Ngày 8/9, UBND TP.HCM cho biết, đã có thông tin kết quả sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22/8/2021 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, việc kiểm soát nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” đã có chuyển biến rõ rệt. Các khu dân cư cũng đã được siết chặt quản lý hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của TP.
Từ ngày 23/8, TP đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn TP, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong hai tuần vừa qua, số ca phát hiện của TP tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca.
Về công tác chăm lo an sinh xã hội, trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân Thành phố trong tổng số 2 triệu túi an sinh. Chương trình SOS của trung tâm An sinh Thành phố đã hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời, vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng.
Nhìn chung, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, nhiều lực lượng được huy động để thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân, do đó có lúc có nơi vẫn còn tình trạng người dân bức xúc vì chưa được hỗ trợ kịp thời hoặc hỗ trợ không đồng đều. TP đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.
Đánh giá kết quả sau 15 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM nêu rõ, công tác triển khai nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương, tạo chuyển biến mạnh trong cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sĩ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”; lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Theo: Người Đưa Tin
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/ho-tro-hon-16-trieu-tui-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-dan-tphcm-a8110.html