15 binh sĩ Mỹ khác và hàng trăm người Afghanistan cũng bị thương trong hai vụ nổ dẫm máu tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul tối 26/8.
Nhiều dân thường bị thương trong các vụ tấn công ở sân bay quốc Hamid Karzai tại Kabul, Afghanistan tối 26/8. Ảnh: Los Angeles Times |
Người bị thương được đưa đi cấp cứu. Ảnh: Los Angeles Times |
Vài giờ trước đó, Abdul Qahar Balkhi, lãnh đạo ủy ban văn hóa của Taliban tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng, phong trào Hồi giáo này đã nhận được thông tin ám chỉ "những kẻ hiểm ác" lên kế hoạch tấn công dân thường, nên đang nỗ lực ngăn chặn.
Hai quan chức Mỹ giấu tên hôm 25/8 từng bày tỏ lo ngại về nguy cơ các phần tử IS lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở sân bay Hamid Karzai để đánh bom liều chết. Sự cố kinh hoàng rốt cuộc đã xảy ra và ISIS-K tuyên bố chúng nhắm vào binh lính Mỹ và các đồng minh Afghanistan, giữa lúc các nước phương Tây đang gấp rút triển khai chiến dịch sơ tán người khỏi Afghanistan trước hạn chót 31/8.
Theo báo RT, đúng như tên gọi, ISIS-K đã cam kết trung thành với tổ chức IS (trước đây là ISIS) và chủ yếu hoạt động ở tỉnh Khorasan, phía đông Afghanistan. Trong khi IS nhanh chóng giành được chỗ đứng tại Iraq và Syria vào năm 2015, tổ chức này coi ISIS-K là "thanh gươm của đế chế Hồi giáo" trong các cuộc chinh phạt trong tương lai ở Nam Á và Trung Á.
Thủ lĩnh kiêm chỉ huy quân sự đầu tiên của ISIS-K là một người Pakistan có tên Hafiz Saeed Khan. Abdul Rauf Aliza, cựu thành viên Taliban từng bị Mỹ giam giữ tại nhà tù Guantanamo, được chọn làm "phó tướng" cho Khan.
Cả Aliza và Khan đều lần lượt thiệt mạng trong các cuộc không kích của Mỹ ở Afghanistan vào năm 2015 và năm 2016. Thủ lĩnh hiện tại của ISIS-K là Shahab al-Muhajir, kẻ được cho từng làm chỉ huy cấp trung bên trong mạng lưới Haqqani, một lực lượng nổi dậy ở Afghanistan có liên hệ với Taliban.
Hình ảnh các tay súng ISIS-K trong một video tuyên truyền của nhóm. Ảnh: NYPost |
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, ISIS-K đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan trong suốt các năm 2017 - 2018, cùng với khoảng 250 cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Mỹ, Afghanistan và Pakistan.
Năm ngoái, nhóm này đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công nhằm vào khu tổ hợp Đại học Kabul cũng như nã tên lửa vào Phủ Tổng thống và sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Afghanistan. Nhóm cũng bị buộc tội tập kích khoa sản của tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Kabul.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 6 cho biết, sau khi hứng chịu một số tổn thất trong những năm gần đây, ISIS-K hiện duy trì lực lượng nòng cốt gồm khoảng 1.500 - 2.200 tay súng, được phân hóa thành các đơn vị nhỏ hơn. Nhóm duy trì liên lạc với IS và có mục tiêu "hiện diện tích cực trên phương tiện truyền thông xã hội ở giai đoạn hậu Mỹ rút quân”.
Taliban, lực lượng đã thâu tóm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan và thủ đô Kabul vào ngày 15/8, từng đụng độ với ISIS-K trong quá khứ. Ngoài ra, truyền thông địa phương đưa tin, ngay sau sự sụp đổ của chính quyền Kubul, phong trào Hồi giáo này đã tiến hành xử tử Abu Omar Khorasani, cựu lãnh đạo IS bị cầm tù ở Nam Á.
Các chính phủ phương Tây hiện lo ngại, sự trỗi dậy của ISIS-K trong bối cảnh hỗn loạn do sự tiếp quản của Taliban xảy ra đồng thời với sự rút quân nhanh chóng của Mỹ.
Ngay sau sự cố đẫm máu tối 26/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, các cuộc tấn công sẽ không làm Mỹ rời Afghansitan sớm hơn kế hoạch. Ông cảnh báo về hậu quả cho những kẻ phải chịu trách nhiệm. “Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng và bắt chúng trả giá”, lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh.
Theo: Vietnamnet
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/dieu-it-biet-ve-nhom-khung-bo-dung-sau-vu-tan-cong-dam-mau-o-kabul-a7954.html