HÀ NỘI NHỮNG NGÀY CÁCH LY NHƯNG KHÔNG CÁCH LÒNG
Với nhiều công nhân, sinh viên, người bệnh mắc kẹt ở thủ đô vì dịch, những ngày giãn cách xã hội vơi bớt khó khăn và nhọc nhằn khi họ được giúp đỡ theo cách khác nhau.
“Em trọ cùng 3 người nữa nhưng các bạn ấy ở Hà Tây nên về được. Nhà 7 tầng đều có người thuê, nhưng giờ về hết rồi. Chỉ có một mình em ở đây từ đầu đợt giãn cách tới giờ”.
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt Nguyễn Văn Linh (20 tuổi, quê Tiền Hải, Thái Bình) khi căn nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm lâu lắm mới có người ghé thăm.
Căn phòng 20 m2 ở tầng 5, được thuê với giá 2,5 triệu/tháng là nơi Linh quanh quẩn suốt những ngày mắc kẹt. Cách vài hôm, chàng trai mới ra khỏi nhà để mua thực phẩm.
Lên mạng cầu cứu
“Sáng nay em dậy sớm, ra đầu ngách mua chút thịt vì 3 hôm liền ăn trứng, cũng hơi ngán. Trong ví còn đúng 60.000 đồng, em hỏi chủ quán thì may người ta nhận chuyển khoản. Em mua 100.000 đồng để ăn dần”, Linh vừa kể, vừa luôn tay đảo nồi thịt kho tàu trên bếp.
Trong lúc chờ thức ăn chín, Linh kể, ngày 3/7, cậu lên Hà Nội để chuẩn bị nhập học tại Cao đẳng du lịch Hà Nội. Cậu dự định đi làm để kiếm chút tiền vừa lo sinh hoạt, vừa nộp học phí.
Tuy nhiên, khi chưa kịp nhận việc, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, cậu bị kẹt lại do xe khách dừng hoạt động, tỉnh không nhận người từ vùng dịch về.
Đến hôm nhà hết sạch đồ ăn, cũng không còn tiền để mua, Linh vào một số nhóm trên mạng để cầu cứu. Sau đó, cậu được một nhà hảo tâm liên hệ, tới tận nơi tặng gạo, rau, củ, thịt, trứng, gia vị đủ ăn trong vài ngày.
“Biết em có ít giỏ mây tự làm, mang theo từ quê lên trước đợt giãn cách, chị ấy hứa đăng bài để giúp em bán. Nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của các "mạnh thường quân", em đã nhận được nhu yếu phẩm cần thiết và bán được hết số giỏ để an tâm hơn trong thời gian khó khăn này”, chàng trai kể.
Chưa thể đi ship vì dịch, Linh hẹn hết giãn cách sẽ gửi hàng cho khách. Nhiều người không ngại chuyển tiền trước cho cậu để trang trải sinh hoạt.
Trước đợt giãn cách, Linh ít dùng điện thoại, ngày chỉ sạc một lần. Giờ cứ mở mắt ra, cậu lại với tay tìm điện thoại, phần vì chán, phần để kiểm tra tin nhắn xem có ai đặt hàng hay không.
“Cũng may mấy hôm nay trời bớt nóng, em nằm quạt hoặc ngủ dưới nền đất cho mát. Điều hòa thì có nhưng em không dám bật vì tiền điện 4.000 đồng/số, tháng trước trả 1,7 triệu đồng xót quá nên phải tiết kiệm”, cậu kể.
Sáng nay trời nắng, Linh tranh thủ mang giỏ mây lên sân thượng phơi cho đỡ bị mốc.
Vài hôm trước, một công ty thực phẩm ngỏ ý nhận Linh vào làm việc, yêu cầu có giấy xác nhận test Covid-19 âm tính. Tuy nhiên, vì không có giấy đi đường, cậu không thể qua chốt kiểm dịch để đi làm xét nghiệm.
Dù còn khó khăn, Linh thấy may mắn hơn nhiều người vô gia cư hay lao động mất việc, phải ở tạm trên vỉa hè, dưới chân cầu trong dịch. Bởi vậy, cậu đăng bài lên mạng, bày tỏ mong muốn giúp đỡ 1-2 người khó khăn có thể tới phòng mình ở cho đến hết đợt giãn cách.
“Em không dư dả gì, em chỉ muốn san sẻ với cộng đồng chút gì đó. Nhưng hiện tại, chưa có ai liên hệ với em để nhận sự hỗ trợ này”, cậu nói.
Mái ấm tránh dịch của mẹ đơn thân
“Hai tháng nay, tôi giảm 8 kg, hôm nào cũng đi từ sáng đến tối, mỗi ngày ngủ 2-3 tiếng”, chị Hà (tên thật Đinh Thị Thu Nhung, ở quận Đống Đa) vừa nói, vừa lấy từ cốp xe ra bộ quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn để chuẩn bị phát 30 suất quà cho sinh viên, người lao động mắc kẹt ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm.
Tự nhận mình là “shipper 0 đồng trên con chiến mã sắt”, từ đợt giãn cách xã hội, chị rong ruổi khắp các góc nhỏ, hẻm cụt để nhận đồ tiếp tế của các nhà hảo tâm rồi chuyển đến tận tay người gặp khó khăn.
Theo danh sách đã lên từ trước, chị Hà cùng một người bạn lần lượt trao từng suất quà gồm gạo, trứng, mì, lạc, thịt hộp đủ ăn trong vài ngày. Như thường lệ, thứ chị “lãi” nhiều nhất là lời cảm ơn.
Nhờ một tình nguyện viên ở chốt kiểm dịch dẫn xuống, anh Quàng Văn Khoa (người dân tộc Thái ở Sơn La) cùng một người bạn tới xin đồ tiếp tế. Anh cho biết từ ngày giãn cách, nhóm anh gồm 10 người đều là công nhân, hầu hết cùng quê Sơn La, rơi vào cảnh thất nghiệp, ở chen chúc trong căn phòng khoảng 20 m2.
Không thể về quê, họ đành tằn tiện rau, cháo qua ngày với hy vọng sớm được đi làm trở lại. Trước khi rời đi, chàng trai rối rít cảm ơn bằng giọng nói tiếng phổ thông còn không sõi.
Phát đồ xong xuôi, chị Hà chạy xe về đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy - nơi chị thuê căn nhà 5 tầng làm homestay. Từ đợt giãn cách xã hội, chị dành 2 căn phòng ở đây trở thành “mái ấm tránh dịch” cho các cặp mẹ con bệnh nhi, mẹ bầu và lao động tự do mất thu nhập đến ăn, ở miễn phí.
Mỗi phòng, chị Hà đều sắm đủ bếp gas, nồi cơm, ấm điện, quạt… để mọi người yên tâm sinh hoạt. Ngày nào, chị cũng ghé qua chơi với các cháu bé và hỏi các mẹ có thiếu thực phẩm, đồ dùng gì không.
Căn phòng 20 m2 ở tầng 4 là nơi ở của 4 cặp mẹ con và một bà bầu sắp sinh. 4 bệnh nhi không cùng độ tuổi nhưng có điểm chung là không còn tóc do đang điều trị ung thư. Các bé đều cần môi trường vô trùng nên phòng được bật điều hòa cả ngày, hạn chế người vào.
Đang ngồi chơi, hai em nhỏ reo lên “Cô Hà!” khi thấy người chủ nhà tốt bụng bước vào. Trong đó, “chị cả” Chu Ánh Tuyết (15 tuổi, quê Ân Thi, Hưng Yên) trông chững chạc hơn hẳn.
Chị Nguyễn Thị Miền (48 tuổi), mẹ bé Tuyết, tâm sự con gái chị phát hiện mắc u lympho hodgkin cách đây vài tháng, đã trải qua 2 lần xạ trị, truyền hóa chất ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Mẹ con chị vừa được nhóm “Những chuyến xe yêu thương” đưa về tận nhà thì nhận được tin phải đi cách ly. Sợ con nóng, sốt không kịp vào viện nên ngay sáng hôm sau, xe lại đón hai mẹ con lên Hà Nội. Đang lo không có nhà thuê trọ, chị Miền được bác sĩ ở Viện Huyết học giới thiệu chị Hà cho ở miễn phí.
“Cô Hà tốt lắm, lo cho các con ăn, ngủ, nghỉ, gạo, cơm, sữa, nước không thiếu thứ gì. Các con đều yếu, mất hết khả năng miễn dịch do xạ trị nên có thể nóng, sốt, đau đớn bất cứ lúc nào. Nếu không có cô Hà giúp, các con, các mẹ ở đây không biết thuê trọ ở đâu trong đợt dịch thế này. Ngày nào, chúng tôi cũng bảo nhau không biết cảm ơn cô Hà thế nào cho hết”, người mẹ run run nói, đôi mắt ngấn lệ.
Vài ngày trước, bé Tuyết cũng được chị Hà tự tay cắt những lọn tóc còn sót lại sau khi truyền hóa chất. Dù khóe mắt cay cay, chị vẫn cố nở nụ cười khen “Con dễ thương quá” để khích lệ bé.
Ngồi bên cạnh, chị Trần Thị Duyến (40 tuổi, quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa), mẹ của bệnh nhi 9 tuổi bị ung thư máu hơn 4 năm nay, cũng nghẹn ngào nói lời biết ơn sự giúp đỡ của chị Hà.
“Con gái tôi ngày càng yếu, bác sĩ nói xâm nhiễm thần kinh trung ương 40%, giờ chỉ điều trị đến khi nào cơ thể không chịu được hóa chất nữa thì thôi. Bởi vậy, hết đợt điều trị trước, mẹ con tôi không dám về quê vì sợ con bất chợt nóng, sốt, không biết xoay xở ra sao. Nhờ các cô ở bệnh viện kết nối, mẹ con tôi được chở đến mái ấm của cô Hà trú tạm. Cô ấy quý trẻ con lắm, hôm nào cũng đến chơi, mang sữa, bánh cho các con và động viên các mẹ”, chị chia sẻ.
Bên cạnh mái ấm này, chị Hà cũng dành phòng trong căn nhà ở đường Hào Nam, quận Đống Đa để giúp những hoàn cảnh khó khăn. Vốn thuê nhiều căn hộ để kinh doanh homestay, trong đợt dịch này, chị cũng giảm 50-100% tiền thuê và hỗ trợ gạo, thực phẩm cho mọi người.
“Tôi là mẹ đơn thân, nuôi 3 con nhỏ nên chỉ có thể góp chút công sức hỗ trợ bà con có chỗ ở tinh tươm, cơm rau đầy đủ trong những ngày giãn cách. Tôi may mắn được nhiều bạn bè, người quen ủng hộ, hỗ trợ thêm để giúp mọi người cùng vượt đợt dịch khó khăn này”, chị Hà nói.
Trao hàng nghìn suất quà mỗi ngày
“Chúng em có 16 người ở trọ không về quê được, có cả con nhỏ và mẹ bầu sắp sinh, đang cạn lương thực, tiền hết”.
“Em có 19 lao động nghèo ở ngõ 15 Võ Chí Công, mong được cứu giúp”.
Mỗi ngày, chị Phan Thu Hằng (quận Cầu Giấy) nhận được hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi cầu cứu như thế từ khắp nơi.
Hoạt động thiện nguyện nhiều năm nay, từ đợt Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị biết mình không thể đứng ngoài công tác hỗ trợ chống dịch dù đang mang bầu ở tháng thứ 5.
Gần nửa tháng qua, vợ chồng chị Hằng bỏ tiền ra mua thực phẩm thiết yếu, chở đến các xóm trọ để trao tặng hàng nghìn suất quà mỗi ngày tới tận tay người lao động mất việc, sinh viên, bệnh nhân nghèo.
Sáng 14/8, chỉ một ngày sau khi nhận được lời nhờ giúp đỡ từ Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chị Hằng chuẩn bị 1.117 phần quà hỗ trợ sinh viên bị kẹt lại trong các xóm trọ trên địa bàn Hà Nội.
Dù chị không kêu gọi, khoảng 10 người gồm sinh viên, dân quân tự vệ tình nguyện có mặt tại kho tập kết, giúp vận chuyển mì tôm, gạo, trứng, nước mắm lên xe để các tài xế mang đi phân phát theo danh sách chị sắp xếp.
Thỉnh thoảng, có người lao động đến tận nơi xin quà, chị Hằng nhờ họ nhắn tin địa chỉ để đến tận nơi phát, tránh tụ tập đông người.
12h, các xe đã đi hết nhưng vẫn còn khoảng 700 phần quà, vừa ăn vội bát mì tôm, chị Hằng gọi điện nhờ thêm xe đến trợ giúp.
Xong đâu đấy, chị sực nhớ ra, quay sang hỏi chồng: “Các anh tài xế có đồ ăn trên xe không anh nhỉ? Đi giờ trưa nắng nôi thế này không biết có kịp ăn gì không”.
Sau bữa trưa vội, vợ chồng chị Hằng lo phân chia số quà, rồi lái xe riêng đi phát nốt các suất còn lại.
Khoảng 18h, vợ chồng chị Hằng cùng vài người em chở thực phẩm tới xóm trọ nghèo, toàn lao động mắc kẹt ở đường Võ Chí Công.
“Đây cũng là nơi ít ngày trước, tôi không kìm được nước mắt khi trông thấy cảnh 30-40 công nhân chen chúc trong lán tạm, các cháu bé khóc lả đi vì đói”, chị nhớ lại.
Người đứng ra nhờ chị Hằng giúp đỡ là chủ nhà trọ có 19 công nhân mắc kẹt, sống trong 3 căn phòng lụp xụp, bí bách.
Sau khi xếp các phần quà thành hàng ngay ngắn, chị gọi với chủ nhà từ xa: “Chú gọi mọi người xuống nhận đồ giúp con nhé. Tất cả đeo khẩu trang vào ạ, đứng giãn cách nhau nữa, dịch đang phức tạp lắm”.
Rời xóm trọ, cả nhóm di chuyển tới khu vực có công trường đang xây dựng ở cách đấy không xa. Giữa ngổn ngang đất đá và cát, căn lán được quây tạm bằng tôn là nơi ở của 13 công nhân, hầu hết đã lớn tuổi.
Trước đợt giãn cách, họ chạy xe chở vật liệu xây dựng. Khi công trình nghỉ, không ai kịp về quê, cả nhóm cố gắng động viên nhau bám trụ cho hết giãn cách.
Được người ở nhà trọ kế bên nói vợ chồng chị Hằng đang phát quà hỗ trợ lao động nghèo, một người đứng ra xin 13 suất.
“Bữa nay có nước mắm rồi, khui một chai ra ăn cơm thôi!”, một người trong lán reo lên.
Bữa tối đã nấu xong từ lâu nhưng cả nhóm cố chờ được phát quà xong mới ăn. Mọi người háo hức đến vậy bởi đây là lần đầu tiên kể từ đợt giãn cách, họ nhận được sự hỗ trợ về thực phẩm.
Cất thùng đồ vào nhà, một người vội vàng chạy theo nhóm thiện nguyện để nói lời cảm ơn và tạm biệt.
Gia đình 7 người của cô Đoàn Thị Chăm (44 tuổi, quê Nam Trực, Nam Định) cũng nhận được 3 suất quà.
Thấy cậu bé 3 tuổi, cháu cô Chăm, lon ton theo mẹ và bà chạy ra, chị Hằng vội tìm lốc sữa trong xe cho bé.
“Con xin, con cảm ơn bác ạ”, người bà nhoẻn miệng cười, nói thay lời cháu trai còn nhỏ dại.
“Cả nhà cô lên Hà Nội ở trọ, làm thuê được hơn 3 tháng. Dịch dã thế này không kịp về quê vì xe khách không chạy. Mấy ngày nay, không đi được chợ trên kia vì không có phiếu. May ngõ bên kia có chợ cóc nhỏ, cả nhà mua bán, ăn uống tiết kiệm thì cũng đủ qua ngày. Nếu giãn cách thêm 15 ngày, tiền tiêu hết, cũng không biết làm sao”, cô Chăm tâm sự.
Không nán lại lâu, vợ chồng chị Hằng lại lên xe để tiếp tục đi trao nốt số quà.
Khi được hỏi đi liên tục ngày này qua ngày khác có mệt không, chị Hằng lắc đầu: “Mấy hôm nay, chồng cũng xót, bảo vợ đi phát nốt lần này thôi rồi còn cho con nghỉ. Nhưng dịch bệnh ở thành phố còn khó lường, lời cầu cứu cũng chưa ngớt, nên nếu còn sức, tôi vẫn sẽ đi. Chỉ cần thấy mọi người nở nụ cười khi nhận được quà, mình cũng vui lây, quên hết mệt mỏi”.
Theo: Zing
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/ha-noi-nhung-ngay-cach-ly-nhung-khong-cach-long-a7911.html