Trước đó nhóm chuyên gia tại trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, và Trường Y tế Công cộng Đại học Boston, Mỹ, đã thực hiện dự án phân tích trên các bệnh nhân Covid-19 (có xét nghiệm khẳng định rRT-PCR) ở tỉnh Chiết Giang từ tháng 1 đến tháng 8/2020.
Theo bài công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine, các tác giả xác định được 9.000 người tiếp xúc gần (F1) với 730 F0. Họ là những người sống cùng nhà (bạn bè, thân nhân), đồng nghiệp, nhân viên trong bệnh viện, người đi chung xe với những F0 nói trên.
Nhóm nghiên cứu theo dõi F0 ít nhất 90 ngày sau khi họ có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Trong số này, 89% người có triệu chứng nhẹ đến trung bình, 11% không có triệu chứng.
Các chuyên gia phát hiện người sống cùng hoặc tiếp xúc F0 nhiều lần có tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao hơn so với các tiếp xúc khác. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn khi F1 tiếp xúc F0 trong 2 thời điểm: Hai ngày trước khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng hoặc 3 ngày sau khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng.
Nguy cơ cao nhất (đạt đỉnh) tại ngày 0. Điều này cho thấy ngay trước khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân đã có khả năng lây nhiễm, phát tán nCoV ra bên ngoài. Thời gian phát tán SARS-CoV-2 cao nhất kéo dài tới 6 ngày. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện nếu F0 của họ không có triệu chứng, những F1 sau đó khi mắc Covid-19 cũng có đặc điểm tương tự.
Vì thế nhóm tác giả cảnh báo khi các F1 tiếp xúc F0 trong khoảng thời gian này và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính vẫn cần cẩn trọng để tránh hiện tượng âm tính giả. F1 vẫn cần tự cách ly, theo dõi cho đến khi xét nghiệm rRT-PCR.
Tiến sĩ, giáo sư dịch tễ Leonardo Martinez, trường Y tế Công cộng, Đại học Boston, Mỹ, cho biết trước đây, các nghiên cứu tập trung về tải lượng virus hoặc số lượng virus trong đường hô hấp trên của F0 để dự báo khả năng phát tán nCoV. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã tìm thấy những bằng chứng khác để lý giải nguyên nhân một số F0 trở thành bệnh nhân siêu lây nhiễm.
Mấu chốt nằm ở thời điểm họ khởi phát triệu chứng. Càng nhiều người tiếp xúc bệnh nhân trong thời gian họ dễ phát tán nCoV, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng cao.
Tuy vậy, nghiên cứu này thực hiện trên chủng nCoV đầu tiên - chủng xuất hiện ở Vũ Hán. Do đó, các nhà nghiên cứu thừa nhận không thể khẳng định điều này với biến chủng Delta - vốn được cho là dễ lây lan, nguy cơ gây bệnh nặng hơn.
Trong khi đó theo một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Nature, người nhiễm biến thể Delta có thể lây lan virus khoảng gần 2 ngày trước khi có triệu chứng. Gần 3/4 số ca nhiễm biến thể Delta xảy ra trong giai đoạn tiền triệu chứng.
"Trong khi chủng virus trước đó có khả năng lây nhiễm giống như cảm lạnh thông thường thì biến thể Delta có mức độ lây nhiễm còn hơn cả cúm mùa, bệnh bại liệt, đậu mùa, Ebola, cúm gia cầm và có mức độ lây nhiễm tương đương bệnh thủy đậu", Stefen Ammon, Giám đốc y tế của Lực lượng Tác chiến chống Covid-19 cho DispatchHealth - một dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu, nhận định.
Do tăng mức độ lây nhiễm nên biến thể Delta đã trở thành biến thể áp đảo trên toàn thế giới. Nó cũng chiếm hơn 90% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ. Trong khi vắc-xin vẫn có hiệu quả cao để ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 thì các nghiên cứu cho thấy những người được tiêm vắc-xin vẫn có thể nhiễm virus, còn gọi là "các ca lây nhiễm đột phá", có thể có tải lượng virus cao ngang với những người chưa tiêm vắc-xin, điều đó tức là họ vẫn có thể lây lan dịch bệnh.
Do đó đeo khẩu trang và giữ khoảng cách vẫn là những biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. "Tất cả mọi người, dù tiêm vắc-xin hay chưa đều nên đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng hoặc đám đông. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn sống ở khu vực có nhiều ca mắc Covid-19 hoặc sống cùng những người chưa được tiêm vắc-xinnhư trẻ em, hay những người bị suy giảm miễn dịch, hoặc những người có thể trải qua các triệu chứng nặng nếu họ mắc bệnh", Elizabeth Beatriz, nhà dịch tễ học tại cơ quan y tế cộng đồng bang Massachusetts cho hay.
Theo: Người Đưa Tin
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/f0-co-kha-nang-lay-lan-ncov-cao-nhat-vao-thoi-diem-nao-a7974.html