |
Trạm vệ tinh 115 huyện Bình Chánh có 4 kíp cấp cứu trực luân phiên nhau theo ca 24 giờ. Mỗi ngày chỉ có 1 kíp trực nên việc đáp ứng nhu cầu cấp cứu F0 tại điểm nóng Covid-19 huyện Bình Chánh là không đủ.
"Lực lượng cấp cứu 115 tổn thương khá nhiều từ đầu đợt dịch khi liên tục có các điều dưỡng, bác sĩ bị phơi nhiễm Covid-19 do cấp cứu các ca F0", bác sĩ Hiền cho biết.
Sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của nhân viên đều ở diễn ra tại trạm, đảm bảo "vùng xanh" để duy trì hoạt động. |
"Anh Minh hôm nay ngủ được giấc nào không", một đồng nghiệp vừa nói vừa cười.
"Để dành mai ngủ cho ngon", điều dưỡng Minh ngả lưng xuống chiếc ghế bố, nghỉ ngơi sau một ca cấp cứu dài.
Theo bác sĩ Đồng Ngọc Hiền, kíp trực cấp cứu đợt dịch lần này căng thẳng hơn rất nhiều, mọi người về rồi lại đi liên tục, gần như làm việc 24 giờ, không có quãng nghỉ.
Hầu hết nhân viên, tình nguyện viên làm việc tại trạm đều ăn, ngủ tại chỗ, điều kiện còn tương đối khó khăn. |
Những F0 chuyển nặng và nguy kịch ngay tại nhà sẽ còn tiếp tục tăng theo số ca nhiễm. TP.HCM và Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp hạn chế điều này.
Trước khi những biện pháp được thực hiện thì những chuyến xe cấp cứu F0 vẫn còn lăn bánh suốt ngày đêm.
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/hanh-trinh-hon-5-gio-di-tim-benh-vien-cho-f0-nguy-kich-a7828.html