Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn

Chị Phương Uyên không ngờ “cơn bão Covid-19" ập đến nhà mình nhanh như vậy. Chỉ vài ngày, 4 người trong gia đình đều trở thành F0, phải cách ly, điều trị ở các nơi khác nhau.

Hành trình vượt qua Covid-19 của nữ bệnh nhân Nguyễn Thục Phương Uyên (SN 1999, Bình Tân, TP.HCM) bắt đầu từ một ngày đầu tháng 7/2021:

Bình tĩnh chờ căn bệnh gọi tên mình

Hôm đó, người cháu (SN 2001) trong gia đình tôi bị sốt, ho. Tôi chỉ nghĩ cháu cảm cúm bình thường. Nhưng mấy ngày sau, cháu sốt cao, mỏi mệt. Con số của nhiệt kế dừng lại ở số 39, uống thuốc hạ sốt không có nhiều tác dụng, tôi phải đưa cháu đến viện.

Chúng tôi nhận được tin cháu dương tính với nCov. Bàng hoàng, sợ là cảm giác của mọi người trong nhà (ngoài tôi và người cháu, gia đình còn có anh họ, chị dâu và người giúp việc). Dù sống chung nhưng mọi người đi làm về đều ở phòng riêng, chỉ có tôi và cháu chung phòng và thường xuyên tiếp xúc.

Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
Chị Phương Uyên

Tôi cố bình tĩnh để đợi “bản án” gọi tên mình. 2 ngày sau khi cháu gái vào bệnh viện, tôi có triệu chứng sốt cao, ho, tiêu chảy, đau đầu… Nó tới như một cơn bão, ồ ạt và khủng khiếp. Không dám nhờ người thân trong nhà để tránh lây nhiễm, tôi tự chăm sóc cho bản thân.

Ngày 11/7, y tế phường đến nhà test và tôi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tôi lên xe cứu thương, bắt đầu hành trình chiến đấu với căn bệnh này. Đi cùng tôi là chị dâu và người giúp việc – những người được xác định đã lây nhiễm dù kết quả đang âm tính.

Chiếc xe đưa chúng tôi đến trước một trường tiểu học – nơi được tận dụng làm điểm cách ly các F0, trước khi phân về các bệnh viện. Người mệt rã rời, tay, chân không thể nhấc nổi, nhìn thấy chiếc giường xếp, tôi nằm bệt xuống.

Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
BV thu dung số 6 tại TP. Thủ Đức

12/7 – một ngày không thể nào quên trong đời, khi chúng tôi được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến thu dung số 6 (TP.Thủ Đức). Chuyến đi vào lúc 12h đêm, gần 2h sáng, chúng tôi đến bệnh viện. Đâp vào mắt tôi là hàng trăm người la liệt nơi tầng hầm của bệnh viện (một chung cư mới xây).

Nhìn những người cao tuổi, tôi nghĩ người ta còn cố gắng tại sao mình lại không? Nhưng nghĩ là một chuyện, để bản thân làm được điều đó là một chuyện khác.

Đã có lúc tôi tuyệt vọng…

3h sáng, ngày 13/7, chúng tôi mới được lên nơi điều trị ở tầng 9. Căn hộ có 6 người, chia 2 phòng. Phòng bên kia là 3 người F0 cùng một xóm trọ. Chung cư khá mới, sạch sẽ nhưng tôi không còn sức để tâm. Lên tới phòng, tôi đổ người xuống giường và thở. Kiệt sức, tôi bắt đầu những suy nghĩ tiêu cực.

Tôi nhớ về Đà Lạt, về cuộc sống yên bình với gia đình. Ở tuổi 22, muốn cuộc sống có thêm nhiều trải nghiệm, ngày 1/5, tôi xuống Sài Gòn để đi làm. Không ngờ trải nghiệm này thật khó để quên…

Trong đêm, tôi khóc. Cơ thể cạn sức lực, tôi với điện thoại nhắn tin cho ba mẹ. Lời xin lỗi thốt ra vì chưa một lần được báo hiếu. Tôi tiếp tục nhắn cho bạn trai: Anh hãy tìm người khác, có thể em không còn cơ hội để về.

Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
 
Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
Căn phòng nơi chị Uyên cách ly, điều trị

Tôi đã trải qua đêm đầu tiên khủng khiếp như vậy. Sáng hôm sau, các bác sĩ bắt đầu lấy thông tin bệnh nhân. Hàng ngày, các F0 báo cáo tình hình sức khỏe qua một nhóm zalo. Trường hợp khó thở, chuyển nặng sẽ được đưa xuống để hỗ trợ thở oxy.

Ngày hôm đó, cơn sốt cao, các triệu chứng ho, nhức đầu, tiêu chảy vẫn chưa buông tha. Tôi không ăn được, chỉ uống sữa, nước lọc.

Đêm đó, tôi lại chìm vào bi quan. Trong cơn sốt, tôi nghĩ chắc mình đã đến giới hạn của chịu đựng. Tôi không còn lý do để sống. Tôi chỉ muốn nhắm mắt ngủ một giấc thật dài và không phải dậy nữa.

 

Tôi nghĩ về những người thân xung quanh mình và rồi không cho phép mình buông xuôi. Ngày hôm sau, tôi cố ăn, uống nước dù không dễ dàng. Tôi gọi về nhà, cố động viên: “Ba mẹ ơi, con khỏe rồi này, khỏe như trâu vậy đó”. Bên kia vừa cúp máy, tôi đánh rơi chiếc điện thoại, nằm sõng xoài ra giường.

Sau khi chúng tôi vào viện 2 ngày, chị dâu tôi có kết quả dương tính. Anh họ tôi ở nhà cũng có kết quả tương tự, như vậy 4 người trong gia đình tôi đều trở thành F0.

Từng chút, từng chút nỗ lực, tôi âm thầm nhận ra cơ thể mình ổn hơn. Đến ngày 17/8, các triệu chứng dần thuyên giảm. Tôi bắt đầu cố gắng hỏi han, nói chuyện với các F0 cùng phòng. Bệnh viện phát cơm ba bữa/ngày. Tôi cố gắng không bỏ bữa nào, cố gắng tập thể dục, vận động. Khi vượt qua mỏi mệt, tôi mới có thể quan sát nhịp sống xung quanh.

Tôi nhìn thấy dưới cái nắng của Sài Gòn, các y bác sĩ và tình nguyện viên bê từng thùng cơm, bình nước lên tầng cho bệnh nhân. Mồ hôi họ chảy thành dòng sau bộ đồ bảo hộ.

Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
‘Tấm vé’ về nhà của chị Uyên.

Tôi nhìn thấy những người được gia đình gửi lương thực vào hỗ trợ nhưng cũng có những người hoàn cảnh neo đơn, chỉ biết chờ từng phần cơm từ thiện ở bệnh viện. Tôi nhìn thấy những người mẹ chỉ có thể nhìn con nhỏ qua điện thoại. Nước mắt họ rơi mãi.

Ngày 26/7, cơ thể tôi hoàn toàn ổn định nhưng rồi 4/6 người trong phòng được ra viện và không có tên tôi, buồn vô cùng. Nhưng trưa 28/7, cảm xúc như vỡ òa khi bác sĩ nói: “Chúc mừng em”. Chiều hôm đó, chúng tôi náo nức dọn hành lý để về.

Tôi và chị dâu về gần nhà, thấy anh trai, đang cách ly trên lầu, vẫy tay. Cuộc trùng phùng kỳ lạ chưa bao giờ tôi trải qua trong đời.

Cháu gái được về nhà đầu tiên, sau đó là người giúp việc và cuối cùng là tôi và chị dâu. Một tuần sau, anh tôi có kết quả âm tính. Những đoạn dây chăng trước nhà được gỡ xuống, cả gia đình mới thực sự đoàn tụ.

Tôi là F0: Còn thở đã là may mắn
F0 khỏi bệnh lên xe trở về nhà.

Ngày 28/7, chia sẻ trên facebook về những ngày ở viện, tôi không ngần ngại chọn trạng thái cho đoạn chia sẻ này là: Biết ơn.

Ở dưới đoạn đăng tải đó, một người bạn đã khiến tôi lặng người. Anh viết: “Ba anh đã không may mắn được như em. Ba đã mất vì căn bệnh Covid quái ác, còn anh vẫn đang phải cách ly, điều trị”.

Tôi nhận ra, còn được thở, còn được sống trên đời đã là một đặc ân…

Theo: Vietnamnet

Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/toi-la-f0-con-tho-da-la-may-man-a7912.html