Bộ Y tế cũng vừa ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của trạm y tế lưu động. Trong đó, có hướng dẫn cho người mắc Covid-19 hoặc thành viên gia đình chuẩn bị để cách ly F0 tại nhà.
Chuẩn bị để F0 cách ly, điều trị tại nhà
Theo Bộ Y tế, gia đình và người mắc Covid-19 cần lưu lại các số điện thoại của đường dây nóng phòng chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại khác có thể liên lạc khi cần thiết.
Gia đình phải lựa chọn phòng riêng và nhà vệ sinh riêng cho người nhiễm Covid-19 sử dụng hoặc lựa chọn vị trí phù hợp để phòng lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời, gia đình xác định một người trong gia đình phù hợp để chăm sóc F0 (nếu cần).
Bên cạnh đó, F0 và người nhà cần chuẩn bị các vật dụng tối thiểu: Khẩu trang y tế dùng 1 lần (tối thiểu đủ dùng cho cả gia đình trong 2 tuần); găng tay y tế (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 tuần); nhiệt kế, máy đo huyết áp; thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon để lót bên trong thùng.
Cũng theo hướng dẫn này, gia đình nên chuẩn bị dụng cụ cá nhân dùng riêng cho F0. Đó là bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
Bạn cũng phải chuẩn bị các thuốc đang sử dụng cho người trong gia đình: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày; Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).
Khi một người trong gia đình nhiễm Covid-19, có nghĩa các thành viên khác trong gia đình cũng có thể đã nhiễm. Do đó, các thành viên cần phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Cách để bệnh nhân Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà
Việc theo dõi sức khỏe F0 hàng ngày là rất cần thiết, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trở nặng để có xử trí và chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa ô xy trong máu -SpO2 (nếu có thể đo) và huyết áp (nếu có thể đo).
Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.
Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Khi thấy có một trong các dấu hiệu trở nặng, F0 hoặc gia đình liên hệ ngay với nhân viên y tế được phân công theo dõi sức khỏe của F0 hoặc trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu.
Theo: Vietnamnet
Link nội dung: https://doanhnhancuocsong.com/6-luu-y-dac-biet-voi-gia-dinh-co-benh-nhan-covid-19-cach-ly-dieu-tri-tai-nha-a8168.html